Cần tạo dựng thói quen quản lý thời gian khi sử dụng mạng xã hội
Cần tạo dựng thói quen quản lý thời gian khi sử dụng mạng xã hội

E-magazine Tại sao khi chơi TikTok, chúng ta thấy thời gian dường như tan biến?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chuyên gia đã chỉ ra cách bộ não chúng ta cảm nhận thời gian khi sử dụng những nền tảng mạng xã hội gây nghiện như TikTok.

Bất kỳ người dùng TikTok nào cũng sẽ cho bạn biết thời gian trôi đi nhanh như thế nào. Bạn xem một video, hai video, mười video và cứ tiếp tục cuộn trang. Những nội dung vô tận được TikTok điều chỉnh để phù hợp với sở thích của bạn. Bạn càng dành nhiều thời gian trên TikTok, thì việc dự đoán chính xác nội dung bạn muốn xem càng trở nên chính xác hơn.

TikTok, giống như một số nền tảng truyền thông xã hội khác, có thể kích thích người dùng trải nghiệm và trở nên nghiện. Một số người đã phải xóa ứng dụng này để không trở nên nghiện nó.

Theo các nhà tâm lý học, việc sử dụng mạng xã hội không những làm lãng phí thời gian mà còn có những tác động sâu rộng khác như giảm khả năng tập trung hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống, mối quan hệ xã hội của mỗi người.

Để giảm thiểu tác động có hại của mạng xã hội, theo các nhà tâm lý học, việc này phụ thuộc vào chính bản thân người sử dụng. Người dùng cần nhận thức được sự nghiêm trọng của việc sử dụng thường xuyên mạng xã hội, chống lại được sự cám dỗ và tự đưa ra được các biện pháp kiểm soát thời gian.

Tại sao dùng TikTok khiến bạn có cảm giác thời gian trôi nhanh hơn?

Vào năm 2017, hai giáo sư Lazaros Gonidis và Dinkar Sharma của Bộ môn Tâm lý học thuộc Đại học Kent đã tiến hành nghiên cứu thói quen dùng Facebook. Họ phát hiện ra rằng mọi người nói chung không để ý đến thời gian, hay nói cách khác là đánh giá thấp yếu tố thời gian mà họ đã sử dụng để truy cập mạng xã hội. Họ đã công bố phát hiện này trên Tạp chí Tâm lý xã hội ứng dụng.

Nhà khoa học Ginidis nói rằng nghiên cứu trên cũng có thể áp dụng cho TikTok, thậm chí TikTok còn phù hợp hơn bởi đây là một nền tảng có tốc độ phát triển rất nhanh.

“Chúng tôi lướt hết từ video này qua video khác mà không nhận ra rằng tôi đã dành tới 2 giờ thay vì 10 phút,” ông Ginidis chia sẻ.

Ông Ginidis cũng nghiên cứu nhận thức của bộ não về thời gian khi chơi game và cờ bạc trên Internet. Điểm chung của tất cả những thứ này là mọi người sử dụng chúng để thoát khỏi thực tại. Về lý thuyết thì không có gì sai nếu chúng ta sử dụng Internet/mạng xã hội cho nhu cầu cá nhân, nhưng khi một thứ rất hấp dẫn và không có giới hạn về việc sử dụng thì chúng ta sẽ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho nó mà không nhận ra.

Có thể dẫn ra một ví dụ thực tế sau đây. Nếu ai đó chơi bóng đá một giờ mỗi tuần, não của anh ta sẽ ước tính thời lượng đó và sẽ gửi tín hiệu để chỉ ra sự mệt mỏi và trận đấu sắp kết thúc. Với TikTok, mọi người hiếm khi đặt những ranh giới đó vào đúng vị trí. Khi mới bắt đầu sử dụng TikTok, họ có thể xem 5 video. Nhưng theo thời gian, 5 video đó sẽ không còn đủ để họ có lượng dopamine (hormone hạnh phúc) tương đương.

"Tâm trí của bạn không còn nghĩ rằng bạn đã xem 5 video. Nó không gửi cho bạn tín hiệu rằng 'Ồ, tôi hài lòng vì tôi đã xem 5 video của mình, tôi nên chuyển sang thứ khác'. Và sau đó khi thời gian trôi qua, chúng ta tiếp tục dành nhiều thời gian hơn," giáo sư Gonidis giải thích.

“Chẳng bao lâu nữa, một giờ trên ứng dụng sẽ chẳng có gì đối với người dùng vì não bộ không thực sự tiết ra cùng một lượng dopamine trong khoảng thời gian đó.”

