Có vẻ hợp lý khi tưởng tượng việc đem công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số vào các tổ chức ở khu vực công để trở thành "chính phủ kỹ thuật số" hoặc "chính phủ điện tử" sẽ có tác động có lợi đối với cách cung cấp dịch vụ công cộng như cho phép mọi người yêu cầu hoàn tiền bảo hiểm y tế trực tuyến.
Khi được triển khai tốt, chính phủ điện tử có thể giảm chi phí cung cấp các dịch vụ nhà nước và công cộng, đảm bảo kết nối tốt hơn với người dân - đặc biệt là ở các khu vực xa xôi hoặc ít dân cư. Nó cũng có thể đóng góp vào tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm trong các quyết định công, kích thích sự xuất hiện của văn hóa điện tử địa phương và tăng cường dân chủ.
Nhưng thực thi chính phủ điện tử vô cùng khó khăn và sự tiếp nhận của công dân có thể rất chậm. Nếu như ở Đan Mạch - quốc gia được xếp hạng số một về cung cấp dịch vụ trực tuyến năm 2018 - 89% công dân sử dụng dịch vụ điện tử, nhiều quốc gia khác lại đang gặp khó khăn. Ví dụ như Ai Cập, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ điện tử chỉ là 2%.
Từ đó, chúng ta có thể thấy việc thực thi chính phủ kỹ thuật số là một vấn đề nan giải đối với các nước đang phát triển. Nhưng có những cải tiến nhỏ mà các quốc gia này có thể thực hiện ngay bây giờ để làm cho vấn đề này trở nên dễ kiểm soát hơn.
Rất ít dự án của chính phủ kỹ thuật số thành công
Bản chất của chính phủ là phức tạp và nó bắt nguồn sâu sắc từ các tương tác giữa xã hội, chính trị, kinh tế, tổ chức và các hệ thống toàn cầu. Đồng thời, công nghệ tự bản thân nó cũng đã là một nguồn phức tạp, tác động, lợi ích và hạn chế của nó vẫn chưa được các bên liên quan hiểu một cách rộng rãi.
Do sự phức tạp này, không có gì lạ khi nhiều dự án chính phủ kỹ thuật số thất bại, không chỉ ở các nước đang phát triển. Trong thực tế, 30% các dự án là thất bại hoàn toàn. 50-60% thất bại một phần do vượt quá ngân sách và chậm tiến độ. Chỉ có chưa đến 20% dự án được coi là đã thành công.
Trong năm 2016, chi tiêu của chính phủ cho công nghệ trên toàn thế giới là khoảng 430 tỷ đô la Mỹ và dự báo sẽ đạt 476 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Do vậy, tỷ lệ thất bại cho các loại dự án này là một mối quan tâm lớn.
Các nước đang phát triển sai ở đâu?
Một yếu tố chính góp phần vào sự thất bại của hầu hết các nỗ lực số hóa chính phủ ở các nước đang phát triển là cách tiếp cận "quản lý dự án". Trong một thời gian dài, chính phủ và các nhà tài trợ đã xem việc đưa ra các dịch vụ kỹ thuật số là một vấn đề "kỹ thuật" độc lập, tách biệt với các chính sách và quy trình nội bộ của chính phủ.
Mặc dù chính phủ kỹ thuật số có các khía cạnh kỹ thuật quan trọng nhưng nó chủ yếu là một hiện tượng chính trị xã hội được thúc đẩy bởi hành vi của con người - và nó đặc trưng cho bối cảnh chính trị và đặc điểm của từng quốc gia.
Do đó, thay đổi phụ thuộc chủ yếu vào "thay đổi văn hóa" - một quá trình dài và khó khăn đòi hỏi các nhân viên ở khu vực công phải tham gia vào các công nghệ mới. Họ cũng phải thay đổi cách họ thực hiện công việc, nhiệm vụ và tương tác với công dân.
Ở các nước đang phát triển, nhu cầu về dịch vụ điện tử còn thiếu, cả trong và ngoài chính phủ. Nhu cầu bên ngoài từ công dân thường ảm đạm bởi sự hoài nghi về khu vực công và không có đủ kênh liên lạc để truyền đạt nhu cầu. Kết quả là, các nhà lãnh đạo cảm thấy quá ít áp lực từ công dân để thay đổi.
