Tận dụng "điểm sáng" phòng, chống dịch COVID-19
Sáng ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến. Đây được xem là hội nghị quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Hội nghị có sự tham dự của 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp với sự theo dõi, tham gia ý kiến của khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước.
Phát biểu ý kiến đề xuất đối với ngành du lịch trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty VietTravel từ đầu cầu TP Đà Nẵng cho rằng, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19. Trước lệnh đóng cửa để phòng chống dịch của Chính phủ, gần như ngành du lịch đã dừng hoạt động. Và lệnh mở cửa của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cho du lịch có thể hoạt động trở lại.
Đánh giá cơ hội và rủi ro sau dịch COVID-19, ông Kỳ cho rằng: “Cơ hội và là điểm sáng của du lịch Việt Nam đó là được cộng đồng thế giới đánh giá cao về công tác phòng, chống COVID-19, nỗ lực đảm bảo môi trường xã hội an toàn, lưu thông trở lại.
”Tuy nhiên, rủi ro của du lịch là đây ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục trở lại để trở lại cần sự cố gắng của bản thân ngành và sự chung tay góp sức của các cơ quan, bộ ngành trong xã hội và cần có thời gian chuyển đổi vì có độ trễ thị trường khách”.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch VietTravel đề nghị nên tận dụng cơ hội điểm sáng và triển khai ngay chiến dịch truyền thông Việt Nam điểm đến an toàn, xúc tiến quảng bá điểm đến, lôi kéo khách du lịch. “Nếu làm tốt thì thị trường sẽ có sự hồi phục, Việt Nam có thể lôi kéo khách đến ngay trong quý 4/2020. Đó là thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Và cần chuyển động sớm và tháng 11, 12 có thể có thị trường khách” – ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Điểm sáng cho du lịch Việt Nam là thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, tại môi trường xã hội an toàn (trong ảnh, bệnh nhân mắc COVID-19 cuối cùng được điều trị tại Đà Nẵng xuất viện)
|
Và với những nhận định đó, theo ông Kỳ, trước mắt cần tập trung phát động đối với thị trường trong nước, sử dụng hệ thống hạ tầng, nhân sự du lịch cho thị trường này. Và đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên với đặc thù ngành, việc phát động thị trường trong nước rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương.
“Tam giác động lực” và các chính sách thúc đẩy
Một ý tưởng trong bối cảnh du lịch gặp khó do dịch COVID-19 gây ra được đại diện VietTravel trình bày tại sự kiện đó là Chính phủ cần xem xét, tạo nên những “Tam giác động lực”, tạo nên sự kết nối động lực phát triển du lịch từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tại các khu vực.
“Cụ thể, phía bắc có trục du lịch gồm Hà Nội - Ninh Bình – Quảng Ninh; miền trung có 2 trục du lịch gồm: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam và Nha Trang - Đắck Lắck - Phú Yên; phía Nam có TP HCM - Vũng Tàu - miền Đông Nam Bộ, hay TP HCM với đồng bằng Sông Cửu Long…
Bên cạnh đó, tại các khu vực này, các cơ quan, bộ ngành cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ, xem xét giảm phí tham quan danh lam, thắng cảnh do nhà nước quản lý để tại cú hích, thu hút khách ngay đến các điểm đến này.
Đặc biệt, cần xem xét có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước, bỏ các hạn ngạch để các hãng hàng không có thể mở đường bay trở lại.
Khai thác thị trường nội địa, giảm giá phí tham quan tại các điểm đến là cú hích trước mắt đối với du lịch Việt Nam (trong ảnh: Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills Đà Nẵng)
|
“Hàng không chiếm đến 85% phương tiện vận chuyển du lịch hiện nay, nên đề nghị mở lại đường bay kết nối với thị trường khách quốc tế có chọn lọc, từ các thị trường có cơ hội như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á…” – ông Kỳ đề nghị.
Ngoài ra, đại diện VietTravel cũng đề xuất cần có cơ chế chính sách sao giúp ngành du lịch có thể tiếp cận ngay các gói cứu trợ của Chính phủ, đưa ngay về đầu mối triển khai đến các doanh nghiệp để đến tay người lao động. Đồng thời áp dụng giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch; các tổ chức tín dụng đứng vai trò trung gian, kết chuyển các khoản tài chính giữa các doanh nghiệp,… để giúp doanh nghiệp có có cơ hội phục hồi.