Súng cối tự hành 2S4 Tulip 240mm, vũ khí lợi hại của Nga dùng tấn công Mariupol

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ở thành phố Mariupol đang là thông tin nóng hiện nay. Giới tình báo phương Tây nói quân Nga đã sử dụng loại súng cối tự hành mạnh nhất thế giới để phá hủy các kiến trúc ở đây. 
Cối tự hành 2S4 Tulip của Nga được đánh giá là thứ "lợi khí đánh thành" hiệu quả cao (Ảnh: Wiki).
Cối tự hành 2S4 Tulip của Nga được đánh giá là thứ "lợi khí đánh thành" hiệu quả cao (Ảnh: Wiki).

Nói đến súng cối người ta nghĩ ngay đây là loại súng pháo hạng nhẹ, thường được sử dụng bởi các binh sĩ riêng lẻ và về cơ bản sử dụng cách nạp đạn bằng cách thả đạn vào nòng khá đơn giản. Tuy nhiên, khi cỡ nòng và sức công phá lớn hơn, trọng lượng của quả đạn cối có thể lên tới mấy chục, thậm chí cả trăm kg, việc nạp đạn qua nòng súng không được thuận lợi như vậy. Cối 2S4 Tulip (hay 2S4 Tyulpan) cỡ nòng 240mm là một loại súng cối tự hành do Liên Xô thiết kế và sản xuất. Nó hiện là loại súng cối tự hành lớn nhất thế giới, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1975 trong biên chế Quân đội Liên Xô nên NATO đặt cho nó tên mã là M-1975 (tên của Liên Xô là SM-240, viết tắt 2S4).

Cối tự hành 2S4 Tulip được Công ty Công nghiệp Máy móc và Vận tải Ural (Uraltransmash) phát triển vào đầu những năm 1970, có cấu trúc chung một số thành phần với pháo lựu tự hành 2S3 và 2S5 cỡ nòng 152mm. Khung gầm là một chiếc xe bọc thép rải mìn bánh xích GMZ, thân xe được hàn từ các tấm thép và có khả năng chống lại các loại vũ khí cỡ nhỏ và mảnh đạn. Khẩu cối M-240 240 mm được đặt ở phía sau xe thao tác bắn cối có 3 pháo thủ, thêm lái xe và trưởng xe, mỗi kíp xe gồm 5 người.

Mỗi kíp chiến đấu của 2S4 gồm 5 người.

Mỗi kíp chiến đấu của 2S4 gồm 5 người.

Vũ khí được lắp bên ngoài phía sau xe là loại súng cối nạp đạn từ phía sau cỡ nòng 240mm M-240 do Nhà máy Perm Machine Construction Work thiết kế. Mỗi xe có thể mang 20 quả đạn các loại, có thể bắn bằng điện hoặc cơ học. Chiều dài nòng là 5,34 mét, khi bắn loại đạn pháo thông thường tầm bắn tối đa là 9.700 mét. Trọng lượng quả đạn nặng 130kg. Khi sử dụng đạn hỏa tiễn tăng tầm, tầm bắn tối đa có thể đạt 20 km và trọng lượng của quả đạn là 228 kg. Nó được đánh giá là loại lợi khí công thành hữu hiệu. Ngoài ra, 2S4 Tulip cũng có thể bắn đạn hạt nhân chiến thuật, hóa học và các loại đạn đặc biệt khác.

Trước khi được đưa vào sử dụng tại Mariupol lần này, cối tự hành 2S4 Tulip đã được sử dụng trong Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Cối 2S4 Tulip ở trạng thái triển khai sẵn sàng chiến đấu.

Cối 2S4 Tulip ở trạng thái triển khai sẵn sàng chiến đấu.

Do uy lực, cỡ nòng và tầm bắn của loại súng cối này đều rất tốt nên Liên Xô cũng đặc biệt phát triển nhiều loại đạn, chẳng hạn như đạn pháo hỏa tiễn tăng tầm 3M15, đạn chùm có tầm bao phủ rộng hơn. Đáng sợ nhất là nó còn có thể phóng đầu đạn hạt nhân 3B11có đương lượng nổ vài trăm tấn TNT. Ngoài ra, để tận dụng tầm bắn của loại súng cối này, Liên Xô còn phát triển loại đạn dẫn đường bằng laser, có thể thực hiện các cuộc tấn công kiểu “áp đỉnh” chí mạng vào các công sự phòng ngự kiên cố và thậm chí cả các mục tiêu như xe tăng.

Cối 2S4 Tulip sử dụng khung gầm bánh xích có khả năng vượt địa hình tốt, với tổng chiều dài 8,5 mét, rộng 3,2 mét, cao 3,2 mét, trọng lượng tối đa 30 tấn. Thùng xe được trang bị lớp giáp bảo vệ diện tích lớn nhưng độ dày tương đối mỏng, chỗ dày nhất chỉ 20 mm, có thể chịu được sức bắn của mảnh đạn pháo và một số vũ khí nhỏ. Chiều rộng bánh xích là 482 mm mỗi bánh xích có 115 guốc xích. Một gầu ủi được lắp đặt ở phía trước xe để có thể tự thiết lập vị trí bắn. Cối tự hành 2S4 sử dụng động cơ diesel làm mát bằng nước V12 có công suất cực đại khoảng 520 mã lực. Theo tính toán, công suất của nó gần bằng với xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô lúc bấy giờ, tốc độ cơ động tối đa đạt 62 km/h, tầm hoạt động 420 km, vì vậy hoàn toàn có thể theo kịp lực lượng thiết giáp để tác chiến.

