Hàn Quốc phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo “quái vật” tầm trung Hyunmoo-V

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo chiến lược Hyunmoo-V tiên tiến nhất, do công ty Hanwha phát triển, được thiết kế để tấn công các căn cứ hầm ngầm quân sự kiên cố của Triều Tiên.

Hàn Quốc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hyunmoo. Ảnh minh họa Army Recognition
Hàn Quốc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo Hyunmoo. Ảnh minh họa Army Recognition

Theo tài khoản X (Twitter) Mason ngày 7/1/2024, Hàn Quốc vào tháng 12/2023 đã phóng thử nghiệm tên lửa chiến lược Hyunmoo-IV-1 và Hyunmoo-V. Tên lửa Hyunmoo-V có sức nổ mạnh tương đương 11 tấn TNT, có khả năng cơ động khi thâm nhập khí quyển (MaRV) và mang nhiều đầu đạn thứ cấp, có thể tấn công độc lập các mục tiêu khác nhau (MIRV).

Tên lửa Hyunmoo-IV-1 và Hyunmoo-V, còn được gọi là “Tên lửa hiệu suất cao” (HPM), được thiết kế để vô hiệu hóa những căn cứ quân sự, hầm ngầm dưới lòng đất. Tên lửa Hyunmoo-V có thiết kế độc đáo nhằm kích nổ ngay trên những căn cứ ngầm, vô hiệu hóa công trình bằng giải pháp chôn vùi sâu hầm ngầm trong lòng đất.

Tên lửa sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn mạnh, cho phép sử dụng cơ chế phóng lạnh. Đồng thời, tất cả các tên lửa đạn đạo Hyunmoo đều được trang bị hệ thống cơ động linh hoạt, được thiết kế để lượn tránh các hệ thống phòng không, có trong biên chế trang bị của Triều Tiên và các quốc gia khác.

Tên lửa Hyunmoo-V nặng 36 tấn và bay theo quỹ đạo parabol hẹp “quỹ đạo Lofted”, xuyên qua tầng ngoài vũ trụ sau đó quay trở lại bầu khí quyền để tăng cường khả năng xuyên phá. Hàn Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm các phương tiện bay hành trình siêu thanh, tập trung phát triển Phương tiện bay siêu thanh (HGV) được phóng lên quỹ đạo bằng Hyunmoo-V .

Các trang truyền thông mạng xã hội ước đoán Hàn Quốc hiện có trong kho dự trữ chiếm hơn 20 tên lửa Hyunmoo-V và chương trình sản xuất hàng loạt tên lửa dòng HPM đang được thực hiện. Hàn Quốc sử dụng thuật ngữ “Tên lửa siêu chính xác, hiệu suất cao” chứ không sử dụng các tên gọi quốc tế thông dụng hơn như IRBM (Tên lửa đạn đạo tầm trung) hoặc ICBM (Tên lửa đạn đạo liên lục địa).

Trang Chosun Ilbo cho biết, ngày 29/12/ 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik thông báo, quân đội Hàn Quốc đã phóng thử nghiệm thành công các tên lửa Hyunmoo-IV-1 và Hyunmoo-V nhưng không cho biết thời điểm tiến hành những vụ thử nghiệm này.

Theo các tin ngắn trên X (Twitter) của tài khoản M51.4ever ngày 7/1/2024, thông tin về những cuộc thử nghiệm tên lửa thường rò rỉ thông qua NOTAM (Thông báo cho các phi công và các hãng hàng không), được đưa ra để đảm bảo an toàn cho các máy bay trong vùng trời diễn ra các hoạt động liên quan đến tên lửa.

NOTAM được ban hành để thông báo cho phi công về các khu vực không phận bị hạn chế hoặc nguy hiểm, liên quan đến các vụ phóng thử nghiệm tên lửa. Những NOTAM này có các thông tin quan trọng như thời gian, tọa độ địa lý, giới hạn độ cao, thời lượng và những chi tiết khác về vùng trời bị hạn chế.

Phân tích của M51.4ever về NOTAM, được công bố ở Hàn Quốc trong tháng 12/2023 cho thấy, cuộc thử nghiệm Hyunmoo-V có thể đã được thực hiện vào ngày 26 hoặc 27/12. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên thao trường thử nghiệm gần làng Jeongjuk-Ri ở Bờ Tây, mục tiêu hướng vào nhóm đảo cách điểm phóng khoảng 185 km về phía Nam, một khoảng cách tương tự như với khoảng cách giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Nhưng cho đến nay, tên lửa của Hàn Quốc vẫn chưa được thử nghiệm trong các cuộc diễn tập chiến đấu.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đầu tư mạnh mẽ vào Hệ thống phòng thủ 3K, được thiết kế để ngăn chặn những vụ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, có khả năng đánh chặn đầu đạn ở độ cao lên tới 60 km. Dự kiến ​​thành lập vào năm 2024, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hàn Quốc sẽ điều hành và kiểm soát hệ thống phòng thủ kết hợp 3 phương án tác chiến chiến lược, tất cả đều bắt đầu bằng chữ 'K': Các thành phần “Chuỗi tiêu diệt”, Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD) ) và Kế hoạch trừng phạt và Phản kích quy mô lớn của Hàn Quốc (KMPR).

