Ảnh: What’s New Publishing
Ảnh: What’s New Publishing

E-magazine Tại sao báo chí phải luôn ở “ngày thứ nhất”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Nguyên tắc "ngày thứ nhất" của Amazon hiện đang được nhiều tổ chức tin tức trên thế giới áp dụng trong sự nghiệp đổi mới báo chí.

Nguyên tắc “ngày thứ nhất “ là gì?


Ý tưởng về “ngày thứ nhất” là điều mà tỉ phú Jeff Bezos đã vận dụng để làm nên sự thành công phi thường của Amazon. Đối với ông Bezos, nó luôn phải là “ngày thứ nhất” vì “ngày thứ hai” đã là sự đình trệ, tiếp theo là sự không phù hợp và cuối cùng là “cái chết”. Đây cũng là lý do tại sao các công ty khởi nghiệp bị mất lợi thế khi họ bước vào giai đoạn phát triển. Khi các tổ chức mở rộng quy mô phát triển, sự phức tạp cũng tăng theo và nó có nguy cơ trở nên chậm chạp và cứng nhắc.

Để một tổ chức vẫn hoạt động hiệu quả như “ngày thứ nhất”, có một số nguyên tắc chính mà họ cần phải tuân thủ, bao gồm làm hài lòng khách hàng, đưa ra các quyết định một cách kịp thời, liên tục đổi mới và không ngừng cải thiện.

Tuần này, Hội thảo về “Tương lai của tin tức” đã đã được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhiều nhà báo nổi tiếng đến từ 25 quốc gia và khu vực. Đã có một cuộc thảo luận về tầm quan trọng của “ngày thứ nhất” đối với ngành công nghiệp tin tức. Tại hội thảo, chỉ có 17% người tham gia tin rằng các tổ chức tin tức của họ đã áp dụng các nguyên tắc tương tự như “ngày thứ nhất”, trong khi 24% tin rằng tổ chức của họ đã không áp dụng bất kỳ nguyên tắc nào. Trong số các nguyên tắc của “ngày thứ nhất”, việc phải đổi mới liên tục là nguyên tắc được áp dụng nhiều nhất với 39% thành viên tham dự cho rằng tổ chức của họ đã thực hiện điều này.

Khi được hỏi về lý do tại sao các tổ chức tin tức của họ vẫn chưa phải là “ngày thứ nhất” và đâu là rào cản chính của báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số, csc nhà báo tham dự đã đưa ra một số lý do chính. Đó là nguồn lực hạn chế (chiếm 18%), con người (12%), công nghệ (29%) và cuối cùng là văn hóa cơ quan - nguyên nhân mà nhiều người tin rằng đây là lý do quan trọng nhất khiến tổ chức của họ chậm phát triển với 41% sự đồng tình.

Thay đổi văn hóa doanh nghiệp

là bước đầu tiên và quan trọng nhất


Trong phần mở đầu của Hội thảo, CEO của một số tổ chức tin tức đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa cơ quan của họ và cách mà nó đã và đang phát triển theo thời gian. Trong đó, tầm quan trọng về việc trao quyền quyết định cho những nhân viên có liên hệ gần gũi nhất với vấn đề để đưa ra quyết định.

Nykia Wright - CEO của Chicago Sun-Times (Mỹ) đã cho biết, một trong những nhân tố giúp xoay chuyển tình hình khó khăn của tờ báo là đội ngũ lãnh đạo với tư duy hoàn toàn mới. Mặc dù hầu hết các thành viên đều có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp báo chí nhưng họ đều là những người mới đối với Chicago Sun-Times cũng như những vấn đề mà mà công ty đang phải đối mặt. Trước tháng 4/2018, tờ báo này vẫn chưa hề chuyển sang kỹ thuật số, về cơ bản là muộn hơn tờ báo kỳ cựu The New York Times tới 20 năm.

Để đưa toàn công ty theo hướng thay đổi này, các lãnh đạo buộc phải phá bỏ rào cản giữa các nhóm làm việc. Nó đồng nghĩa với việc trao quyền cho những người có xu hướng làm việc thường xuyên với khách hàng để đưa ra những thay đổi phù hợp.

“Sự đổi mới đến từ những thành viên làm việc gần gũi với khách hàng, có nhiều ý tưởng sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí hoặc phát triển. Chúng tôi không thể dựa vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao để làm điều đó, bởi vì chúng tôi ở xa khách hàng nhất” - ông Nykia Wright phát biểu tại hội thảo.

