“Choáng” với chi phí bảo dưỡng tàu vỏ thép
Sau 2 năm hạ thủy tàu vỏ thép mang số hiệu ĐNa 90767 TS với chi phí lên đến hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67, ngư dân Nguyễn Sương (SN 1980, trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng) đã phải lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến con tàu này.
Ngày đầu hạ thủy, ngư dân Nguyễn Sương hy vọng con tàu sẽ làm thay đổi nghiệp vươn khơi của mình, nhưng “làm biển ngày càng khó, phần do tàu thuyền nhiều, nguồn cá cạn kiệt và phần do đi xa thì bị tàu Trung Quốc quấy đuổi, lấn át”.
Ngư dân Nguyễn Sương chủ tàu cá vỏ sắt mang số hiệu ĐNa 90767 TS từng phấn khởi với chiếc tàu vỏ thép cũng đã phải lắc đầu ngán ngẩm khi nhắc đến con tàu này.
|
Và một lý do nữa khiến việc vận hành tàu cá vỏ thép trở nên khó khăn là chi phí bảo trì bảo dưỡng tàu quá cao, ngư dân Nguyễn Sương cho biết. “Nếu so với đóng tàu gỗ thì tàu vỏ thép cũng tương đương. Được cái cùng giá tiền thì tàu gỗ lớn hơn, mạnh hơn, tuy nhiên, chi phí vận hành tàu gỗ thì ít hơn so với tàu vỏ thép rất nhiều lần".
Cái "ít hơn rất nhiều lần" này được anh Sương ví dụ cụ thể, tàu sắt thì hàng năm phải đều phải lên ụ sửa chữa, bảo dưỡng, còn tàu gỗ ít hơn, có thể 2-3 năm mới phải lên. Nhất là đối với tàu gỗ, khi bọc keo thì rất ít phải lên ụ. "Trong khi đó tàu sắt thì dễ bị sắt rỉ, mà sắt rỉ là phải lên ụ, năm nào cũng phải lên. Mỗi lần lên thì ngán lắm!” - anh Sương than thở.
Cũng như anh Nguyễn Sương, anh Lê Văn Khánh (em Lê Văn Sang, chủ tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng mang tên Sang Fish, cùng là con của lão ngư danh tiếng của đất Đà Thành - Lê Mến) đã rút kinh nghiệm từ người anh Lê Văn Sang mà tìm cách đóng cho mình chiếc tàu hậu cần nghề cá vỏ gỗ ĐNa 90685 TS có công suất gần 1.400CV, cùng kích thước lớn nhất miền Trung lúc bấy giờ.
Anh Khánh chọn đóng tàu vỏ gỗ chính vì những bất cập của con tàu vỏ thép. “Bài học của anh Sang còn đó, dù tàu vỏ thép lợi hơn khi vận hành, thậm chí an toàn hơn. Nhưng hiện tại có quá nhiều lỗi nên cả nhà quyết định đóng tàu gỗ mà không đóng tàu vỏ thép" - anh Lê Văn Khánh nói.
Cũng theo anh Khánh, việc không chọn tàu vỏ thép do nhiều nguyên nhân. Trước hết là tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với điều kiện đánh bắt của ngư dân, cả từ vận hành cho đến khai thác.
Trong khi đó, những thiết kế tàu vỏ thép hiện tại bộc lộ lỗi quá nhiều như: thiếu ổn định, rung lắc khi gặp sóng...
Bên cạnh chi phí đóng tàu thì quá cao thì thủ tục điều chỉnh tàu, cho đến phí sửa chữa, bảo dưỡng lên đà cao hơn tàu gỗ cũng như thời gian nằm bờ dài hơn, lâu hơn, nên anh Lê Văn Khánh không mấy mặn mà.
Không chỉ vậy, việc cập mạn tàu cá - đa số là tàu vỏ gỗ - trong điều kiện thời tiết không ổn định nguy cơ sẽ gây hư hại cho tàu gỗ... khiến ngư dân Lê Văn Khánh càng không mặn mà với tàu vỏ thép.
Sang Fish 01, con tàu cá vỏ thép định mệnh đã được chủ tàu Lê Văn Sang trả lại nơi sản xuất vì có quá nhiều lỗi.
|
Nhiêu khê chuyện dịch vụ hậu cần
Không chỉ chuyện chi phí bảo dưỡng, tập quán vận hành tàu vỏ thép... mà thời gian, thủ tục để thực hiện công tác bảo dưỡng loại tàu này còn nhiều vấn đề khiến ngư dân lắc đầu.
“Tàu vỏ thép lên ụ để bảo dưỡng rất nhiêu khê. Tàu sắt làm theo Nhà nước nên cái gì rất nhiêu khê. Định kỳ tàu vỏ sắt mỗi năm lên ụ 1 lần, chi phí thì lên đến mấy trăm triệu.
