Thành công của Apple và Tesla ở Trung Quốc cho Hoa Kỳ thấy bài học gì?

VietTimes – Các công ty Mỹ như Apple và Tesla đã nhận được sự phát triển thần tốc và lợi ích từ việc hợp tác với Trung Quốc.
Ảnh: SCMP

Trung tâm Belfer tại Trường Kennedy của Đại học Harvard đã phát hành một bài báo vào tháng 12 với tiêu đề “Đối thủ công nghệ vĩ đại: Trung Quốc và Mỹ”, phân tích tình trạng công nghệ của hai nền kinh tế khổng lồ.

Giáo sư Harvard Graham Allison, tác giả chính của báo cáo và Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, cũng đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Phố Wall về chủ đề này. Họ cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo, 5G, khoa học thông tin lượng tử, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Nghiên cứu đã xác định phương pháp tiếp cận “toàn xã hội” của Trung Quốc là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Nhưng điều này đã thúc đẩy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc như thế nào? Hoa Kỳ cần hiểu biết toàn diện về điều gì đã thúc đẩy khả năng đổi mới của Trung Quốc nói chung, để các nhà hoạch định chính sách có thể phát triển một phản ứng chiến lược hiệu quả hơn.

Các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc đưa ra các ưu tiên và phản ứng của đất nước đối với những thay đổi cả trong và ngoài nước. Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ từ lâu đã chế giễu hệ thống lập kế hoạch từ trên xuống của Trung Quốc, những chỉ thị này nhìn chung đã mang lại kết quả tốt cho đất nước tỉ dân này, đặc biệt là trong vài thập kỷ qua.

Mới đây, ông Schmidt khẳng định Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về AI và tình cờ đây là lĩnh vực mà Trung Quốc bắt đầu tập trung vào hơn một thập kỷ trước.

Các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với một loạt công nghệ, chẳng hạn như chip bán dẫn cao cấp, đã kích thích sự phát triển nội địa nhanh hơn ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia trên thế giới kỳ vọng Trung Quốc sẽ đuổi kịp phương Tây, Đài Loan và Hàn Quốc về chip cao cấp trong một tương lai không xa.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đã công bố một báo cáo về nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (đặc biệt là Big Data) và các công nghệ quan trọng, cũng như sự chuyển đổi số của các ngành công nghiệp và dịch vụ công truyền thống, trong 5 năm tới.

Chính sách công nghiệp của chính phủ không có gì mới. Tổng thống Franklin Roosevelt đã hồi sinh nền kinh tế Mỹ sau cuộc Đại suy thoái với tài liệu chính sách được gọi là Thỏa thuận mới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã phát triển nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980 bằng cách xác định các chính sách và ưu tiên ngành công nghiệp của họ.

Trong khi Trung Quốc theo đuổi chính sách quy hoạch từ trên xuống, nước này cũng phát triển các doanh nghiệp tư nhân năng động cùng với các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra một nền cơ cấu kinh tế kép độc đáo.

Các doanh nghiệp nhà nước cung cấp hàng hóa công, thường bỏ qua lợi nhuận kinh tế để thực hiện các trách nhiệm xã hội của họ. Những hàng hóa công cộng và cơ sở hạ tầng này lần lượt hỗ trợ tất cả các loại hình doanh nghiệp, nước ngoài và trong nước, tạo ra một hệ sinh thái tốt hơn cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền trung ương và các doanh nghiệp tư nhân, phân bổ nguồn lực theo những lĩnh vực ưu tiên của Bắc Kinh, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua tài trợ, ươm tạo các công ty khởi nghiệp và quan hệ đối tác công tư. Cách tiếp cận phân lớp này đảm bảo các nguồn lực của quốc gia được sử dụng để đáp ứng các mục tiêu quan trọng nhất, mang lại sự gắn kết và khả năng phục hồi.

Tại sao và làm thế nào để điều này xảy ra? Kể từ khi Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất kết thúc vào năm 1842, giới tinh hoa Trung Quốc đã suy ngẫm sâu sắc về cách tái thiết Trung Quốc. Họ biết rằng khoa học và công nghệ, cùng với các công cụ khác, sẽ là chìa khóa để phục hưng quốc gia.

Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại đã phát triển, tinh chỉnh và học hỏi từ nhiều nền triết học theo thời gian. Bản chất bao trùm này, cùng với việc tiếp thu các tư tưởng chính trị của phương Tây như chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Mác, đóng vai trò là xương sống cho tư duy hiện đại của Trung Quốc ngày nay.

Tại lễ kỷ niệm một trăm năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh chủ đề “Học hỏi từ lịch sử và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt công nghệ, Trung Quốc đang dần thức đẩy và phát triển để có thể tự chủ về một loạt các công nghệ quan trọng này. Với các mục tiêu được nêu rõ ràng và chính đáng, người dân và doanh nghiệp đã sẵn sàng đồng hành với các kế hoạch và chính sách của chính phủ.

Ảnh: SCMP

Các tập đoàn đa quốc gia phương Tây hoạt động tại Trung Quốc hiểu rõ cách tiếp cận này hơn nhiều so với các chính trị gia. Doug Guthrie thuộc Apple, gần đây đã nhấn mạnh lý do tại sao việc ở Trung Quốc lại quan trọng như vậy đối với sự thành công của Apple.

Là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, các nhóm nhà cung cấp, nguồn nhân lực dồi dào và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã tạo ra một cấu trúc cung cấp độ tin cậy vô song, chi phí, chất lượng và thời gian được tối ưu hóa.

Apple và các đối tác Trung Quốc đã đồng tạo ra các tài sản trí tuệ cần thiết cho sản phẩm của Apple, dẫn đến đôi bên cùng có lợi. Kể từ đó, Apple đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới được định giá trên 3 nghìn tỉ USD.

Những bước thành công tương tự cũng đã đến với Tesla và Nvidia. Khi Tesla gặp khó khăn tại Mỹ vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ nhà máy kinh doanh mới ở Thượng Hải với khoản vay 1,4 tỉ USD từ một số ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Điều đó đã làm thay đổi số phận của Tesla.

Ngày nay Tesla là thương hiệu ô tô điện bán chạy nhất ở Trung Quốc và một nửa số lượng xe Tesla được sản xuất tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải.

Tương tự, công ty bán dẫn Nvidia của Mỹ được hưởng lợi to lớn từ nhu cầu lớn về chip ô tô ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

Ali Kani, Phó chủ tịch của Nvidia, nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực xe điện đang ngày một phát triển tại Trung Quốc đối với nỗ lực của công ty nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh ô tô toàn cầu, dự kiến ​​có doanh thu 8 tỉ USD trong sáu năm tới.

Nhiều công ty công nghệ của Mỹ đã được hưởng lợi từ việc trở thành một phần của nền kinh tế Trung Quốc và hiểu được hiệu quả của cách tiếp cận quản trị của Trung Quốc. Các công ty này có một điểm chung: họ coi việc hợp tác với Trung Quốc là đôi bên cùng có lợi.

Điều tương tự cũng được áp dụng ở cấp quốc gia. Trong khi nghiên cứu của Harvard Belfer gọi mối quan hệ Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ là “sự cạnh tranh”, có lẽ đây là sự cạnh tranh ở những lĩnh vực cần thiết và hợp tác ở những khía cạnh thích hợp.

Rốt cuộc, công nghệ có thể cải thiện cuộc sống của con người, đó phải là trách nhiệm của các cường quốc trong việc thúc đẩy sự nghiệp đó vì lợi ích của nhân loại.