Tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu suy thoái?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 không gây ảnh hưởng đáng kể đến sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ dù lãi suất tiếp tục tăng cao.

1200x-1.jpg
Người tiêu dùng Mỹ mạnh tay chi tiêu do lượng tiền tiết kiệm dôi thừa (Ảnh: Bloomberg)

Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng việc dự đoán về một cuộc suy thoái vẫn là một nhiệm vụ khó khăn.

Các doanh nghiệp đang tích cực tuyển mộ lao động, người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay, thị trường chứng khoán đang phục hồi và thị trường nhà ở dường như đang ổn định dần – những bằng chứng mới nhất cho thấy nỗ lực của Fed vẫn chưa thể làm dịu đi "sức nóng" của nền kinh tế Mỹ.

Thay vào đó, những hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19 vẫn khiến cho người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp phải cố gắng thích nghi. Tình trạng này có thể còn kéo dài.

Người dân Mỹ đang vung tiền vào các hoạt động mà họ từng bỏ lỡ do lệnh phong toả giai đoạn đại dịch, chẳng hạn như du lịch, các buổi hoà nhạc hay ăn nhà hàng. Các doanh nghiệp tuyển mộ lao động để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén. Các chính sách phản ứng với đại dịch của chính phủ - lãi suất thấp và các gói hỗ trợ tài chính hàng nghìn tỉ USD – đã giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp đổ đầy hầu bao và vay tiền với lãi suất thấp. Lạm phát khiến Fed lo lắng giờ khiến cho tiền lương và lợi nhuận cao hơn, càng thúc đẩy chi tiêu.

Nhiều nhà kinh tế học kỳ vọng rằng các đợt nâng lãi suất của Fed sẽ hạ nhiệt nền kinh tế và sức ép về giá theo thời gian, gây ra một cuộc suy thoái vào cuối năm nay. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, dữ liệu kinh tế vẫn “nóng” hơn so với dự báo.

Đặc biệt là mức tăng việc làm trên thị trường Mỹ vẫn rất cao. Trong tháng 5, đã có thêm 339.000 việc làm mới, một con số gây bất ngờ, trong khi mức tăng trong 2 tháng trước đó cũng cao hơn so với ước tính ban đầu, theo Bộ Lao động Mỹ.

“Tôi không nghĩ rằng có bất cứ khả năng nào nền kinh tế Mỹ lại trượt vào suy thoái”, Justin Wolfers, Giáo sư chuyên ngành Chính sách công và Kinh tế đến từ ĐH Michigan nhận định.

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một tổ chức hàn lâm và là cơ quan ra quyết định về suy thoái ở Mỹ, đã phân tích một loạt dữ liệu kinh tế để quyết định xem liệu nền kinh tế Mỹ có đang trong một cuộc suy thoái hay không. Kết quả là mọi chỉ số đều rất tốt, theo ông Wolfers.

1.png
Thị trường việc làm của Mỹ vẫn khoẻ mạnh (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

Thị trường lao động sau đại dịch vẫn đang phục hồi

Các bên tích cực tuyển mộ trong tháng trước bao gồm doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chăm sóc y tế, giải trí và chính quyền, đều là những ngành nghề có tỷ lệ mất việc cao trong giai đoạn đại dịch. Chính quyền địa phương, bao gồm cả các trường học công và lĩnh vực giải trí, nhà hàng vẫn chưa thể trở lại với mức độ tuyển dụng như trước đại dịch do tình trạng thiếu nhân lực tiếp diễn.

Trên khắp nền kinh tế Mỹ, số lượng việc làm trống đã tăng lên tới 10,1 triệu trong tháng 4, từ mức 9,7 triệu trong tháng 3, vượt xa con số 5,7 triệu người thất nghiệp trong tháng đó. Sự chênh lệch giữa cơ hội việc làm và những người kiếm việc vẫn tiếp tục làm gia tăng mức lương.

Thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 4,3% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự mức tăng thường niên trong tháng 3 và 4.

“Tôi chắc chắn thị trường lao động sẽ không thể duy trì trạng thái này trong một khoảng thời gian dài”, Carl Tannenbaum, Kinh tế trưởng đến từ Northen Trust, cho hay.

Courtney Wakefield-Smith là một trong số những người mới đây hưởng lợi từ thị trường lao động hồi phục mạnh mẽ. Người phụ nữ 33 tuổi này cho hay cô đã nhận được một công việc văn phòng tại công ty nước ở New Jersey. Với vị trí hiện tại, cô kiếm được hơn 25 USD/giờ, cao hơn so với những công việc bán thời gian mà bà nhận được trong khoảng thời gian đại dịch, khoảng từ 11 – 17 USD/giờ.

