Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 của Mỹ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức 4% ghi nhận hồi tháng 5 và thấp hơn mức dự báo mà các nhà phân tích đưa ra. Lạm phát cơ bản - đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng - cũng tăng chậm hơn so với dự báo, đạt mức 4,8%.
Đáng chú ý, giá dịch vụ cơ bản (ngoại trừ nhà ở) - chỉ số trọng yếu trong mô hình dự báo lạm phát của Fed - cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Chăm sóc y tế và các dịch vụ giải trí đều không thay đổi, trong khi dịch vụ vận tải tăng 0,1%, dịch vụ giáo dục giảm 0,3% trong tháng 6.
Nhìn chung, dữ liệu trong tháng 6 cho thấy Fed đã đạt được tiến triển nhất định trong chu kỳ thắt chặt chính sách, sau khi họ tăng lãi suất 10 lần liên tiếp và đẩy lãi suất tham chiếu lên khoảng 5%-5,25%.
Việc lạm phát hạ nhiệt là tin tốt lành đối với Fed. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm, và công việc của họ sẽ càng khó khăn hơn kể từ thời điểm này, theo Barron's.
Bởi việc đưa lạm phát từ 3% xuống mức mục tiêu 2% được xem là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều dành cho Fed - và nó có thể gây nhiều tác động hơn tới nền kinh tế và các thị trường tài chính – nếu so với việc giảm lạm từ mức đỉnh 9% xuống 3%.
Để đạt được mức lạm phát mục tiêu, nền kinh tế Mỹ phải giảm tốc, thất nghiệp có thể sẽ tăng lên, theo các nhà kinh tế học.
Khối lượng công việc còn lại khả năng sẽ khiến giới chức Fed phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ, cụ thể bằng việc nâng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp chính sách từ ngày 25 - 26/7 tới. Nhiều nhà đầu tư cũng có dự báo như vậy, khi có 92% đặt cược vào khả năng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất vào cuối tháng này – sau khi có dữ liệu lạm phát mới nhất.
Điều này cũng phù hợp với phát biểu mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra trong phiên điều trần với các nhà lập pháp trong hôm 21/6. Ông Powell khẳng định rằng Fed sẽ hết sức tập trung vào việc kiềm chế lạm phát và sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong những tháng tới. Ông thừa nhận rằng sứ mệnh kiềm chế lạm phát vẫn còn “một chặng đường dài để đi”.
Tại phiên điều trần, ông Powell cũng giải thích về việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, cho rằng quyết định này được đưa ra là bởi nhiều yếu tố, bao gồm “độ trễ” để chính sách tiền tệ tác động tới nền kinh tế, và khả năng các điều kiện tín dụng bị siết chặt hơn sẽ làm chậm hoạt động của nền kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách siết chặt.
“Chúng tôi chưa từng dùng cụm từ “dừng” và cũng sẽ không dùng đến nó tại đây ngày hôm nay”, ông Powell nói với các nhà lập pháp.
Lưu ý, dữ liệu lạm phát thường niên tháng 6/2023 mà Bộ Lao động Mỹ công bố được so sánh với nền cao của tháng 6/2022 - khi giá khí đốt tăng vọt và lạm phát đạt đỉnh. Đây là một hiện tượng mà các nhà kinh tế học gọi là “hiệu ứng cơ sở” (base effects).
Miễn là đà tăng trưởng kinh tế còn cao và thị trường lao động còn mở rộng, như trong tháng 6, Fed vẫn sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất. Sau cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, sẽ có thêm nhiều dữ liệu được công bố, và cả các tuyên bố từ giới chức Fed, để các thị trường có thêm cơ sở để dự đoán bước đi tiếp theo./.
Lương tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp tiếp tục gây sức ép với Fed
Fed dồn dập tăng lãi suất nhưng lạm phát vẫn dai dẳng, vì sao?
Chủ tịch Fed muốn giảm nhịp độ nâng lãi suất
Theo Barron's