Ngày 6/7, Mỹ tuyên bố bắt đầu tăng thuế quan 25% lên các sản phẩm của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, đã phát động cuộc chiến tranh thương mại có quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Điều này đã gây thiệt hại cho lợi ích của doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, gây bất an cho Nhật Bản. Một số chuyên gia Nhật Bản cho rằng Trung Quốc sẽ giành “chiến thắng cuối cùng”.
Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 7/8, chính phủ Nhật Bản dự đoán, mỗi năm các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc ít nhất có 75,7 tỷ USD sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng, chủ yếu liên quan đến các ngành nghề như máy phô-tô-cóp-py, xe hơi.
Theo đài NHK Nhật Bản ngày 8/8, cuộc chiến tranh thương mại này có thể sẽ làm lung lay “xương sống” của nền kinh tế Nhật Bản. Ngân hàng Nhật Bản gần đây khảo sát cho thấy các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản lo ngại xung đột thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang và kéo dài, thậm chí dẫn tới rủi ro kinh tế mang tính thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị chi phối bởi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, luôn không dám phê phán trực diện Mỹ. Trong khi đó, sau hội nghị nội các Nhật Bản ngày 6/8, một số thành viên của nội các Nhật Bản đã bày tỏ lập trường riêng của mình.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho rằng cần phải chú ý khả năng có thể tránh dẫn tới leo thang thuế quan mang tính báo thù.
Còn theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, bất cứ biện pháp thương mại nào cũng cần phù hợp với hiệp định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình hình và ảnh hưởng của nó đối với Nhật Bản và các nước khác, đồng thời thúc giục hai bên Mỹ và Trung Quốc giữ kiềm chế.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko. Ảnh: Gettyimages.
|
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng ngành nghề của các nước trên thế giới đang liên quan chặt chẽ với nhau thông qua chuỗi cung ứng ngành nghề mang tính toàn cầu, các doanh nghiệp Nhật Bản phải phân tích ảnh hưởng (của việc Mỹ phát động chiến tranh thương mại) và có các hành động cần thiết.
Trên thực tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây cũng đã từng gián tiếp bày tỏ quan điểm của mình. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 1/7/2018 tại Tokyo, ông Shinzo Abe đã đưa ra khẩu hiệu “một châu Á”, nhấn mạnh phải giương cao ngọn cờ thúc đẩy thương mại tự do thế giới, cho rằng kinh tế châu Á có thể nhất thể hóa, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại thế giới.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko đã giải thích cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe rõ ràng quyết tâm thúc đẩy đạt được thỏa thuận khung RCEP trong năm 2018.
Sự lo ngại sâu sắc của nội bộ Nhật Bản đối với việc Mỹ phát động chiến tranh thương mại cũng có thể thấy rõ từ phát biểu của các chính khách khác. Trưởng ban chính sách Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản ngày 8/8 cho biết năm 2019, Nhật Bản sẽ đứng trước những sự kiện lớn như Thiên hoàng thoái vị, bầu cử Thượng viện. Đây là năm rất quan trọng đối với Nhật Bản, cần phải đứng trên lập trường “ai làm lãnh đạo, dùng thể chế gì mới có thể ứng phó ổn thỏa” để xem xét (cuộc bầu cử Chủ tịch LDP vào tháng 9/2018).
Trên thực tế, năm 2019, Nhật Bản sẽ đứng trước những vấn đề quan trọng bên trong và bên ngoài như có quyết định tiếp tục tăng thuế tiêu thụ hay không, xác định vấn đề kinh tế ở Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Yokohama như thế nào.
Cùng với Olympic Tokyo đến gần, sự lo ngại của bên trong và bên ngoài đối với sức khỏe tài chính của Nhật Bản và vấn đề lối thoát của kinh tế hậu Olympic không ngừng gia tăng.
Nếu Mỹ tiếp tục phát động chiến tranh thương mại mang tính toàn cầu, chắc chắn sẽ tái lập một vòng tròn kinh tế kiểu khép kín lấy Mỹ làm trung tâm và lấy quy tắc của Mỹ làm nền tảng, như vậy Nhật Bản nên đi con đường nào?
Nhưng quan hệ giữa kinh tế Nhật Bản với thị trường châu Á như Đông Nam Á và Trung Quốc đang trở nên ngày càng chặt chẽ, một khi những thị trường này bị phá vỡ bởi cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ, thì kinh tế Nhật Bản cơ bản không thể tự bảo toàn được. Đây là vấn đề có liên quan đến sự lựa chọn chiến lược quốc gia của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cùng nhiều chính khách Nhật Bản bày tỏ lo ngại về sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
|
Liên quan đến sách lược và biện pháp ứng phó của Trung Quốc, tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 11/8 dẫn lời chuyên gia Nhật Bản cho rằng cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động này là vấn đề tiền bạc, và là vấn đề ý thức hệ, là một cuộc đối đầu nước lớn “siêu quy mô”, sự được mất và thành bại của nó có liên quan đến cục diện quyền lực toàn cầu và phương hướng phát triển của văn minh nhân loại tương lai, Trung Quốc và các bên không nên mang tâm lý “may rủi” hoặc lơ là phòng bị.
Theo chuyên gia này, các phản ứng và hành động gần đây của Trung Quốc là sáng suốt và có chừng mực. Mỹ có thể chiếm ưu thế nhất định trong ngắn hạn, nhưng sẽ đánh mất uy tín quốc tế. Trung Quốc cuối cùng sẽ giành được chiến thắng trong cuộc đấu “siêu cấp” này, tờ báo Trung Quốc chủ quan nhận định.