|
Truyền thông Mỹ đưa tin về vụ Không quân Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh AGM-183A (Ảnh: Thedrive). |
Theo CNN và The Drive, vào ngày 9/12, một chiếc B-52 đã phóng thử nghiệm tên lửa AGM-183A "Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không" (Air-Launched Rapid Response Weapon, ARRW) ở ngoài khơi bờ biển Nam California, tên lửa đã bay ở tốc độ vượt quá Mach 5, đánh trúng thành công khu vực mục tiêu đã định và đạt được tất cả các mục tiêu dự kiến của cuộc thử nghiệm. Trong khi các cuộc thử nghiệm trước đây tập trung vào tên lửa đẩy, đây là cuộc thử nghiệm toàn hệ thống đầu tiên.
Do hiện nay cả Trung Quốc và Nga, thậm chí cả Triều Tiên đều đã đạt được tiến bộ trong việc nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh, Lầu Năm Góc cũng ngày càng chú ý nhiều hơn đến việc thử nghiệm và phát triển loại vũ khí này. Nga đã triển khai và sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal phóng từ trên không ở Ukraine, đây có lẽ là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh.
|
Máy bay ném bom B-52 mang tên lửa AGM-183A cất cánh (Ảnh: Thedrive). |
Về phía Trung Quốc, năm ngoái PLA cũng đã thử nghiệm Hệ thống ném bom quỹ đạo phân đoạn (Fractional Orbital Bombardment System, FOBS) có thể triển khai các vật thể lượn siêu thanh. Theo ông Chance Saltzman, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Lực lượng vũ trụ Mỹ, người dùng có thể thông qua hệ thống này để điều khiển vũ khí ở trên quỹ đạo bao lâu tùy thích và rời đi cho đến khi họ muốn. Ông nói thêm rằng đây là một khả năng công nghệ rất tiên tiến và Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ phải nhanh chóng tìm ra biện pháp gì để ngăn chặn nó.
Theo một bài viết trên trang web Breaking Defense ngày 12/12, nếu khả năng chiến đấu của tên lửa AGM-183A có thể khắc phục được ý kiến bảo lưu của một số quan chức cao cấp của Lực lượng Không quân Mỹ, thì cuộc thử nghiệm quan trọng này có thể là một cột mốc quan trọng đối với nhà sản xuất Lockheed Martin, sẽ mở đường cho việc họ sản xuất vũ khí này sớm nhất từ năm 2024.
Tên lửa AGM-183A là một vũ khí siêu thanh được Lực lượng Không quân Mỹ lên kế hoạch sử dụng. Được Lockheed Martin phát triển, tên lửa này được cho là có tốc độ tối đa Mach 20, áp dụng công nghệ lượn toàn bộ quá trình bay và có tầm bắn tối đa 1.600 km.
|
Lắp tên lửa AGM-183A lên máy bay B-52 (Ảnh: Thedrive). |
Theo một bài viết trên tờ Popular Mechanics, Không quân Mỹ đang xem xét sử dụng phi đội B-1B còn lại làm nền tảng phóng AGM-183. Tên lửa AGM-183A có tốc độ tối đa 15.345 dặm/giờ (tức 24.695 km/giờ).
Loại vũ khí này sử dụng một hệ thống tăng tốc lượn trong đó một tên lửa gắn trên tên lửa mang đẩy nó đạt tới tốc độ siêu âm trước khi lướt về phía mục tiêu. Theo Popular Mechanics, từ tháng 4/2020, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đã xem xét sử dụng phi đội máy bay ném bom B-1B còn lại làm nền tảng phóng AGM-183A, với tối đa 31 giá treo vũ khí được gắn bên trong và bên ngoài mỗi chiếc máy bay.
Vào tháng 8/2018, Không quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 480 triệu USD cho Lockheed Martin để phát triển vũ khí siêu thanh phóng từ trên không. Tên lửa ARRW AGM-183A đã được thử nghiệm lần đầu tiên bằng cách treo trên một chiếc B-52 vào tháng 6/2019.
|
Hình ảnh mô phỏng vụ phóng (Ảnh: Thedrive). |
Tháng 2/2020, chính quyền Donald Trump đề xuất tăng 23% kinh phí cho vũ khí siêu thanh và trong cùng tháng, Không quân Mỹ thông báo họ đã quyết định tiếp tục mua AGM-183A.
Tháng 3/2020, Michael Griffin, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Nghiên cứu và Công nghệ, tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng đưa vũ khí siêu thanh vào sử dụng.
Ngày 5/4/2021, Không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đẩy ARRW AGM-183 lần đầu tiên và tên lửa đã không được phóng thành công trong quá trình thử nghiệm.
Tháng 7/2021, Không quân Mỹ lần đầu tiên cho nổ đầu đạn do ARRW AGM-183 mang theo để thu thập dữ liệu về mức độ sát thương của vũ khí.
Ngày 28/7/2021, Không quân Mỹ đã tiến hành chuyến bay thử lần thứ hai của tên lửa đẩy ARRW, nhưng tên lửa đẩy không điểm hỏa thành công sau khi tên lửa được phóng.
