Dự kiến hai tàu chiến Australia sẽ tổ chức tập trận với Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông vào tuần tới, chỉ vài ngày sau khi Mỹ đưa một tàu tuần tra vào vùng 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp trong vùng biển tranh chấp, Bộ trưởng Quốc phòng Australia hôm nay (29.10) cho biết.
Các tàu HMAS Stuart và HMAS Arunta sẽ thăm căn cứ chính có tên Trạm Giang của Trung Quốc ở Biển Đông, thuộc tỉnh Quảng Đông trước khi các cuộc tập trận diễn ra vào đầu tuần tới, theo bà Marise Payne.
Tuyên bố không đưa ra thông tin chi tiết về vị trí chính xác của cuộc diễn tập. Theo truyền thông Australia, cuộc tập trận này có thể bao gồm 5 cuộc tập trận bắn đạn thật.
Australia, một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với tự do hàng hải, song khẳng định sẽ không đưa tàu tuần tra ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ngay sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen và máy bay trinh sát đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, đã có thông tin về việc Australia tuyên bố tạm hoãn một cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc trong vùng biển này, news.com.au đưa tin. Nhưng Reuteurs dẫn lời quan chức quốc phòng Australia cho biết cuộc diễn tập vẫn diễn ra.
Trong một động thái khác, Tàu Vendemiaire của Pháp sáng 27/10 đã cập cảng thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông trong "chuyến thăm hữu nghị" kéo dài 4 ngày, báo People's Liberation Army Daily đưa tin.
Chiến hạm Pháp sẽ tham gia tập trận hải quân về các cuộc đối đầu không cố ý trên biển, và các sĩ quan hải quân Pháp - Trung sẽ thăm tàu của nhau, giao hữu bóng đá, báo cho biết thêm. Hoạt động được cho là nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, lòng tin và hợp tác giữa hải quân hai nước.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 8 của tàu Vendemiaire diễn ra trước khi Tổng thống Pháp Francois Hollande đến nước này vào tuần tới.
Trung Quốc và Mỹ căng thẳng sau khi Washington cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường tới gần một trong các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho biết đã theo dõi và cảnh báo tàu, sau đó triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối.
Pháp và Mỹ là hai thành viên chủ chốt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.
Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể ở Trường Sa, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở đây cuối năm 2013.
Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Theo Lao động/VnE