Trước đó, ngày 28/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp để giải quyết việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại đối với 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh này do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đóng.
Đây là các tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng bị hư hỏng ngay sau khi bàn giao, khiến ngư dân lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại buổi làm việc, Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định yêu cầu đơn vị đóng tàu là Công ty Đại Nguyên Dương thương lượng với ngư dân để giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại, cũng như quyết toán chênh lệch giá cho các tàu vỏ thép bị hư hỏng. Nếu vấn đề không được giải quyết thì đề nghị các bên đưa ra tòa án dân sự xem xét giải quyết theo luật định.
Trần tình tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (đơn vị đóng tàu) mong các ngư dân chia sẻ khó khăn với công ty ông.
Đồng thời ông Nguyên cho biết, việc 5 chiếc tàu cá vỏ thép của ngư dân Bình Định đến với Công ty Đại Nguyên Dương đều qua môi giới. Và chính điều này đã khiến công ty lâm vào khó khăn hiện tại, đứng trước bờ vực phá sản.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định yêu cầu phía Công ty Đại Nguyên Dương cần làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có khoản tiền chênh lệch mà Ngân hàng BIDV đề nghị trả lại, cũng như các khoản tiền liên quan đến ngư dân như: trả lại khoản kinh phí hỗ trợ, bồi thường theo thống nhất và số tiền 650 triệu đồng mà công ty cho rằng ngư dân nợ công ty.
Đặc biệt là số tiền thiệt hại hơn 9 tỷ đồng do tàu hư hỏng nằm bờ sửa chữa vẫn không được Công ty Đại Nguyên Dương chi trả, dù đã thống nhất thanh toán một phần trước ngày 20/8/2018.
Xác nhận về thông tin liên quan tới số tiền 650 triệu "môi giới" đóng tàu, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng mình đã bị lừa và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do vụ việc gây ra. Trong số tiền này, công ty có đối tượng thu số 500 triệu đồng và cá nhân có xuất ra phiếu chi 150 triệu đồng, còn lại không nắm rõ.
Đây là thông tin khá lạ, đặc biệt khi ông Nguyên cho biết đã khai báo rõ điều này với cơ quan công an. Đồng thời với việc xuất hiện thông tin về việc Ngân hàng BIDV đề nghị công ty trả lại khoản tiền chênh lệch. Như vậy, có dấu hiệu rõ ràng về việc khâu thẩm định dự án đóng mới của ngân hàng là không chuẩn, do đó mà chi phí đóng mới đã được chấp nhận đội lên, xuất hiện chênh lệch với chi phí thực.
Từ đây sẽ thấy, khi yêu cầu công ty đóng tàu trả lại khoản chênh lệch này, ngân hàng cũng đang cố đóng vai "nạn nhân" như ngư dân. Trong khi ngân hàng lại là cơ quan cho vay, tức là có vai trò quan trọng nhất trong việc đóng mới tàu cá vỏ thép.
Đối với số tiền thiệt hại của ngư dân, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương ký cam kết trước mắt sẽ hỗ trợ thiệt hại cho 5 chủ tàu vỏ thép với số tiền 811 triệu đồng và việc chi trả số tiền trên trước 29/10/2018.
Ngoài ra, Đại Nguyên Dương đồng ý hỗ trợ đối với trường hợp tàu của ông Võ Tuân số tiền 150 triệu đồng; thời gian trả trước ngày 29/10/2018.