|
Việc trao quyền tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp ngoài công lập giúp khơi thông nguồn lực xã hội và kích thích đầu tư cho các công nghệ chiến lược. Ảnh minh họa. |
Mở cửa ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân
Trao đổi với VietTimes, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề cập tới chủ trương không hạn chế đối tượng, loại hình doanh nghiệp khi đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được nêu trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH.CN&ĐMST).
Trong đó, các doanh nghiệp tư nhân đáp ứng các tiêu chí về năng lực chuyên môn, tài chính, nhân lực đều được đăng ký tham gia và được xem xét thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST. Các nội dung này sẽ quy định cụ thể tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Việc này cho thấy chủ trương lớn của Nhà nước về việc doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đăng ký tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước nếu có khả năng.
Ngoài ra, khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân còn được giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu một cách tự động tương ứng với phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, được miễn thuế thu nhập cho phần lợi nhuận từ chuyển giao kết quả nghiên cứu. Chi phí của doanh nghiệp thực hiện R&D được tính là chi phí khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp được khuyến khích chủ động đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm giải quyết những bài toán thực tiễn của thị trường, ngành nghề hay địa phương. Khi đáp ứng các tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đăng ký nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST, nhất là những lĩnh vực được ưu tiên trong chiến lược quốc gia.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Luật mở ra cơ hội lớn cho khối doanh nghiệp ngoài công lập tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái đổi mới của quốc gia. Với nhiều cơ chế hỗ trợ cụ thể và linh hoạt, luật này khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển các công nghệ chiến lược mang tính dẫn dắt thị trường và tạo đột phá trong sản xuất.
Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới
Luật KH,CN&ĐMST mới xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới, nhằm khuyến khích doanh nghiệp trở thành động lực trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Luật dành riêng Chương IV để quy định cụ thể về doanh nghiệp, trong đó nổi bật là các cơ chế hỗ trợ như vốn mồi cho R&D, cho phép chi phí nghiên cứu được tính như chi phí sản xuất kinh doanh và được khấu trừ thuế.
Luật cũng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, gồm thể chế pháp lý rõ ràng, cơ chế tài chính linh hoạt, hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ hiệu quả, cùng các phòng thí nghiệm trọng điểm và trung tâm đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, sự ra đời và vận hành của các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng được khuyến khích, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận công bằng với các nguồn lực và cơ hội đổi mới.
Một điểm nhấn đáng chú ý của luật là việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của sàn giao dịch công nghệ, đảm bảo quyền lợi sở hữu kết quả nghiên cứu, trong đó tác giả hoặc tổ chức thực hiện được hưởng ít nhất 30% lợi nhuận thu được từ thương mại hóa.
Đồng thời, Luật áp dụng phương thức quản lý hậu kiểm thay cho tiền kiểm, giảm thủ tục hành chính và tăng cường sử dụng nền tảng số quốc gia trong quản lý và giám sát các nhiệm vụ KH&CN. Đây là bước tiến góp phần hiện đại hóa quy trình quản lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong toàn bộ hệ thống.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ, một trong những ưu điểm nổi bật của luật là tạo hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chi phí R&D được tính là chi phí sản xuất – kinh doanh và được khấu trừ thuế, giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính khi triển khai các hoạt động đổi mới.
Không chỉ hỗ trợ về chính sách tài chính, luật mới còn thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học. Đây là nền tảng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tri thức chuyên sâu, nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại để cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ mang tính ứng dụng cao.
Thúc đẩy nghiên cứu đột phá, mạo hiểm
Nhắc tới quy trình nghiệm thu đề tài KH&CN, vấn đề tồn tại lâu nay, gây nhiều khó khăn đối với các nhà khoa học, Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH,CN&ĐMST đang được Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng, dự kiến các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST sẽ được cơ quan quản lý đánh giá kết quả đạt được khi kết thúc, không triển khai thủ tục nghiệm thu như quy định hiện hành.
“Kết quả nghiên cứu có thể chưa thành công như mong muốn, nhưng nếu nhà khoa học thực hiện trung thực, đúng quy trình, đúng mục tiêu, có báo cáo giải trình rủi ro thì vẫn được đánh giá”, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ trao đổi với VietTimes và khẳng định đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp dám thực hiện các nghiên cứu mới, các hướng nghiên cứu đột phá, mạo hiểm.
Dự kiến sẽ có 6 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KH,CN&ĐMST được ban hành để triển khai đồng bộ với Luật.