Tại sao giấc mơ "siêu ứng dụng" của Elon Musk không dễ hiện thực hoá ở Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông chủ của "X" Elon Musk đặt ra thời hạn chót đầy tham vọng, cho phép người dùng "điều hành toàn bộ thế giới tài chính" của họ trên nền tảng này.

1.png
Giấc mơ siêu ứng dụng của Elon Musk có thể thành hiện thực ở Mỹ (Ảnh: Zuma)

Elon Musk đã dành những lời “có cánh” về việc đổi tên mạng xã hội Twitter sang “X” và biến nó thành một “ứng dụng mọi thứ” có khả năng xử lý các hoạt động tài chính cho người dùng, và trong tuần này ông đã đặt ra một thời hạn chót đầy tham vọng cho kế hoạch đó.

“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ thêm vào tính năng liên lạc toàn diện và khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của các bạn”, Musk viết trên Twitter trong tuần này, trước khi đổi tên nó thành X.

Mặc dù ý tưởng về một siêu ứng dụng rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thêm nhiều cách để kiếm tiền và tăng số lượng người dùng, nhưng thực hiện nó không là một điều dễ dàng – kể cả trong khoảng thời gian dài cả năm. Chưa có ứng dụng nào ở Mỹ thành công trở thành một siêu ứng dụng, mặc dù nhiều công ty đã bàn về nó, bao gồm PayPal, Snap và Block của người đồng sáng lập Twitter, Jack Dorsey.

Nhưng ở châu Á, câu chuyện lại khác. Ứng dụng WeChat của tập đoàn Tencent của Trung Quốc được xem là nguyên mẫu siêu ứng dụng và được sử dụng cho mọi thứ, từ gọi xe, mua hàng trên mạng, thanh toán di động cho tới các dịch vụ của chính phủ.

Phía X chưa đưa ra bình luận nào về điều này.

Tại sao không có siêu ứng dụng ở phương Tây?

Có nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải tại sao một siêu ứng dụng chưa xuất hiện ở phương Tây. Một trong số đó là, vào thời điểm mà khái niệm này phổ biến ở châu Á, người tiêu dùng phương Tây vốn đã quen với việc sử dụng một loạt ứng dụng và website khác nhau, theo Yory Wurmser, chuyên gia phân tích đến từ hãng Insider Intelligence. Thẻ tín dụng cũng phổ biến hơn ở phương Tây, bởi vậy nên dịch vụ thanh toán di động không quá cần thiết.

Điều đó khiến cho việc thay đổi hành vi người dùng trở nên khó khăn hơn. “Bạn không thể tạo thêm sự tiện lợi bằng cách tích hợp tất cả những thứ khác nhau vào một nền tảng duy nhất”, Wurmser nói.

“WeChat trỗi dậy ở một quốc gia đang số hoá lần đầu tiên, hầu như là chỉ thông qua smartphone. Có nghĩa rằng không có sự cạnh tranh lớn từ các website truyền thống, các dịch vụ ngân hàng như thẻ tín dụng, hay các mạng xã hội thay thế”, chuyên gia phân tích Ben Thompson, nhận định. “Twitter/X tồn tại trong một bối cảnh cụ thể khiến cho bất kỳ ai cũng không tiếp cận được ý tưởng như WeChat, chứ chưa kể đến một công ty có nguồn lực hạn chế”.

im-824643.jpg
WeChat được xem như nguyên mẫu siêu ứng dụng của châu Á (Ảnh: Zuma)

Một thách thức khác là gia nhập lĩnh vực dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc công ty của tỉ phú Elon Musk phải tuân thủ thêm các quy định pháp lý. Nhiều công ty cho vay hoặc chuyển tiền đã lọt vào tầm kiểm soát của một số cơ quan cấp bang và liên bang, và họ đối diện với nhiều khoản tiền phạt vì không tuân thủ các quy định về chống rửa tiền và hoàn trả chi phí gian lận cho người dùng.

Trong vài tháng qua, Twitter đã đệ đơn xin giấy phép ở nhiều bang của Mỹ để hoạt động như một bên chuyển tiền, theo một số nguồn tin hiểu về vấn đề này. Những giấy phép đó sẽ cho phép nền tảng này lưu trữ và chuyển tiền cho người dùng.

Tính đến hiện tại, công ty này đã nhận được giấy phép ở ít nhất 4 bang, theo Hệ thống Cấp phép đa bang Toàn quốc: Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire. Mặc dù đây là một khởi đầu, nhưng việc xin giấy phép trên khắp lãnh thổ Mỹ có thể mất ít nhất 1 năm hoặc hơn.

