Sức mạnh đáng sợ của pháo phản lực Uragan-1M được Nga sử dụng trong chiến dịch đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 24/1/2024, Trang Army Recognition dẫn các nguồn tin Nga cho biết Tập đoàn Tula NPO "Splav" hiện đang chuyển giao các lô pháo phản lực tên lửa 2 cỡ nòng Uragan-1M (MLRS) cho quân đội Nga ở Ukraine.

Theo trang Army Recognition, tập đoàn nghiên cứu và sản xuất "Splav" ở Tula (Tula NPO "Splav") đã chuyển lô pháo phản lực “hai trong một” Uragan-1M (MLRS) đầu tiên cho các đơn vị quân đội Nga đóng quân trong vùng Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tula NPO "Splav" hiện đang sản xuất hàng loạt các hệ thống pháo phản lực tên lửa (MLRS). Các nhà bình luận quân sự trên mạng xã hội Nga tuyên bố, vũ khí được phát triển như một phản ứng đối với các hệ thống pháo phản lực tên lửa mà phương tây rằng chúng được thiết kế để chống lại vũ khí của Lực lượng vũ trang phương Tây và Ukraine. Một số nhà bình luận quân sự Nga nhận định, Uragan-1M là câu trả lời cho hệ thống M142 HIMARS.

Các tài khoản mạng xã hội Nga không đề cập đến các khu vực cụ thể đã triển khai pháo phản lực tên lửa Uragan-1M. Đây không phải là lần đầu tiên Nga bí mật đưa các loại vũ khí mới đến thử nghiệm trên chiến trường Ukraine.

Trong năm 2023, quân đội Nga đã thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới trong vùng Chiến dịch Quân sự đặc biệt. Điển hình là xe tăng chủ lực tiên tiến T-14 Armata được thử nghiệm trong điều kiện thực tế chiến đấu ở Ukraina, kế hoạch sản xuất hàng loạt loại xe tăng này bắt đầu từ năm 2024. Xe tăng T-80BVM model 2023 cũng đã được đưa đến Ukraine tham gia chiến đấu và hiện đang được sản xuất hàng loạt. Trong lĩnh vực pháo tự hành, Nga cũng đã đưa các tổ hợp 2S35 Koalitsiya-SV, 2S43 Malva, Phlox 2S40 và pháo phản lực nhiệt áp bánh lốp TOS-2 Tososchka vào tham gia chiến đấu trên chiến trường.

Bản chất của hoạt động triển khai các nhóm nhỏ phương tiện chiến đấu tiến tiến vào chiến trường nhằm 2 mục đích chính. Thứ nhất, các trang thiết bị được đưa vào các đơn vị chiến đấu để đánh giá hiệu suất chiến đấu của vũ khí, độ tin cậy, độ bền, những vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình khai thác sử dụng trong các điều kiện khắc nghiệt, công tác hậu cần kỹ thuật và các vấn đề cần thiết phải giải quyết trong quá trình sản xuất hàng loạt. Thứ hai là những đánh giá, đóng góp của quân nhân, những người trực tiếp sử dụng vũ khí này để có được những sửa đổi cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tế đồng thời huấn luyện, đào tạo đội ngũ quân nhân, nhân viên kỹ thuật, có thể làm nòng cốt để đào tạo mở rộng khi cung cấp vũ khí, trang bị trên quy mô lớn.

Quân đội Nga kế thừa từ Liên Xô các tổ hợp pháo phản lực nổi tiếng. Phổ biến nhất là tổ hợp pháo phản lực Grad có cỡ đạn 122mm, sau đó là Uragan với cỡ đạn 220mm và Smerch cỡ đạn 300mm.

Những vũ khí này đã tham gia nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang, chứng minh được sức mạnh của hỏa lực và độ tin cậy cao.

Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã có chương trình hiện đại hóa các tổ hợp vũ khí này. Quân đội Nga nhận được các tổ hợp pháo phản lực "Tornado-G" và "Tornado-S", phiên bản hiện đại hóa của "Grad" và "Smerch". Các tổ hợp vũ khí được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số mới kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh Glonass, tên lửa có tầm bắn xa và độ chính xác cao hơn.

phao-phan-luc-ten-lua-uragan-1m-8805.jpg
Hệ thống pháo phản lực tên lửa Uragan-1M hai cỡ nòng. Ảnh Russian Gazeta

Uragan-1M là hệ thống pháo phản lực tên lửa (MLRS) do tập đoàn công nghiệp Tula NPO "Splav" Nga phát triển với mục đích thay thế cả 2 tổ hợp pháo phản lực BM-27 Uragan cỡ đạn 220 mm và BM-30 Smerch cỡ đạn 300 mm. Quá trình phát triển Uragan-1M bắt đầu vào năm 1995, vượt qua các thử nghiệm cấp nhà nước thành công năm 2015, nhưng tính đến năm 2023, Quân đội Nga vẫn chưa được chính thức sử dụng loại vũ khí mới này, chỉ có 6 xe mẫu thử nghiệm được sản xuất.

