Chiều 5/4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, về những vướng mắc tại dự án đường sát trên cao Cát Linh - Hà Đông, vừa qua Bộ GTVT đã làm việc với Tổng thầu Trung Quốc, với thái độ tích cực Tổng thầu đã đưa ra một lộ trình đến tháng 10/2017 dự án sẽ được vận hành kỹ thuật, và cố gắng sang năm 2018 sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Thứ trưởng Trường cho biết, việc vay vốn thực hiện dự án, Bộ GTVT đã tích cực làm việc với Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc, nếu không có gì thay đổi trong tháng 4/2017 nguồn vốn này sẽ được khai thông.
Trước đó, đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết, năm 2016, Ban QLDA Đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành cơ bản kết cấu chính hạ tầng chạy tàu với tiến độ tốt, sản lượng thực hiện cao và đã giải ngân hết kế hoạch vốn bố trí cho dự án. Tuy nhiên, bước vào năm 2017, dự án cũng đứng trước nhiều khó khăn khi giá trị khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn bố trí, nhất là vào giai đoạn đang hoàn thiện công trình đòi hỏi dòng tiền liên tục và đều đặn. Ban QLDA Đường sắt hiện đang chờ nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2017 để giải ngân tiếp sản lượng đã thực hiện.
Về nguồn vốn vay bổ sung cho dự án (tương đương 250,62 triệu USD), hiện Ban QLDA Đường sắt đang cùng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thống nhất các điều khoản chi tiết sớm ký kết hiệp định vay.
Để tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là nguồn vốn, việc ký kết gia hạn Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi và ký kết Hiệp định vay vốn bổ sung cần được tiến hành khẩn trương, đồng thời bổ sung kế hoạch vốn năm 2017, từ đó mới bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện dự án.
Trong lần kiểm tra thực tế các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các dự án này đều chậm tiến độ so với mục tiêu ban đầu đề ra. Vì vậy, cần tập trung quyết liệt triển khai để đẩy nhanh tốc độ thực hiện, sớm hoàn thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 133 triệu USD. Tuy nhiên, dự án đã bị đội vốn ở mức cao, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ đưa vào khai thác năm 2016, nhưng do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, tiến độ dự án đã bị đẩy lùi đến năm 2018 mới đi vào khai thác thương mại.