Tàu ngầm, tàu sân bay Nhật tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc nổi đóa

VietTimes -- Việc Nhật đưa tàu ngầm tham gia diễn tập quân sự ở Biển Đông cho thấy thái độ mạnh mẽ của chính phủ Nhật chống lại những yêu sách phi lý về lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã bày tỏ hậm hực trước động thái này của người Nhật.
Tàu ngầm Kuroshio của Nhật đang thăm cảng Cam Ranh
Tàu ngầm Kuroshio của Nhật đang thăm cảng Cam Ranh

The New York Times ngày 19/9 đã đăng bài phân tích về vấn đề này.

Bài báo viết: hôm 17/9, Nhật đã có một động thái khác thường, tuyên bố sẽ tham gia diễn tập quân sự ở Biển Đông với việc cử 2 tàu khu trục và 1 tàu sân bay chở trực thăng và 1 tàu ngầm tới hoạt động tại vùng biển này. Cục Phòng vệ Nhật cho biết, cuộc diễn tập này không nhằm vào bất cứ quốc gia đặc biệt nào, nhưng giới phân tích cho rằng, động thái này của họ rõ ràng nhằm phát đi thông điệp tới Trung Quốc.

“Tín hiệu mà chúng tôi muốn phát đi là, Trung Quốc không thể tùy tiện hành động mà tránh khỏi sự trừng phạt” – ông Narushige Michishita, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu An ninh và quốc tế trực thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc gia (National Graduate Institute for Policy Studies) nói.

Đây là lần đầu tiên Nhật phái tàu ngầm tham gia một cuộc diễn tập ở Biển Đông. Cả Cục Phòng vệ và tờ Ashahi Shimbun đưa tin này trước khi nó chính thức được công bố, đều không nêu rõ vị trí cụ thể diễn ra cuộc diễn tập.

Chiếc tàu ngầm tham gia cuộc diễn tập này có tên Kuroshio, từ hôm 17/9 đã bắt đầu cập cảng Cam Ranh của Việt Nam tiến hành chuyến thăm 5 ngày để gia tăng nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa Nhật với các nước Đông Nam.

Trung Quốc luôn rêu rao đại bộ phận Biển Đông đều là "lãnh thổ" của họ. Mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã ráo riết bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo rộng lớn và xây dựng các căn cứ quân sự tại đó. Các quốc gia khác, trong đó có Australia và Ấn Độ cũng đang cảnh giác theo dõi sự phát triển về lực lượng quân sự của Trung Quốc. Khi mà Mỹ rút ra khỏi khu vực này, lực lượng quân sự Trung Quốc liền bắt đầu thách thức địa vị bá chủ của Mỹ.

Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật sẽ tham gia diễn tập trên Biển Đông
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật sẽ tham gia diễn tập trên Biển Đông 

Vào lúc Nhật tiến hành diễn tập quân sự, quan hệ giữa họ với Trung Quốc đang ấm lên. Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ thăm Trung Quốc và gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới. Các nhà phân tích cho rằng, với sự phát triển quan hệ với đối thủ cạnh tranh, Nhật đang tiến hành thăm dò. “Tôi cho rằng đó là một ví dụ rất rõ về tính phức tạp của các mối quan hệ hiện nay” – Giáo sư Kristi Govella chuyên gia nghiên cứu châu Á của Phân hiệu Manoa, Đại học Hawaii nói – “Nhật Bản và Trung Quốc tồn tại dựa vào nhau, giữa hai nước có nhiều lợi ích chung, nhưng đồng thời cũng tồn tại một số vấn đề và quan hệ căng thẳng”.

Nhật có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cả hai nước đều tuyên bố mình có chủ quyền đối với một cụm đảo nhỏ, Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư. Mặc dù quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, nhưng Nhật vẫn đang nỗ lực khởi động cuộc đàm phán về một hiệp định mậu dịch toàn diện, nhằm tạo nên một tập đoàn kinh tế không bao gồm Trung Quốc trong đó.