Trong khi tàu gỗ thì rẻ hơn. Ví dụ cũng 1 vấn đề phải lên ụ thì tàu gỗ 5 triệu thì tàu sắt phải lên đến 20 triệu, gấp 4 lần. Chưa nói sơn, tàu gỗ thì sơn 30 triệu là ngon cả tàu, trong khi tàu sắt phải mấy trăm triệu mới có thể sơn xong. Một thùng sơn tàu gỗ xịn nhất cũng chỉ 2-3 triệu, trong khi sơn tàu sắt thấp nhất là 7-8 triệu, có loạt tốt gần 20 triệu mỗi thùng. Mà sơn tàu sắt cũng đâu đơn giản. Đâu phải ai sơn cũng được” - ngư dân Nguyễn Sương nói.
“Nói tàu sắt là đủ thứ chuyện. Ngày xưa mình đóng tàu sắt, cứ nghĩ là đóng bài bản theo chính sách của nhà nước. Ai nghĩ như thế này đâu. Chuyện thủ tục này nọ đã mệt, vừa tốn tiền mà còn phải năn nỉ, coi thợ sơn cho đàng hoàng, chứ không thì lại rỉ, mục. Nói chung, tàu vỏ sắt thì đau đầu lắm. Tàu gỗ thì ai sơn cũng được, chỉ cần thợ làm tàu mình là sơn được rồi, chứ đâu như tàu sắt phải đúng thợ có tay nghề, đạt chuẩn” - ngư dân Nguyễn Sương than thở.
Bên cạnh chi phí đóng tàu cao, ngư dân phải chịu chi phí bảo dưỡng tàu không hề nhỏ khi cao gấp 3-4 lần so với tàu gỗ truyền thống
|
"Tàu gỗ nay có công nghệ bọc keo, bọc sợi thủy tinh thì coi như vĩnh cửu, đi hết cả đời cũng không hư, khác với ngày xưa nhiều lắm. Tàu gỗ nhẹ, nên tốn nhiên liệu ít, lại linh hoạt trong di chuyển. Về kỹ thuật, tàu gỗ có thể sử dụng chận vịt lớn nhỏ do mình. Còn tàu sắt phải tuân thủ kiểm định này nọ, mà chân vịt nhỏ chạy rất nặng nề và chậm chạp.
Tàu sắt mỗi lần làm gì mệt lắm, thấy rỉ là phải làm liền, không làm gặp nước mặn nhìn kinh lắm. Mỗi lần làm thì nhiêu khê, mời đăng kiểm này nọ cực lắm. Còn không làm là mục, vì tàu ở nước mặn. Anh cứ nghĩ nó như cái nhà, nó thấm thì cái tàu cũng vậy, nó rỉ chút chút vài ba chỗ thì tự xử lý được, đây rỉ nguyên tàu, thấy là sợ rồi” - một thợ cơ khí tại âu thuyền Thọ Quang nói.
“Đi biển đã khó, khi bảo trì bảo dưỡng, gặp mấy ông nhà máy liên quan đến tàu sắt thì thi nhau chém, vì mình cần họ. Thôi thôi, đừng nói đến tàu sắt nữa, thấy tàu sắt là ớn, sợ rồi. Làm tàu thì rỉ kinh quá, khổ quá. Vận hành không đủ chi phí nên ngán lắm, sợ rồi” - ngư dân Nguyễn Sương "dứt khoát" nói về tàu vỏ thép theo cách ấy.
Còn ngư dân Nguyễn Thư (SN 1963, trú tại Lâm Trúc 2, Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 99939TS cho biết: “Liên quan đến tàu vỏ thép đóng theo Nghị định Chính phủ thì khi bị sự cố mới thấy mệt mỏi. Như tàu tôi bị chìm hồi tháng 11/2016, may mắn cứu được 8 ngư dân trên tàu thì 9 tháng sau bảo hiểm mới đền xong. Thanh toán xong lại phát sinh liên quan đến tiền đối ứng ngân hàng chưa trả, mà còn bắt mình phải chịu phạt lãi suất do chậm trễ đến 0,7%/năm. Lỗi này do bảo hiểm chứ phải ngư dân đâu. Trong khi Nhà nước cam kết hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, làm kinh tế giữ chủ quyền mà có sự việc thì đè ngư dân ra phạt thì ai dám đóng nữa”.
Để lên đà sửa chữa, tàu cá vỏ thép phải nằm chờ nhiều thủ tục, thậm chí năn nỉ thợ để được sửa chữa
|
“Nghĩ đến đây thì thiệt ngán lắm rồi. Giờ nói đến đóng tàu thép là ớn! Họ làm ẩu, không đúng chất lượng, mình làm trả nợ không nổi đâu, gần 17,5 tỷ đóng tàu mà giờ ra thế này đây, phải làm đơn cứu xét chứ làm không ra, ôm cục nợ, nay bị phạt nữa thì chỉ có chết”, ông Nguyễn Thư nói.
Kỳ 2: Tàu vỏ thép đội chi phí sửa chữa: Cơ quan chức năng nói gì