Elon Musk có lịch sử hay đưa ra những thời hạn chót đầy tham vọng để rồi cuối cùng đưa ra một tầm nhìn lớn hơn mà phớt lờ thời hạn cụ thể. Công ty Tesla của ông là một ví dụ khi năm ngoái mới bắt đầu phân phối mẫu xe tải điện, trong khi đáng lẽ ra điều này đã phải diễn ra từ 3 năm trước.

123.jpg
Lịch hẹn cho ra mắt mẫu xe tải điện của Elon Musk bị chậm tới 3 năm (Ảnh: Bloomberg)

Thử nghiệm và thất bại

X không phải công ty mạng xã hội đầu tiên thử chen chân vào lĩnh vực thanh toán. Công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms, cũng cho ra mắt Meta Pay, một cách để gửi và nhận tiền thông qua ứng dụng nhắn tin của họ và trả tiền mua hàng hoá trên mạng.

Một số dự án tham vọng khác cũng từng xuất hiện. Năm 2019, Facebook công bố một dự án tiền mã hoá có tên Libra, sau đó đổi tên thành Diem, được xem như cách để hàng tỉ người dùng mạng xã hội này dễ dàng thanh toán các giao dịch trực tuyến và chuyển tiền.

Dự án cuối cùng không thành công. Các nhà quản lý trên khắp thế giới cho rằng nó có thể bị các băng nhóm tội phạm lợi dụng để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các nhà lập pháp còn mời Mark Zuckerberg lên điều trần về lý do tại sao người dùng lại có thể tin tưởng gửi tiền của họ cho Facebook. Dự án này chính thức khép lại vào đầu năm 2022.

“Chuyển tiền ra và vào các quốc gia khó khăn hơn nhiều so với bạn tưởng tượng”, Morgan Beller, cựu nhân viên Facebook, đồng sáng lập đồng Libra, nói.

Beller nói rằng X có thể có cơ hội bởi Musk dự định vận hành công ty này như một startup, bất chấp thực tế - nó là một nền tảng có hàng trăm triệu người dùng rồi.

“Công ty đó đang được điều hành bởi một gã cao bồi sẵn sàng đòi hỏi người khác tha lỗi, chứ không cần xin phép”, Beller nói.

Snap, công ty đứng đằng sau ứng dụng mạng xã hội nổi tiếng Snapchat, cũng từng lên ý tưởng tích hợp khả năng thanh toán trên nền tảng của họ. Năm 2014, ứng dụng này cho ra mắt Snapcash – một cách thức để người dùng gửi tiền cho bạn bè – nhờ hợp tác với công ty thanh toán di động Block. Snap ngừng tính năng này sau 4 năm.

1a59989b4043438b2a36e964182fd56a.jpg
X của Elon Musk có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dùng (Ảnh: Yahoo)

Năm 2021, PayPal cũng lên kế hoạch mở rộng ví điện tử của họ thành một siêu ứng dụng kết hợp thanh toán trực tuyến và thanh toán tại quầy, các công cụ mua sắm và nhiều dịch vụ tài chính tiêu dùng khác, như tài khoản tiết kiệm và giao dịch chứng khoán. Điều này cũng là lý do khiến họ hứng thú với việc mua lại nền tảng mạng xã hội Pinterest.

Nhưng PayPal đã gặp trắc trở trong việc thực hiện chiến lược của mình. Họ từ bỏ thoả thuận Pinterest sau khi các nhà đầu tư phản ứng, và để giảm chi phí, họ phải huỷ kế hoạch tích hợp giao dịch chứng khoán và thanh toán trên ứng dụng của mình.

Twitter đã khám phá một số đặc tính thanh toán từ trước khi bị Musk thâu tóm. Năm 2021, công ty này cho ra mắt tính năng gửi tiền, trong đó hướng người dùng tới các dịch vụ của bên thứ ba, như Venmo của PayPal và Cash App của Block, để gửi và nhận tiền.

Musk sẽ cần phải thuyết phục người dùng rằng nơi mà họ đăng tải meme và trò chuyện là nơi an toàn để tích trữ tiền.

“Liệu tôi có thể tin tưởng khi chuyển tiền vào đó không, và tiền của tôi sẽ đi đúng chỗ tôi gửi chứ?” James Wester, giám đốc nghiên cứu về thanh toán đến từ hãng Javelin Strategy & Research, đặt câu hỏi. “Đó là câu hỏi cần được trả lời”./.

Theo Wall Street Journal