Hà Nội: Ứng dụng tối đa CNTT giúp các cơ sở kết nối, hỗ trợ nhau, để nâng cao chất lượng y tế cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ứng dụng tối đa CNTT giữa các cơ sở, như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử… là điều quyết định thành công và tính bền vững trong phát triển y tế cơ sở.

Hội thảo “Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động” nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về chiến lược, chính sách, giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Hội thảo “Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động” nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về chiến lược, chính sách, giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Đó là chia sẻ của TS. Trần Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đại biểu Quốc hội - tại hội thảo “Y tế cơ sở - từ chính sách đến hành động” do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng nay, 18/11, với sự tham dự của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng hơn 1.000 điểm cầu trong cả nước.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn các nhà quản lý, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về chiến lược, chính sách, giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở (YTCS), trong bối cảnh YTCS có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ (CSSK), nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, do những bất cập về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Khi dịch COVID-19 bùng phát, càng thấy vai trò của YTCS rất quan trọng, nhưng cũng mới thấy YTCS còn rất lúng túng, do chính sách pháp luật về YTCS chưa hoàn thiện; một số nơi chưa nhận thức đầy đủ, phát huy vai trò của YTCS; chưa tăng cường năng lực cho YTCS, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh.

 VT_Anh Tuyên.JPG
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu phải hình thành cơ sở dữ liệu YTCS đưa vào quản lý

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao Sở Y tế Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức hội thảo về YTCS và cũng là đơn vị được Bộ Y tế, Bộ Công an chọn thí điểm xây dựng hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân gắn với Đề án 06 của Chính phủ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận sự tiên phong của ngành y tế Hà Nội khi đi đầu trong những giải pháp sáng tạo để hoàn thiện YTCS, nhất là ứng dụng CNTT trong KCB, KCB từ xa, áp dụng ngay tại tại tuyến YTCS, xác định đúng YTCS phải là dự phòng hơn là KCB.

“Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện Chị - Em” giữa BVĐK Xanh Pôn với BVĐK huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế Ba Vì, Trung tâm Y tế Sóc Sơn - một cách làm mới trong công tác chỉ đạo tuyến, để nâng cao chất lượng CSSK nhân dân, giảm tải cho tuyến trên” - Thứ trưởng Tuyên khẳng định.

Với việc ứng dụng CNTT, BVĐK Xanh Pôn đã hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hàng ngày và cùng lúc cho nhiều đơn vị y tế tuyến xã với phương pháp đào tạo đa dạng, hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu: Phải hình thành cơ sở dữ liệu YTCS đưa vào quản lý, để khi lãnh đạo Bộ Y tế cần, là có ngay thông tin, không cần chờ báo cáo. Dữ liệu trên nền tảng nào cũng phải mở rộng, để ai cũng truy cập được. Mà muốn kết nối được phải có dữ liệu từ YTCS.

VT_Tran Nhi Ha.JPG
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Nhị Hà "bật mí": Điều quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình này là ứng dụng tối đa CNTT giữa các cơ sở.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Nhị Hà cho hay: Báo cáo giám sát của Quốc hội về phòng, chống dịch COVID-19 và YTCS đã cho thấy còn nhiều bất cập về YTCS. Nhiều chính sách chưa phù hợp cho YTCS, dẫn tới người dân lại vượt tuyến, chịu chi phí cao cho CSSK, khiến các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những quy định như phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, khi quy định cấp chứng chỉ một chuyên ngành, nhưng CSSK ban đầu là đa ngành; danh mục kỹ thuật tại trạm y tế xã không đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; chính sách thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế (BHYT) vv… đã làm giảm lượng người bệnh đến KCB tại YTCS.

Do vậy, các cơ sở KCB tuyến cơ sở đã bị hạn chế phát triển chuyên môn, thiếu thuốc tốt, trang thiết bị cần thiết, các thầy thuốc giỏi vv…

Nhằm chủ động nâng cao năng lực YTCS, Sở Y tế TP Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình “Bệnh viện Chị - Em” giữa Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn, BVĐK huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì với mục tiêu BVĐK Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.

“Điều quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình này là ứng dụng tối đa CNTT giữa các cơ sở, như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ.

VT_ 1000 điểm cầu 2.JPG
Hơn 1.000 điểm cầu trên cả nước tham gia hội nghị

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đã chỉ ra nhiều vấn đề cần được giải quyết để nâng cao chất lượng YTCS.

Trình bày “Nghiên cứu đánh giá về số ca nhập viện có thể phòng tránh được”, bà Đào Lan Hương - đại diện Ngân hàng Thế giới - cho biết: Khoảng 30% số ca nhập viện nội trú của Việt Nam là có thể dự phòng được thông qua tăng cường CSSK ban đầu và dự phòng hiệu quả.

Điều này cho thấy, vai trò trong phát hiện, điều trị sớm của YTCS rất quan trọng trong việc góp phần tránh vỡ quỹ BHYT và giảm tải bệnh viện tuyến trên.

VT_Dao Lan Huong.jpg
Bà Đào Lan Hương - đại diện Ngân hàng Thế giới - cho biết: Khoảng 30% số ca nhập viện nội trú của Việt Nam là có thể dự phòng

Thanh toán BHYT tại YTCS là vấn đề được các đơn vị y tế quan tâm. Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết: Những thách thức lớn nhất trong chính sách BHYT đối với YTCS là: Nhân lực của trạm y tế xã; Niềm tin của người dân với trạm y tế xã; Tác động của chính sách “thông tuyến”; Quyết tâm của người đứng đầu; Chất lượng KCB và Tài chính – Kinh tế y tế.

GS. Nguyễn Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội Bác sĩ Gia đình Việt Nam - nhấn mạnh việc YTCS phải có đội ngũ chăm sóc đa ngành. YTCS có vai trò quan trọng với người dân vì xử lý được được đa số các bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp, với chi phí hợp lý, người dân không phải đến BV tuyến trên.

Theo GS. Hoa, mô hình Bác sĩ Gia đình là một trong các giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng YTCS, khi là nơi chăm sóc tất cả các đối tượng, mọi lúc, mọi nơi, vì có trình độ tổng hợp của nhiều chuyên khoa đồng thời với những kiến thức về y học gia đình; sử dụng các dịch vụ phù hợp, lại chẩn đoán và điều trị sớm.

VT_BV DG.JPG
Chăm sóc sức khoẻ người dân từ YTCS, sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên

Tại hội thảo, đại diện Sở Y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động dự phòng, để Sở Y tế chủ động ban hành giá, đặt hàng; Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn nội dung thông tuyến BHYT và ban hành danh mục kỹ thuật phát hiện sớm bệnh ung thư do BHYT thanh toán. Bên cạnh đó, thanh toán BHYT với cấp cứu ngoại viện đang là khó khăn cho các trung tâm cấp cứu 115.

“Cần ban hành những cơ chế chính sách đột phá, nhất là cơ chế tài chính, cần giải pháp căn cơ để YTCS phát triển bền vững”- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề xuất.