CEO Thomas Schultz-Homberg của DuMont Regional Media (Đức) chia sẻ rằng ông đã phải gánh trọng trách phát triển một thương hiệu tin tức đã có lịch sử hoạt động hơn 400 năm với loạt bài báo được xuất bản liên tục kể từ năm 1805. Theo ông, để thay đổi văn hóa của công ty, điều quan trọng là đảm bảo nó không chỉ được thực hiện bởi các quản lý cấp cao. Thay vào đó, ban lãnh đạo phải nhận được sự tin tưởng của tất cả nhân viên và cùng nhau thực hiện mục tiêu này. Ông Thomas nhấn mạnh rằng các nhóm thực hiện những nhiệm vụ chuyên biệt và việc áp dụng công nghệ đã giúp DuMont Regional Media gặt hái được nhiều thành tựu mới.

Trong khi đó, CEO Rien van Beemen của Mediahuis (Hà Lan) nhận thấy rằng quá trình đưa ra quyết định đang khiến cho tốc độ đổi mới bị chậm lại. Mọi người phải thảo luận mọi thứ cùng nhau và do đó, nó khiến các quyết định mất nhiều thời gian. Và đó là lý do tại sao việc đầu tiên ông Rien thực hiện khi gia nhập Mediahuis là đảm bảo rằng việc ra mắt các sản phẩm và điều chỉnh các ứng dụng có khả năng diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng. Thậm chí, đã có một khoảng thời gian, tòa soạn này đã đưa ra những thay đổi hàng ngày với mục đích để tư duy đổi mới lan rộng toàn bộ tổ chức.

Sự hài lòng của khách hàng

là chìa khóa thành công của tòa soạn

Một bài học quan trọng mà báo chí có thể học được từ Amazon là tập trung vào khách hàng ở mọi cấp độ. Các quan điểm được đưa ra tại Hội thảo nhấn mạnh rằng báo chí phải thực sự quan tâm đến khách hàng, cùng với đó là việc thu thập các dữ liệu cần thiết của khách hàng. Công ty xuất bản Roularta đã triển khai CDP, viết tắt của Customer Data Platform - một nền tảng dùng để thu thập cơ sở dữ liệu của khách hàng. Những nhân viên làm việc trực tiếp với khách hàng - nhóm Dịch vụ khách hàng của công ty luôn được ưu tiên trong mọi cuộc thảo luận. Đó cũng là lý do tại sao tờ Chicago Sun-Times đã đưa trung tâm hỗ trợ khách hàng của mình trở lại Mỹ sau khi chuyển nó sang Mỹ-la-tinh thời gian trước đó. Các dữ liệu này là nguồn thông tin quý giá giúp tòa soạn nắm bắt được xu hướng của người đăng ký.

Tại Mediahuis Netherlands, mối quan tâm đến khách hàng đã được đưa lên một tầm cao mới khi Rien van Beemen chia sẻ rằng các nhân viên của họ thậm chí còn đến thăm độc giả tại nhà. Theo ông Rien, việc gặp trực tiếp độc giả sẽ giúp tòa soạn nắm được cách mọi người đang đọc báo và truy cập trang web, từ đó đưa ra những chiến lược báo chí phù hợp. Tòa soạn này thậm chí còn để các nhà báo của mình liên lạc qua điện thoại với những độc giả có ý định hủy đăng ký để tìm hiểu nguyên nhân và rút kinh nghiệm. Mặc dù có thể không đến mức này nhưng các nhà báo tham gia hội thảo cho biết họ vẫn thường xuyên liên lạc với độc giả của mình: 23% tương tác cá nhân với độc giả hàng ngày trong khi 47% tương tác hàng tháng, vẫn còn khoảng 30% người tham dự chưa bao giờ tương tác trực tiếp với độc giả.

Sự khác biệt gữa độc giả và khách hàng cũng là một chủ đề quan trong được đưa ra thảo luận. Khách hàng được nhắc tới ở đây là những ai, chỉ người đăng ký hay tất cả độc giả? Đối với ông Thomas Schultz-Homberg, khách hàng của tòa soạn là tất cả độc giả bởi theo ông, mọi độc giả đều có thể trở thành người đăng ký.

Khi được hỏi về vấn đề này, 66% người tham gia cho rằng người đăng ký vẫn là khách hàng chính của họ, vẫn còn 9% ưu tiên các nhà quảng cáo, trong khi 25% còn lại xem xét tất cả độc giả, bao gồm những người chỉ truy cập nội dung tin tức miễn phí.

Theo What’s New Publishing