Trung tướng Hải quân về hưu Toshiyuki Ito hiện là Giáo sư Đại học Kanazawa Institute of Technology, nói: “Trước đây Nhật phân loại các quốc gia khác thành bạn bè hoặc kẻ thù, nhưng điều đó không thực tế. Cuối cùng Nhật đã trở nên chín chắn, chìa tay phải bắt, tay trái nắm gươm. Đó là điều 20 năm trước không thể tưởng tượng nổi”.

Mấy tháng gần đây, Anh và Pháp đều đưa các tàu chiến tới Biển Đông. Điều này phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của quốc tế, nhất là các đồng minh của Mỹ, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ông Abigail Grace, nghiên cứu viên Chương trình an ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (Center for New American Security) nói: “Mỹ, các đồng minh và đối tác đang khẩn trương hành động; những hành động này trước kia chỉ do mình Mỹ thực hiện. Vì vậy, hành động đa phương rộng rãi này sẽ thực sự gây hại cho chủ trương của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế và Mỹ đang tích cực nỗ lực để đảm bảo đó không chỉ là nỗ lực do Mỹ chủ đạo”.

Cảnh Sảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm 17/9, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên liên quan đến cuộc diễn tập của Nhật, đã nói: Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang “xử lý ổn thỏa những bất đồng về Biển Đông” giữa các bên. Ông ta còn đốc thúc Nhật “hãy tôn trọng” những nỗ lực đó, “đừng làm những việc gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực”.

Tổng thống Donald Trump sau khi lên cầm quyền đã tỏ ra hoài nghi về vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh, ngầm bày tỏ Mỹ có thể triệt thoái các bố trí quân sự của mình ở Nhật và Hàn Quốc. Đồng thời, Nhật cũng điều chỉnh lại chiến lược của mình, tăng cường quan hệ với Australia, Việt Nam và các quốc gia khác. Lauren Richardson, giảng viên về quan hệ Đông Bắc Á của Đại học công lập Australia cho rằng: “Nhật Bản ý thức được rằng liên minh Mỹ - Nhật không đủ để răn đe Trung Quốc”.

Bất cứ tranh chấp nào của Mỹ ở Biển Đông đều không hàm chứa yêu cầu về lãnh thổ.mặc dù họ thường xuyên thực thi hoạt động gọi là tự do hàng hải ở vùng biển này. Theo sự phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) thì tuyến hàng hải mậu dịch qua Biển Đông có giá trị tới 3.370 tỷ USD, vì vậy cũng giống như Nhật và các quốc gia khác trong khu vực, Mỹ có lợi ích thương mại to lớn trong việc đảm bảo cho tuyến hàng hải này thông suốt. Vào tháng 3/2018, khi một tàu sân bay Mỹ vào thả neo tại một cảng (Đà Nẵng) của Việt Nam, quan chức quân đội Mỹ đã mô tả chuyến thăm này là một động thái thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực.

Tàu ngầm Kuroshio cập cảng Cam Ranh lthăm và giao lưu hữu nghị với Hải quân Việt Nam (Ảnh: Báo Thanh niên)
Tàu ngầm Kuroshio cập cảng Cam Ranh lthăm và giao lưu hữu nghị với Hải quân Việt Nam  (Ảnh: Báo Thanh niên)

Ông Yasuo Nishida, người phát ngôn của Lực lượng phòng vệ trên biển (Hải quân) Nhật nói, mục đích chủ yếu của việc tàu ngầm Kuroshio cập cảng Cam Ranh là để tiến hành giao lưu hữu nghị với Việt Nam. Trong chuyến ở thăm 5 ngày này, thủy thủ đoàn tàu Kuroshio sẽ cùng giao lưu và thi đấu bóng đá với các thủy thủ Việt Nam.

The New York Times kết luận: Các nhà phân tích cho rằng, mục đích chuyến thăm này không chỉ như thế. “Nhật đang tiếp xúc với các quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc nhằm phát đi tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng: chúng tôi đang tiếp xúc và tăng cường hợp tác về an ninh với các quốc gia khác” – nhà chính trị học Jeffrey W. Hornung – người chuyên nghiên cứu về Nhật Bản của Công ty RAND khẳng định.