Ngoài mức lương theo giờ cao, cô còn được hưởng nhiều phúc lợi, chế độ nghỉ thai sản để có điều kiện chăm sóc đứa con mới sinh. “Đây là đứa con đầu lòng của tôi. Trước đây tôi không nghĩ rằng mình lại có thể đủ điều kiện nuôi được một đứa trẻ”.

Thị trường việc làm có thể tiếp tục trong tình trạng hồi phục mạnh mẽ, chủ yếu là bởi có hàng triệu người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu. Tỷ lệ người dân Mỹ ở độ tuổi trên 16 đang làm việc hoặc đang tìm việc vẫn ở mức 62,6% trong tháng trước.

Người tiêu dùng có tiền để chi tiêu

Người dân Mỹ có khoảng 500 tỉ USD tiền tiết kiệm dư thừa – con số nhiều hơn dự kiến nếu xu hướng trước đại dịch vẫn tiếp diễn, theo báo cáo mà Fed San Francisco đưa ra trong tháng 5. Điều này cho phép họ chi tiêu mạnh hơn, như đi du lịch, tham gia các buổi hoà nhạc, du lịch trên tàu...mặc dù giá cả có thể cao hơn – và cho phép các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá.

2.png
Chi tiêu vào dịch vụ và hàng hoá của người dân Mỹ (Ảnh: WSJ)

CEO của hãng hàng không Southwest Airlines, Bob Jordan, mới đây cho biết công ty ông nhận thấy nhu cầu tăng mạnh mẽ trong vòng 2 đến 3 tháng tới, là khoảng thời gian mà người dân đặt vé rất nhiều. Hãng American Airlines cũng nâng dự báo về doanh thu đơn vị trong quý hai, do cầu tăng.

Số lượng người đi đến các sân bay của Mỹ trong khoảng thời gian diễn ra ngày lễ Memorial Day cuối tuần cũng tăng vượt con số của năm 2019 trước đại dịch, theo Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA).

Brett Keller, CEO của website du lịch Priceline, một đơn vị thuộc Booking Holdings, cho hay ông cảm thấy bất ngờ trước nhu cầu du lịch, khi nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để đặt vé máy bay hoặc đặt phòng khách sạn.

Keller đã chứng kiến tình hình tương tự trong mùa Hè này, khi vé khứ hồi từ Bờ Đông đến Boise, Idaho có giá tăng gấp đôi, từ 500 USD cách đây vài năm lên 1.000 USD.

Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ làm phức tạp hoá viễn cảnh về lãi suất

Các hoạt động của nền kinh tế và lạm phát vẫn chưa giảm nhiều như giới chức Fed kỳ vọng. Kể từ tháng 3/2022, họ đã nâng lãi suất tham chiếu lên khoảng 5%-5,25%, mức cao nhất trong 16 năm.

im-793778.jpg
Người tiêu dùng Mỹ có khoảng 500 tỉ USD tiền tiết kiệm dôi thừa (Ảnh: WSJ)

Chi phí lãi vay sẽ tăng cao hơn thông thường ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm đối với lãi suất trong thị trường tài chính và nền kinh tế, bao gồm chứng khoán và thị trường nhà ở. Ví dụ, chỉ số S&P 500 đã giảm 25% từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 10/2022 khi Fed tăng lãi suất nhanh chóng. Chỉ số này sau đó tăng khoảng 20%, điều không thường thấy nếu như nền kinh tế sắp trượt vào suy thoái.

Doanh số bán nhà cũ và mới đã sụt giảm ghê gớm trong năm ngoái, nhưng lại tăng kể từ tháng 1/2023. Tình trạng khan hiếm nhà để bán đã giúp đẩy giá nhà lên cao hơn gần đây. Các công ty xây dựng đang cảm thấy tự tin hơn rằng tình trạng thiếu nhà ở sẽ làm tăng cầu đối với các khu nhà mới xây. Các công ty xây dựng công nghiệp và nhà ở đã thêm 25.000 công việc mới trong tháng trước, cao hơn nhiều so với mức trung bình 17.000 việc làm/tháng trong giai đoạn 12 tháng trước.

Những tín hiệu này cho thấy Fed có thể cần phải nâng lãi suất thêm để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, từ mức khoảng 5% hiện tại.

Tuần trước, giới chức Fed đánh tín hiệu sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng này. Nhưng báo cáo việc làm mới nhất càng củng cố khả năng rằng, một khi ngừng nâng trong tháng 6, họ sẽ phải nâng lãi suất thêm vào cuối năm nay.

Nhiều nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc lãi suất tăng làm "hạ nhiệt" nền kinh tế chỉ là vấn đề về thời gian./.

Theo Wall Street Journal