Uragan-1M là hệ thống pháo phản lực tên lửa có những tính năng kỹ chiến thuật đặc biệt hơn các loại pháo phản lực mới được hiện đại hóa. Tổ hợp pháo phản lực sử dụng bệ phóng với 2 cỡ nòng. Theo nhiệm vụ được giao, Uragan-1M có thể sử dụng các loại đạn 220 mm và 300 mm, được lắp đặt trong các thùng vận chuyển-phóng, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nạp đạn, cơ động di chuyển và phóng tên lửa.

Nga thực sự đã triển khai Uragan-1M ở Ukraine. Video: Soviet Information Bureau

Tổ hợp 9K512 "Uragan-1M" được thiết kế để tấn công một khu vực mục tiêu như vị trí tập trung binh lực, kho quân sự dã chiến, tăng thiết giáo, các trận địa pháp và sân bay. Tương tự như tổ hợp pháo chức năng kép phản lực – rải mìn Vozrozhdenie, vừa thực hiện nhiệm vụ tấn công hỏa lực hoặc rải mìn, Uragan-1M có thể thực hiện hàng loạt nhóm nhiệm vụ khác nhau với các cỡ nòng 220 mm và 300 mm.

Xe phóng tên lửa, được gọi là 9A53, mang theo 2 bệ phóng dạng mô-đun 6 ống vận tải - phóng cho tên lửa 300 mm hoặc 2 mô-đun phóng với 15 ống phóng tên lửa 220 mm.

Loại mô-đun phóng thứ nhất có 6 ống phóng cỡ nòng 300 mm, phóng các tên lửa thuộc dòng 9M55 có tầm bắn 70 km và các phiên bản xa hơn có tầm bắn 90 km và tên lửa dẫn đường 9M544/549, cho tầm bắn 120–150 km, đây là loại đạn được thiết kế cho Tornado-S. Các tên lửa cỡ nòng 300 mm được trang bị đạn chùm thứ cấp chống tăng tự ngắm "Motiv-3M", cho phép tiêu diệt các phương tiện chiến đấu của đối phương ở sâu trong hậu phương chiến trường như các hệ thống pháo binh, tăng thiết giáp và các phương tiện cơ giới trên đường cơ động di chuyển.

Độ sai lệch vòng tròn CEP với tên lửa dẫn đường 9M544/549 trong khoảng 7–15 mét, tên lửa được trang bị thiết bị dẫn đường quán tính laser CH398, hiệu chỉnh đường bay bằng hệ thống định vị vệ tinh Glonass. Trong tương lai, tổ hợp sẽ được trang bị những loại tên lửa mới có tầm bắn xa hơn.

Loại mô-đun phóng vận chuyển thứ hai có 15 ống phóng 220 mm để đặt phóng các rocket thuộc dòng 9M27, tên lửa đầu đạn nhiệt áp 9M51. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa này, được phóng từ pháo phản lực Uragan-1M có tầm bắn 40–45 km. Cả hai loại mô-đun đều phóng được các tên lửa cũ của BM-27 Uragan cỡ đạn 220 mm và BM-30 Smerch.

Kíp pháo thủ của Uragan-1M cần có 3 người, tổ hợp có thời gian chuyển trạng thái từ cơ động di chuyển sang sẵn sàng phóng trong 3 phút. Hệ thống điều khiển hỏa lực của Uragan-1M được tự động hóa hoàn toàn. Trang thiết bị điện tử hiện đại cho phép Uragan-1M hoạt động đồng bộ với các phương tiện trinh sát và điều chỉnh hỏa lực. Kíp trắc thủ nhận thông tin mục tiêu và điều chỉnh hỏa lực từ máy bay không người lái (UAV) trong thời gian thực. Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động tính toán phần tử bắn, điều chỉnh góc tầm hướng trên cơ sở loại đạn được chọn và và pháo phản lực sẵn sàng phóng tên lửa theo mệnh lệnh.

6 mẫu thử nghiệm Uragan-1M được lắp đặt trên khung gầm bánh MZKT-7930 8x8 của Belarus với động cơ diesel tăng áp, công suất 500 mã lực, đảm bảo khả năng di chuyển linh hoạt trên địa hình. Các mẫu sản xuất sau này được lắp đặt trên khung gầm xe BAZ-69092 hiện đại, có khả năng cơ động linh hoạt và chạy đường trường. Đi cùng với pháo phản lực – tên lửa Uragan-1M là xe vận tải nạp đạn 9T249, cho phép nạp lại đạn nhanh chóng trong 2 đến 5 phút.

Một ưu thế lớn của Uragan-1M là đơn giản hóa công tác hậu cần, có được sự linh hoạt trong chiến đấu. Uragan-1M có thể sử dụng loại đạn cũ từ thời Liên Xô hoặc những loại đạn hiện đại và có tầm bắn hơn tùy theo yêu cầu nhiệm vụ.

Theo Army Recognition