Ngày 15/12/2021, Không quân Mỹ đã tiến hành vụ phóng thử AGM-183A lần thứ ba, nhưng trong quá trình phóng thử, tên lửa đã không rời khỏi máy bay mang được và vụ thử kết thúc thất bại.
|
Tên lửa lượn chuẩn bị rời khỏi tên lửa mang (Ảnh: Thedrive). |
Sau nhiều lần phóng thử vũ khí thất bại, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngân sách Không quân James Pesia nói Lực lượng Không quân đã hủy kế hoạch mua 12 tên lửa trong dự toán ngân sách năm tài chính 2023 và sẽ yêu cầu chi 577 triệu USD cho ARRW và nghiên cứu tên lửa hành trình siêu thanh.
Ngày 14/5/2022, Không quân Mỹ tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh ARRW AGM-183A phóng từ máy bay ném bom B-52 với tốc độ gấp 5 lần âm thanh (Mach 5).
Lần này, ngày 9/12, tên lửa siêu thanh ARRW AGM-183A phóng từ máy bay ném bom B-52 đã đạt tốc độ Mach 5 và đánh trúng mục tiêu, đạt được hầu hết các mục đích dự kiến.
Trên thực tế, cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đặt mục tiêu phát triển vũ khí siêu thanh nhằm tăng cường năng lực răn đe chiến lược và đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ bên ngoài. Hiện tại, Nga đã và đang đầu tư rất lớn cho phát triển vũ khí siêu thanh, nhằm chiếm vị trí tiên phong trong cuộc cách mạng quân sự mới. Sở dĩ như vậy, bởi Nga coi vũ khí siêu thanh là vũ khí chủ yếu sử dụng trong tác chiến không gian vũ trụ tương lai. Với đặc điểm tốc độ nhanh, chính xác, linh hoạt và hiệu quả, loại vũ khí này sẽ có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với chiến tranh tương lai. Và trong thực tiễn, công nghệ vũ khí tấn công ở vận tốc siêu thanh đã được người Nga gọi là “công nghệ thế hệ sáu trong lĩnh vực quân sự”. Được quan tâm và đầu tư lớn, hiện Nga được cho là đã vượt Mỹ trong phát triển công nghệ vũ khí siêu thanh, thậm chí đã triển khai và sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong cuộc chiến ở Ukraine. Đây sẽ là loại vũ khí có thể giúp Nga đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài.
|
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Trung Quốc đã thành công trong phát triển đầu đạn tên lửa lượn siêu thanh DF-ZF, phóng từ tên lửa đạn đạo tầm gần Dongfeng-17 (DF-17). Tên lửa lượn siêu thanh DF-ZF được Trung Quốc coi là vũ khí để thực hiện chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực (A2/AD), chủ yếu là ngăn chặn lực lượng tác chiến của cụm tàu sân bay tấn công ngoài khơi Trung Quốc. Về lĩnh vực này, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc chỉ lạc hậu sau Nga một vài năm. Để kiểm nghiệm các loại phương tiện bay siêu thanh, họ đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, gồm việc xây dựng một đường hầm gió đặc biệt nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, cho phép thử nghiệm bay ở tốc độ trên Mach 9.
Đối với Mỹ, ngay từ đầu thế kỷ 21, Washington đã bắt đầu đề xuất kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu”, phát triển công nghệ siêu thanh, với mục tiêu chủ yếu là kiềm chế các đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc. Theo đó, Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở châu Âu để đối phó Nga, ở hướng biển Hoa Đông và Biển Đông để duy trì thế kiềm chế Trung Quốc. Mỹ dự kiến bố trí một số lượng nhất định vũ khí siêu thanh ở châu Âu và Thái Bình Dương. Động thái này tiếp tục làm nổi bật ý đồ chiến lược trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của Mỹ để nhằm kiềm chế các đối thủ. Theo ý tưởng tác chiến “tấn công nhanh toàn cầu”, sau khi hạ quyết tâm tác chiến, vũ khí siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu bất kỳ trên toàn cầu trong vòng một giờ. Kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” với cốt lõi là vũ khí siêu thanh, đối với Mỹ, là một lựa chọn có tỷ lệ hiệu quả/chi phí cao, vận dụng tác chiến linh hoạt. Trong khi đó, tên lửa lượn siêu thanh có sát thương phụ nhỏ, nên sử dụng tác chiến linh hoạt. Điều đó cho thấy, Mỹ rõ ràng có ý định sử dụng vũ khí siêu thanh chống lại một số mục tiêu nguy hiểm có thể nhanh chóng cơ động thay đổi vị trí. Bên cạnh đó, do tốc độ bay nhanh, độ chính xác tấn công cao, thậm chí vũ khí siêu thanh không mang đầu đạn, vẫn có thể thông qua động năng để trực tiếp tiêu diệt mục tiêu, thích hợp cho tấn công đánh đòn phủ đầu vào các mục tiêu quan trọng như người lãnh đạo quốc gia, thủ lĩnh tổ chức khủng bố, cơ sở hạt nhân chiến lược, trung tâm chỉ huy quân sự và hệ thống phòng không chống tên lửa, v.v.
|
Video về Không quân Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh AGM-183A hôm 9/12 (Nguồn: Thedrive). |
Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế có một khoảng cách. Nhiều năm qua, Mỹ đã tiến hành vô số cuộc thử nghiệm nhưng đều thất bại. Nay tuy họ tuyên bố đã thử nghiệm thành công, nhưng từ thử nghiệm thành công đến khi sản xuất hàng loạt, triển khai và đưa vào sử dụng là cả một quá trình khá lâu dài và không hề dễ dàng…