Philippines phản đối Trung Quốc kéo nhà máy điện hạt nhân nổi tới Biển Đông

VietTimes -- Việc Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ (Floating Nuclear Power Plant – FNPP) ở Biển Đông đang dấy lên làn sóng lo ngại. Philippines – nước có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông hôm 27/8 đã lên tiếng phản đối, bày tỏ không cho phép quốc gia nào mang vũ khí hay nhà máy điện hạt nhân tới khu vực đang có tranh chấp giữa nhiều bên này.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ cấp điện cho các giàn koan dầu trên biển
Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ cấp điện cho các giàn koan dầu trên biển

Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, bản báo cáo “Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới Trung Quốc” đệ trình lên Quốc hội Mỹ hôm 16/8 của Lầu Năm Góc viết: “Vào năm 2017, Trung Quốc nói rõ đang tiến hành một kế hoạch phát triển xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ để cung cấp điện cho các đảo, bãi đá ở biển Nam Trung Quốc (tức Biển Đông) – nơi dễ xuất hiện các cơn bão lốc. Kế hoạch này sẽ được triển khai trước năm 2020”.

Trước thông tin này, Bộ trưởng Quốc phòng  Philippines Delfin Lorenzana đã bày tỏ kiên quyết phản đối việc Trung Quốc có thể bố trí hạt nhân ở Biển Đông. Hôm 27/8, ông tuyên bố trước các nhà báo khi tham gia hoạt động bên lề cuộc tập trận RIMPAC-2018: “Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối. Chúng tôi không cho phép Trung Quốc đem vũ khí hạt nhân hoặc các nhà máy điện hạt nhân vào khu vực biển đang có tranh chấp này”. Ông nói thêm: “Chúng tôi đang xử lý tranh chấp thông qua con đường ngoại giao. Trung Quốc không cần phải quân sự hóa (Biển Đông) đến mức như hiện nay”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana: “Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối. Chúng tôi không cho phép Trung Quốc đem vũ khí hạt nhân hoặc các nhà máy điện hạt nhân vào khu vực biển đang có tranh chấp này”
Bộ trưởng Quốc phòng  Philippines Delfin Lorenzana: “Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối. Chúng tôi không cho phép Trung Quốc đem vũ khí hạt nhân hoặc các nhà máy điện hạt nhân vào khu vực biển đang có tranh chấp này” 

Trước đó, hôm 23/8, ông Harry Roque, người phát ngôn Cung Malacanang (Phủ Tổng thống) cũng nói trong cuộc họp báo: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại đối với bất cứ nước nào mang vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Philippines, vì Hiến pháp Philippines quy định chúng tôi là vùng phi hạt nhân”. Ông cũng nhắc lại, các quốc gia trong hiệp hội ASEAN năm 1995 đã ký kết Hiệp ước phi hạt nhân hóa Đông Nam Á (SEANWFZ). Tất cả mọi quốc gia đều cần tôn trọng chính sách phi hạt nhân hóa.  Ông nói, dù bất cứ quốc gia nào mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ Philippines hay quốc gia thành viên ASEAN nào, chúng tôi đều bày tỏ quan ngại”.

Mô hình 2 nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ của Trung Quốc
Mô hình 2 nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ của Trung Quốc 

Trước đó, tờ “Thời báo Hoàn cầu” – một ấn phẩm của tập đoàn Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 14/7/2016 đã dẫn lại nguồn tin trên trang nhà của Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (Trung Hạch - China National Nuclear Corporation – CNNP) cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông để phục vụ nhu cầu năng lượng trong nước và các đảo. “Thời báo Hoàn cầu” cũng dẫn lời một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho rằng: các nhà máy này có khả năng cung cấp một nguồn điện ổn định cho các hải đăng, hoạt động khử muối để ngọt hóa nước biển, giúp cho công tác cứu hộ,   phòng vệ, hoạt động của sân bay và hải cảng trên các đảo, bãi của Trung Quốc nằm trong khu vực Biển Đông.

Người này nói: “Bình thường chúng ta phải đốt dầu hay than để lấy điện. Bởi vì có khoảng cách rất xa giữa quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và đất liền Trung Quốc cùng với việc thời tiết và điều kiện biển luôn thay đổi, nên việc vận chuyển nhiên liệu là một vấn đề. Đó là lý do tại sao nhà máy điện hạt nhân trên biển là rất quan trọng”.

“Thời báo Hoàn cầu” tiết lộ, Trung Quốc đang phát triển hai mẫu thiết kế nhà máy điện hạt nhân di động trên biển: một dạng nổi và một dạng chìm. Các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ FNPP này là sự kết hợp hữu cơ giữa lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ với công trình tàu; có thể giúp cung cấp năng lượng an toàn, hiệu quả cho các giàn khoan khai thác dầu khí và các đảo, bãi ở vùng xa xôi, và cũng có thể dùng cho các tàu công suất lớn cùng việc ngọt hóa nước biển.

“Thời báo Hoàn cầu” cho rằng, với một nhà máy điện hạt nhân nổi neo bên cạnh, đảo nhan tạo Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ tôn tạo trái phép sẽ trở thành tàu sân bay trên biển
“Thời báo Hoàn cầu” cho rằng, với một nhà máy điện hạt nhân nổi neo bên cạnh, đảo nhan tạo Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ tôn tạo trái phép sẽ trở thành tàu sân bay trên biển 

“Thời báo Hoàn cầu” đặc biệt nhấn mạnh, các các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ này sẽ giúp cung cấp năng lượng và bảo đảm nước ngọt cho các đảo, bãi mà họ đang chiếm giữ trái phép ở Trường Sa. Báo này viết: “Từ lâu nay, do vấn đề cung ứng điện nên nước ngọt cung ứng cho quan binh trên các đảo không được đảm bảo, chỉ có thể dùng tàu thuyền nhỏ chở từ đất liền tới; nếu gặp phải thời tiết khắc nghiệt thì họ chỉ sống nhờ nước mưa. Do thiếu nước ngọt, nên bộ đội trong thời gian dài không được tắm giặt”.

Báo này rêu rao: Việc xây dựng lắp đặt các các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ sẽ giúp cho Trung Quốc tiến hành khống chế thực tế cũng như đẩy nhanh việc khai thác thương mại khu vực Biển Đông.

“Thời báo Hoàn cầu” cho rằng, các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ này là công nghệ do Trung Quốc sáng tạo, có bản quyền sở hữu trí tuệ. Dự kiến đầu tư cho việc chế tạo mỗi nhà máy 2 tỷ NDT, 20 nhà máy đầu tư khoảng 40 tỷ tệ, rẻ hơn việc đóng một tàu sân bay.

Báo này rêu rao: “mỗi đảo nhân tạo có 1 nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ này sẽ tương đương với một tàu sân bay hạt nhân. Đảo Vĩnh Hưng (tức Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và Vĩnh Thử (tức đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ là 2 tàu sân bay trên biển được bố trí các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa; ưu thế về mặt quân sự lớn hơn nhiều so với hạm đội tàu sân bay của Mỹ phải cơ động từ xa đến”.