Ví dụ, một nỗ lực của Việt Nam năm 2004 trong việc giới thiệu Hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS) để theo dõi việc học sinh đi học đã bị hủy do thiếu sự tham gia từ các nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao.
Thiết kế và quản lý một chương trình chính phủ kỹ thuật số cũng đòi hỏi một năng lực quản lý hành chính cao. Nhưng các nước đang phát triển cần chính phủ điện tử nhất cũng là những nước có năng lực quản lý kém nhất, do đó tạo ra nguy cơ "quá tải hành chính".
Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của các khu vực toàn cầu năm 2018. Nguồn: Khảo sát chính phủ điện tử của Liên hợp quốc 2018
Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu để giải quyết vấn đề này?
Phương pháp tiếp cận chính phủ kỹ thuật số ở các nước đang phát triển nên nhấn mạnh các yếu tố sau.
Yếu tố địa phương
Ở các nước đang phát triển, hầu hết các dự án chính phủ điện tử được tài trợ cố gắng sao chép, ghép nối những gì đã thành công ở nơi khác mà không thích nghi với văn hóa địa phương và không có sự hỗ trợ cần thiết từ những người sẽ hưởng lợi từ dịch vụ trong tương lai.
Trong số khoảng 530 dự án công nghệ thông tin do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 1995 đến 2015, 27% được đánh giá là không đạt yêu cầu ở mức độ vừa phải hoặc tệ hơn.
Giải pháp nhanh nhất để thay đổi là đảm bảo các dự án quản lý bởi người dân địa phương - cả chính phủ và công dân.
Cải cách khu vực công
Chính sách của chính phủ, được phản ánh trong pháp luật, quy định và các chương trình xã hội, phải được điều chỉnh để thích ứng với các công cụ kỹ thuật số mới.
Thành công của chính phủ kỹ thuật số ở các nước Bắc Âu là kết quả của những cải cách khu vực công rộng lớn. Tại Hoa Kỳ, các khoản đầu tư vào công nghệ thông tin trong các sở cảnh sát làm giảm tỷ lệ tội phạm được hỗ trợ bởi những thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức.
Ở các nước đang phát triển, rất ít tiến bộ đã được thực hiện trong hai thập kỷ qua trong cải cách khu vực công.
Chấp nhận một điều rằng thay đổi sẽ chậm
Có lẽ bài học dễ bị bỏ qua nhất về chính phủ kỹ thuật số là phải mất một thời gian dài để đạt được số hóa ở mức độ cơ bản của một khu vực công. Nhiều quốc gia đang phát triển đặt mục tiêu thay đổi trong vài thập kỷ trong khi các nước phát triển đã phải mất hàng thế kỷ mới đạt được. Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada phát hiện: "Chẳng hạn, tại Vương quốc Anh, chỉ đến năm 1854, một loạt các cải cách được đưa ra nhằm xây dựng một dịch vụ công dựa trên tài năng được định hình bởi luật pháp. Phải mất thêm 30 năm để loại bỏ việc bảo trợ là phương thức hoạt động của nhân sự khu vực công. "
Nhìn về tương lai
Các chiến lược hiệu quả để giải quyết vấn đề của chính phủ điện tử ở các nước đang phát triển nên kết hợp cơ sở hạ tầng kỹ thuật với thay đổi chính sách, xã hội và cơ cấu tổ chức.
Cách tốt nhất để tiến về phía trước là thừa nhận sự phức tạp vốn có trong chính phủ kỹ thuật số và chia chúng thành các thành phần dễ quản lý hơn. Đồng thời, cần phải kết nối công dân và các nhà lãnh đạo để họ cùng nhau xác định các giá trị kinh tế và xã hội.
Các nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển, và các đối tác tài trợ, cần một cái nhìn xa. Cải cách cơ bản của chính phủ kỹ thuật số đòi hỏi nỗ lực, cam kết và lãnh đạo bền vững qua nhiều thế hệ. Do đó, dài hạn là một phần thiết yếu của kế hoạch kinh tế xã hội toàn cầu.
Theo Tạp chí Thông tin & Truyền thông
http://ictvietnam.vn/danh-gia-va-trao-doi/tai-sao-chinh-phu-ky-thuat-so-khong-thanh-cong-o-cac-nuoc-dang-phat-trien.htm