Các thành phần “Chuỗi tiêu diệt” đảm bảo khả năng phản ứng nhanh chóng trước các cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên, có nhiệm vụ tập trung phát hiện cuộc tấn công tiềm năng, tấn công vào các mục tiêu quan trọng như các hầm phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và kho lưu trữ tên lửa, đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, trước khi quân đội quốc gia này thực hiện phóng tên lửa. Các thành phần Chuỗi tiêu diệt “Kill Chain” có khả năng tấn công các xe vận tải phóng tên lửa cơ động trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được mệnh lệnh chiến đấu.

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Hàn Quốc (KAMD), chịu trách nhiệm đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, hình thành hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa nhiều lớp bảo vệ các cơ sở kinh tế - quốc phòng quan trọng và các trung tâm dân cư, vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không, từ máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV), tên lửa các loại và đạn pháo binh hạng nặng. Trong hệ thống KAMD, Tên lửa đất đối không tầm xa sản xuất trong nước (L-SAM) sẽ là vũ khí đánh chặn trọng tâm của hệ thống phòng không- phòng thủ tên lửa nhiều lớp.

Kế hoạch Trừng phạt và Phản kích quy mô lớn của Hàn Quốc (KMPR) là chiến lược răn đe ngăn chặn và phản công nhanh chóng trong tình huống diễn ra cuộc tấn công của Triều Tiên, bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường. Trong tình huống này, hệ thống phòng thủ 3K của Hàn Quốc sẽ lập tức thực hiện đòn phản công tổng hợp của các loại tên lửa độ chính xác cao, máy bay chiến đấu hiện đại và các lực lượng hoạt động đặc biệt, đồng loạt đánh vào tất cả các mục tiêu quan trọng như các căn cứ hầm ngầm, phương tiện vận chuyển phóng tên lửa và các trung tâm chỉ huy trung ương của Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ 3K được tích hợp nhiều đơn vị chiến đấu của các quân binh chủng khác nhau của lực lượng vũ trang Hàn Quốc với nhiều loại vũ khí trang bị tiên tiến như dòng tên lửa Hyunmoo của Bộ chỉ huy tên lửa chiến lược Quân đội (bao gồm cả Chuối tiêu diệt “Kill Chain” và KMPR), hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3, các phi đội tiêm kích đa nhiệm thế hệ năm F-35A với sự hỗ trợ của máy bay không người lái Global Hawk, các tàu ngầm lượng giãn nước 3.000 tấn của Hải quân với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, khu trục hạm KDX-III Aegis với tên lửa phòng không chiến hạm SM-2 cùng nhiều loại vũ khí trang bị khác. Các hệ thống vệ tinh trinh sát quân sự, tác chiến không gian mạng và các đơn vị lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc cũng được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ này.

Sau khi được đưa vào biên chế sẵn sàng chiến đấu, Hyunmoo-V sẽ là vũ khí trọng tâm trong kế hoạch hành động Trừng phạt và Phản kích quy mô lớn (KMPR) của Hàn Quốc. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, Hyunmoo-V được mệnh danh là "tên lửa quái vật" nhờ những tính năng kỹ chiến thuật ấn tượng của vũ khí. Tên lửa có lực đẩy 75 tấn, được trang bị đầu đạn có khối lượng lớn nhất thế giới, nặng tới 9 tấn, có khả năng đánh sập và chôn vùi các đường hầm và hầm ngầm ở độ sâu đến 100 mét và có hiệu ứng sóng xung kích tương tự như vũ khí hạt nhân chiến thuật.

hyunmoo-v-02-1717.jpg
Hệ thống xe vận tải phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hyunmoo-V của Hàn Quốc. Ảnh tài khoản Mason trên X (Twitter)

Một trong những đặc điểm đáng sợ của tên lửa là Hyunmoo-V còn có tốc độ lao xuống mục tiêu nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10). Hàn Quốc không công bố tầm bắn tối đa với độ chính xác cao của Hyunmoo-V nhưng các chuyên gia suy đoán, tên lửa có khả năng tấn công trên khoảng cách đến 3.000 km hoặc xa hơn, thuộc nhóm tên lửa tầm trung. Những thông số kỹ thuật của tên lửa như khối lượng đầu đạn và lực đẩy khiến Hyunmoo-V được cho là ICBM hai giai đoạn, tương tự như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman 3 (ICBM) của Mỹ.

Theo Army Recognition