Theo AP, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã bày tỏ sự ủng hộ, đối với việc hải quân Mỹ ngày 27.10 đã đưa khu trục hạm Lassen mang tên lửa hành điều khiển đi vào vùng 12 hải lý quanh Bãi đá XuBi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm và xây đảo nhân tạo.
Đó là cách Mỹ thách thức Bắc Kinh đòi độc chiếm 90 % Biển Đông. Mỹ cũng hứa sẽ tiến hành tuần tra biển Đông 2 lần/quý.
Tại cuộc gặp đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, ở Hawaii hôm 24.11, ông Nakatani nói: quân đội Mỹ đi đầu trong nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Ông nói: “Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép bất kỳ nước nào tự ý thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, và đất nước chúng tôi cùng Mỹ đều nhất trí về điểm này”.
Ông Nakatani nói Nhật sẽ tiếp tục giúp các nước trong Biển Đông tăng cường khả năng hải quân, như Nhật đã tặng 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines.
Theo hãng tin UPI, giới truyền thông Nhật nêu: Phó đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy hạm đội 7 không có kế hoạch cụ thể cho việc Mỹ-Nhật cùng tuần tra Biển Đông, nhưng một nhiệm vụ có thể được tiến hành trong tương lai.
Liên quan vụ tranh chấp Biển Đông, ông Aucoin lặp lại lời nhiều chỉ huy hải quân Mỹ cấp cao đã nói trong vài tháng qua: hải quân Mỹ có quyền tự do hàng hải, quanh các đảo nhân tạo, ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tuyên bố tàu chiến Nhật Bản sẽ tuần tra Biển Đông được đưa ra, cùng lúc với việc hải quân Mỹ-Nhật vừa có cuộc tập trận chung AE16 từ ngày 16 đến 25.11 trên biển Hoa Đông.
AE16 có 7 tàu chiến Mỹ (tổng cộng 7.000 thủy thủ) và 70 máy bay của hạm đội 7 cùng 25 tàu chiến Nhật tham gia.
Trong số tàu chiến Mỹ có tàu sân bay Ronald Reagan 100.000 tấn thuộc lớp Nimitz, là nơi cất cánh của các máy bay siêu thanh F/A-18 Super Hornets vốn nhanh chuyển tốc độ từ 0 lên 200 km/giờ chỉ trong 2 giây.
Ông Aucoin nói: cuộc tập trận chung cho phép hai bên giúp đỡ lẫn nhau, có lợi cho cả hai nước và cho cả vùng biển tây Thái Bình Dương, tức Biển Đông.
Biểu tượng của sự giúp đỡ này là một trực thăng Mỹ chuyển các thùng lương thực và tiếp nhiên liệu cho một tàu chiến Nhật ngay trên biển.
Đây là lần đầu hai đồng minh chia sẻ hậu cần, điều này có nghĩa tàu chiến Mỹ được tàu chiến Nhật tiếp nhiên liệu ngay tại vùng biển gần Nhật, MSDF thì có thể hoạt động xa bờ, với sự giúp đỡ của tàu tiếp liệu Mỹ.
Chiến đấu cơ Mỹ chuẩn bị cất cánh |
Hạm đội 7 của hải quân Mỹ hiện đóng ở quân cảng Yokosuka (Nhật) với 80 tàu chiến, 140 máy bay và 40.000 thủy thủ, là lực lượng hải quân mạnh nhất ở tây Thái Bình Dương.
Sau TQ, Nhật là thế lực hải quân mạnh thứ nhì châu Á, với hơn 100 tàu chiến.
Hải quân Mỹ và MSDF đang đào sâu quan hệ khi sức mạnh quân sự TQ đang tăng trong khu vực. Phó đô đốc Shigeoka tham gia cuộc họp báo với ông Aucoin, nói “tình hình an ninh khu vực quanh Nhật đang nghiêm trọng”.
Hãng tin Kyodo News (Nhật) đưa tin tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hứa với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Ông Abe nói sẽ đánh giá hành động ngang ngược của TQ trên Biển Đông có tác động đến an ninh Nhật hay không.
Ông Abe cũng đã bày tỏ sự việc Mỹ tiến hành tuần tra trên Biển Đông, để thực hiện quyền tự do hàng hải.
Hồi tháng 9, quốc hội Nhật hông qua một đạo luật an ninh mới, qua đó cho phép quân Cục phòng vệ Nhật tham chiến ở một quốc gia đồng minh bị tấn công.
Người ủng hộ đạo luật mới này nói: các nước láng giềng của Nhật trở nên nguy hiểm, dẫn việc CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa, TQ đòi chủ quyền các đảo xa của Nhật.
Họ nói quân đội Nhật cần sẵn sàng ngăn chặn TQ và Triều Tiên, và bảo vệ nền hòa bình, sự thịnh vượng của Nhật.
Ông Abe từng nói: sự thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng Nhật từ khi lập Cục phòng vệ năm 1954 là cần thiết, để đối phó những thách thức nổi lên, như sức mạnh quân sự ngày càng tăng của TQ.
Điều này có nghĩa Mỹ-Nhật có thể tái lập các cuộc tập trận chung định kỳ, như cuộc tập trận đang diễn ra cách miền nam Nhật 563 km, nhằm “tập luyện ở mức độ hiện đại cao hơn”.
Ralph Cossa, chủ nhiệm Diễn đàn châu Á của tổ chức nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói hai đồng minh cần xác định sẽ vận dụng luật này thế nào khi nó sẽ bắt đầu có hiệu lực:
“Mọi người vẫn tò mò rằng Mỹ-Nhật sẽ có thể làm gì cùng nhau”.
Phòng thủ tên lửa đạn đạo cũng là một lĩnh vực để Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác. Cossa nói: “Với luật mới, nếu CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đến Hawaii và Nhật phát hiện, thì họ có thể bắn hạ tên lửa đó”.
Sau vụ Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo đến một đảo của Nhật năm 1998, Nhật đã đầu tư mạnh vào phòng thủ tên lửa.
Bảo Vĩnh - Theo UPI, AP, Một thế giới