Tại sao Châu Âu phải trả tiền cho ứng dụng miễn phí của Google trên Android?

VietTimes -- Án phạt 5 tỷ USD đối với hành vi độc quyền của Google trên Android có thể khiến toàn bộ giới công nghệ Châu Âu chịu thiệt hại.
Bộ ứng dụng miễn phí của Google đã trở nên phổ biến thiết bị Android. Ảnh: WorldNow
Bộ ứng dụng miễn phí của Google đã trở nên phổ biến thiết bị Android. Ảnh: WorldNow

Google sắp áp dụng chính sách mới để đối phó với án phạt kỷ lục 4,34 tỷ EUR (tương đương 5 tỷ USD) của Liên minh Châu Âu (EU). Ngày 16/10, công ty tuyên bố sẽ thu phí bản quyền từ nhà sản xuất, dựa trên thiết bị Android tích hợp bộ ứng dụng của Google nhập khẩu vào khu vực Kinh tế Châu Âu (European Economic Area – EEA).

Hiện tại, Android đang kiểm soát hơn 80% thị phần di động của thế giới. Nền tảng hệ điều hành của Google phổ biến nhờ chất lượng, mã nguồn mở và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để khai thác toàn bộ sức mạnh của Android, các nhà sản xuất thiết bị phải tích hợp bộ ứng dụng của Google như: Google Tìm kiếm và trình duyệt Chrome.

Ủy ban Châu Âu (EC) lập luận rằng rằng điều này giúp Google tăng cường vị thế trên thị trường, bởi vì người dùng thường có xu hướng dùng ứng dụng được có sẵn trên thiết bị. Các nhà chức trách Châu Âu lo ngại lợi thỏa thuận giữa Google và các nhà sản xuất thiết bị di động sẽ gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh. Đến tháng 7/2018, EC ban hành quyết định ngăn chặn hành vi độc quyền của gã khổng lồ tìm kiếm.

Đăng tải trên TheKeyword, Google cho biết sẽ thực hiện chính sách mới theo yêu cầu của EU. Đầu tiên và quan trọng nhất, Android vẫn là hệ điều hành nguồn mở và các nhà sản xuất thiết bị được quyền tinh chỉnh phần mềm theo thông số kỹ thuật. Đồng thời, họ có thể tự lựa chọn ứng dụng cài đặt sẵn. Tuy nhiên, để tiếp tục dùng bộ ứng dụng do Google phát triển (bao gồm: Play Store, Gmail, YouTube, Maps…), các OEMs phải trả một khoản phí bản quyền, nếu thiết bị nhập khẩu vào EEA. Chỉ riêng Google Tìm kiếm và trình duyệt Chrome không yêu cầu cấp phép. Mức phí bản quyền bộ ứng dụng vẫn chưa được Google tiết lộ.

Phó Chủ tịch Google và các nền tảng, Hiroshi Lockheimer nói: “Bởi việc cài đặt sẵn Google Tìm kiếm và Chrome, cùng các ứng dụng khác của Google, đã đem lại nguồn tài trợ cho việc phát triển và phân phối Android miễn phí. Nên chúng tôi sẽ đưa ra một thỏa thuận cấp phép tính phí mới cho smartphone và tablet được nhập vào EEA (Khu vực Kinh tế Châu Âu)”.

Ảnh: Google
 Ảnh: Google

Thoạt nhìn có vẻ Google đang nỗ lực níu kéo lợi ích sau quyết định của Ủy ban Châu Âu vì hành vi độc quyền trên Android. Nhưng thực tế EU buộc Google phải hành động, khi mở ra cơ hội lớn cho các bên thứ 3 bắt tay với các nhà sản xuất thiết bị và bỏ qua bộ ứng dụng Google phát triển cho Android.

Vấn đề đặt ra là liệu đã quá muộn đối với các đối thủ của Google hay không. Ngay cả công ty lớn như Microsoft tới nay vẫn không thể giúp Bing đánh bại Google trên thị trường cung cấp công cụ tìm kiếm. Đối thủ Apple vẫn đang cho nhân viên đi khắp nơi để cải thiện bản đồ số Apple Maps. Và tới nay vẫn chưa có nền tảng phát video trực tuyến nào có khả năng cạnh tranh với YouTube.

Đây là trường hợp cực kỳ mâu thuẫn. Bởi lẽ, một mặt Google vẫn cần bên thứ ba sáng tạo nội dung cho hệ điều hành Android. Mặt khác, nếu các ứng dụng đó đủ tốt để tích hợp sẵn trên thiết bị Android, trên lý thuyết sẽ cạnh tranh với dịch vụ do chính Google cung cấp.

Ngoài ra, nếu bên thứ ba cũng yêu cầu nhà sản xuất chi trả phí bản quyền cho bộ công cụ cài sẵn thì chắc chắn giá thành của thiết bị bán ra tại EU cũng sẽ bị đội lên. Vậy tại sao người dùng Châu Âu phải trả một khoản tiền vô lý khi cho nhà sản xuất chỉ vì vài ứng dụng, trong khi những thứ khác vẫn phải tải từ máy chủ Google.

Ảnh: Wikipedia
 Ảnh: Wikipedia

Google cho biết chính sách mới sẽ hiệu lực từ ngày 29/10/2018. Tuy nhiên, công ty có thể thay đổi tùy vào phán quyết cuối cùng trong phiên tòa kháng cáo tại Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu ở Luxembourg.