Pháo thủ dùng cần cẩu để nạp đạn từ phía sau.

Pháo thủ dùng cần cẩu để nạp đạn từ phía sau.

Lái xe và chỉ huy ngồi ở vị trí phía trước bên trái của thùng xe, còn động cơ ở phía bên phải. Phía sau thân xe là khoang chiến đấu, pháo được bố trí ở phía sau thân. Cối 2S4 không sử dụng kết cấu tháp pháo của các loại pháo tự hành cỡ nòng nhỏ khác. Khi xe cần khai hỏa, nòng pháo sẽ được triển khai thông qua cơ cấu thủy lực, do hạn chế về kết cấu nên góc nâng nòng của nó chỉ nằm trong khoảng từ dương 50 độ đến dương 80 độ, vòng tròn bắn trái và phải là 10 độ, tính linh hoạt kém và đó là một trong những nhược điểm lớn của nó. Một nhược điểm nghiêm trọng hơn là tốc độ bắn khá chậm: khi bắn liên tục ở góc 60 độ thì tốc độ bắn 62 giây/quả, khi bắn ở góc nâng 80 độ thì mất 77 giây/quả. Đó là do cối 2S4 phải nạp đạn phức tạp hơn và hoạt động tương đối chậm. Điều rắc rối nhất là bên trong thùng xe chỉ chứa được hai người gồm Trưởng xe và lái xe, còn lại ba pháo thủ cần phải chở bằng phương tiện khác, khi bắn mới hợp lại trở thành kíp chiến đấu 5 người.

Mỗi quả đạn loại thường nặng tới 130kg.

Mỗi quả đạn loại thường nặng tới 130kg.

Là khẩu cối tự hành có cỡ nòng lớn nhất và trọng lượng tổng thể nặng nhất thế giới hiện tại, uy lực của cối 2S4 là không thể bàn cãi, thậm chí nó còn mạnh hơn cả lựu pháo tự hành 155mm truyền thống với uy lực cực lớn. Chính vì tính năng tốt mà súng cối 2S4 vẫn được phục vụ trên quy mô lớn ở Nga sau khi Liên Xô giải thể.

Nga cũng đã tiến hành cải tiến súng cối 2S4. Theo một số tin tức được đăng tải, loại súng này sử dụng loại nòng súng mới và cơ chế giật thủy lực, hệ thống điều khiển hỏa lực và các hệ thống điện tử khác cũng được cải tiến so với mẫu cũ trước đó, hiệu suất của nó đã có nhiều tiến bộ . Số lượng cối 2S4 lớn nhất hiện đang được biên chế đương nhiên là quân đội Nga, có tin nói có 430 chiếc đang được biên chế trong Quân đội Nga, nhưng cũng có người nói rằng chỉ có vài chục chiếc 2S4 hiện đang trong biên chế, và hơn 400 khẩu cối 2S4 khác đang được niêm cất. Cũng có một số lượng nhỏ được sử dụng ở những nơi như Syria nhưng với quy mô nhỏ.

Cối 2S4 Tulip thực hành bắn.

Cối 2S4 Tulip thực hành bắn.

Ưu điểm lớn nhất của súng cối tự hành so với pháo lựu tự hành là chúng có tính linh hoạt cao trong việc sử dụng. Cỡ nòng của nó lên tới 240 mm và sức công phá của một quả đạn cối tương đương với quả bom hàng không cỡ nhỏ, nhưng tổng trọng lượng của nó chỉ 30 tấn, nhẹ hơn nhiều loại pháo lựu tự hành 152mm. Sau khi cải tiến, loại cối cỡ lớn này có thể bắn các loại đạn tiên tiến hơn và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu quan trọng ở khoảng cách xa. Về phần đầu đạn hạt nhân, nếu nó thực sự được dùng để răn đe trong trường hợp khẩn cấp, thì cối 2S4 thực sự có thể được sử dụng như một vũ khí “chiến lược”. Do đó, theo quan điểm hiện tại, việc Nga cho nghỉ hưu hoàn toàn loại pháo này trong một sớm một chiều là không thể xảy ra. Với tính năng và khả năng răn đe, nó vẫn sẽ trở thành loại súng cối tự hành uy lực nhất thế giới trong một thời gian dài. Thời kỳ đầu cuộc chiến, súng cối tự hành 2S4 được bố trí ở biên giới Nga-Ukraine, nhưng gần đây 2S4 đã được chuyển ra mặt trận, tham gia vào chiến dịch tấn công Mariupol.