Người lớn có thể chống lại sự cám dỗ bằng những trách nhiệm trong ngày của mình. Họ không thể dành 12 giờ trên TikTok vì họ còn phải đi làm và hoàn thành công việc của mình. Nhưng một đứa trẻ hoặc thiếu niên lại không bị ràng buộc bởi những công việc như vậy, chúng dễ bị cuốn vào việc sử dụng TikTok cả ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hành vi giống như nghiện ngập có liên quan chặt chẽ đến hiệu suất học tập kém hơn ở trường, giáo sư Gonidis cho biết.

Thói quen sử dụng mạng xã hội của chúng ta có thể tương đồng với chứng nghiện

Giáo sư Ofir Turel thuộc Đại học Melbourne – người chuyên nghiên cứu về tâm lý người dùng công nghệ - chia sẻ trên tờ Insider rằng trong rất nhiều hành vi gây nghiện, mọi người thường không kiểm soát được thời gian do có sự khác biệt giữa thời gian vật lý và “thời gian nhận thức”.

Chẳng hạn, một người nghiện thuốc lá khi cai thuốc thường thấy thời gian mình hút điếu thuốc gần nhất nó dài hơn là thời gian thực tế. Đó là bởi vì có 2 quá trình xảy ra trong não bộ: kích thích và chú ý. Kích thích là mức độ hào hứng của chúng ta đối với một hoạt động. Sự chú ý có nghĩa là chúng ta có thể đếm khoảng thời gian trong khi thực hiện nó. Trong ví dụ ở trên, sự chú ý của người cai thuốc về mặt thời gian bị ảnh hưởng bởi sự kích thích (mức độ hào hứng của anh ta với việc hút thuốc) khiến anh ta cảm thấy thời gian ngừng thuốc dường như dài hơn.

Trong một nghiên cứu của giáo sư Turel và các đồng nghiệp Damien Brevers và Antoine Bechara, được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tâm thần vào năm 2018 , họ phát hiện ra rằng những người có các triệu chứng giống như nghiện đối với mạng xã hội có khuynh hướng nhận thức thời gian như kéo dài hơn.

“Khi họ đang làm công việc gì khác khiến họ không thể sử dụng TikTok – giả sử họ đang ngồi học trong lớp và phải nghe giáo viên giảng dạy trong 1 giờ. Họ sẽ cảm thấy thời gian có vẻ lâu hơn và nhàm chán hơn so với thực tế,” giáo sư Turel giải thích.

Cuộc chiến giành lại nhận thức về thời gian của chúng ta thực sự rất khó khăn, vì chúng ta đang phải đối mặt với các nền tảng được thiết kế đặc biệt để lôi kéo người dùng. Tất cả các công ty truyền thông xã hội đều đang chiến đấu để giành được sự chú ý của chúng ta, “bắn phá” chúng ta và sử dụng các “thủ thuật tâm lý” có lợi cho họ.

“Họ được phép làm điều đó. Chúng ta, với tư cách là một thành viên trong xã hội, cần học cách sống có trách nhiệm hơn khi sử dụng những công nghệ này,” giáo sư Turel nói.

Người dùng cá nhân có thể làm gì để kiểm soát thời gian của họ trên mạng xã hội?

Ông Gonidis nói rằng các công ty truyền thông xã hội nên có trách nhiệm khi họ đã lôi kéo mọi người sử dụng ngày một nhiều hơn nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên trên thực tế hầu hết các công ty “sẽ tránh thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào miễn là họ có thể.”

Ông Gonidis nói rằng có những cách lành mạnh để sử dụng các ứng dụng như TikTok, giống như mọi người có thể uống rượu hoặc đánh bạc một cách có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm đó hiện thuộc về cá nhân và "không phải tất cả người dùng sẽ lưu tâm đến những gì đang xảy ra với họ," ông Gonidis nói.

Trong nghiên cứu của giáo sư Turel, nhóm của ông đã phát hiện ra rằng nếu một nhóm người dùng mạng xã hội được hiển thị lượng thời gian họ dành cho các ứng dụng nhất định, họ sẽ giảm thời lượng sử dụng vào tuần sau đó. “Những gì cho thấy là mọi người thường bị sốc về cách sử dụng thời gian của mình và trở nên lưu tâm hơn khi thực hiện hành vi sau đó,” giáo sư Turel cho biết.

Ông Turel cũng nói thêm rằng đó là vấn đề về động lực để thay đổi. Mọi người có xu hướng nghĩ rằng thói quen sử dụng mạng xã hội của họ là lành tính, vì vậy họ không có động lực để thay đổi.

“Nếu người dùng được cung cấp thông tin chính xác, họ có thể kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của mình. Không phải tất cả mọi người, nhưng hầu hết mọi người đều có thể,” giáo sư Turel cho biết.