Trục liên thông văn bản quốc gia quốc gia do Tập đoàn VNPT bỏ vốn đầu tư và Nhà nước thuê lại. Về hiệu quả kinh tế, trục liên thông văn bản so với việc gửi nhận văn bản theo phương thức truyền thống đã tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó tiền giấy, mực, sao lưu là 154,3 tỷ, tiền gửi qua bưu chính là 575 tỷ đồng. Chi phí thời gian, công sức tiết kiệm được là 576 tỷ đồng, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới. Con số 1.200 tỷ đồng tiết kiệm được là đã trừ đi chi phí thuê dịch vụ của VNPT.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 vừa được ban hành ngày 7/3/2019.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều định hướng, nhiều chính sách lớn trong việc xây dựng CPĐT và những năm gần đây, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai và ban đầu đạt được kết quả quan trọng, tạo nền tảng trong việc triển khai CPĐT.
Tuy nhiên, việc quản lý hồ sơ, văn bản trên môi trường mạng vẫn còn nhiều tồn tại, thậm chí chưa phổ biến rộng rãi trên phạm vi quốc gia. Tình trạng sử dụng văn bản giấy tờ vẫn còn nhiều và phần đông cán bộ công chức chưa chủ động khai thác sử dụng văn bản điện tử nhằm nâng cao năng suất lao động và giảm thời gian xử lý công việc. Hạ tầng CNTT còn chưa đồng bộ, chưa kết nối thông suốt từ Trung ương đến tất cả các địa phương. Chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn công nghệ, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ phục vụ liên thông văn bản điện tử.
Thủ tướng nhận định, Việt Nam vẫn còn đi chậm trong việc xây dựng CPĐT. Xếp hạng về CPĐT của Việc Nam vẫn còn khiêm tốn. Thủ tướng nhấn mạnh, với việc ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước đã tạo bước đột phá vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của CPĐT, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại không giấy tờ. Đây là một cải cách hành chính lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế quốc dân, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội.
Vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản. Bộ Nội vụ đã ban hành 2 Thông tư về quy trình trao đổi, lưu trữ văn bản điện tử, công tác văn thư, bước đầu việc kết nối liên thông phần mềm, dữ liệu, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được diễn ra thuận lợi, an toàn đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn, an ninh. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia thử nghiệm, vận hành giải pháp kỹ thuật từ rất sớm như Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Thủ tướng biểu dương các cơ quan trong đó có Văn phòng Chính phủ là cơ quan chủ trì, điều phối, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ TT&TT đã tích cực hoàn thiện thể chế kỹ thuật, phối hợp triển khai thử nghiệm, kết nối kiểm tra, đánh giá về ATTT mạng. Bộ Công an đã phối hợp tích cực để bảo đảm an ninh mạng cho thiết bị, hạ tầng, giải pháp công nghệ. Tập đoàn VNPT, Viettel đã chủ trì nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ, kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc vào Trục liên thông văn bản quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ đã kết hợp cấp phát đẩy đủ chứng thư số chuyên dùng phục vụ ký số văn bản điện tử, đảm bảo an toàn thông tin.
Để Trục liên thông văn bản quốc gia vận hành thông suốt, thống nhất, an toàn và hiệu quả, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương: Nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định; Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý;Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiến tới giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia; Bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.