Theo IHS Jane's, đường băng ở Trường Sa sẽ cho phép Trung Quốc có nhiều lợi thế và thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động yêu sách chủ quyền phi lý ở khu vực Biển Đông. Đường băng dài 3.125 mét đủ dài để tất cả các loại máy bay quân sự Trung Quốc tiến hành các chiến dịch quân sự. Ngoài đường băng, còn có một sân đáp trực thăng.
“Việc hoàn thành đường băng như nhiều hình ảnh vệ tinh chỉ chụp trong mấy tuần gần đây, sẽ cho phép Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và sẵn sàng tiến hành các chuyến bay tuần tra trên không phận Trường Sa”, Janes nhận định.
Báo Mỹ The Washington Post dẫn lời ông Green thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết gần đây Trung Quốc đang tiến hành xây dựng quy mô lớn tại đá Subi và đá Vành Khăn, bao gồm xây dựng thêm một đường băng thứ ba.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS nhận xét trên CNN, Trung Quốc sẽ có 3 đường băng có thể cất hạ cánh bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào. Những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa đã không còn chỉ là một tiền đồn mà là những căn cứ thực sự có cả sân bay, chỉ trong vòng một hai năm nữa.
Ông Poling nhận xét, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia cũng có đường băng trên các thực thể ở Trường Sa nhưng không giống như Trung Quốc, các đường băng này không thể cho cất hạ cánh máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4. Đường băng của Việt Nam đặt trên đảo Trường Sa Lớn dài 550 mét, có thể cất hạ cánh máy bay vận tải, máy bay giám sát.
Đường băng Philippines xây dựng trên đảo Thị Tứ dài 1000 mét, đường băng Đài Loan xây trên đảo Ba Bình dài 1195 mét và đang kéo dài thêm, đường băng Malaysia xây dựng trên đảo nhân tạo nước này bồi lấp ở đá Hoa Lau dài 1368 mét. Cả 3 đường băng này có thể cất hạ cánh máy bay vận tải, máy bay giám sát, chiến đấu cơ.
Nhưng riêng 3 đường băng Trung Quốc xây dựng ở Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn đều dài 3.000 mét, không chỉ cho phép cất hạ cánh 3 loại máy bay này mà cả máy bay ném bom chiến lược H-6K cũng có thể hoạt động. Với các đường băng mới xây dựng tại Trường Sa khi đi vào vận hành sẽ giúp Bắc Kinh thiết lập vùng cấm bay, kiểm soát không phận toàn bộ Biển Đông.
Theo QPAN