Sự thật về nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20

VietTimes -- Chúng ta cũng đã có 44 năm sống trong hòa bình, 33 năm đổi mới, những quãng thời gian dài để các nền kinh tế trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tiến lên thế giới phát triển từ nghèo nàn và tàn phá bởi chiến tranh.
Mặc dù Việt Nam đã tiến những bước dài so với mình trong quá khứ, nhưng thách thức vẫn còn rất lớn khi so sách về sự phát triển với các quốc gia láng giềng.

Một nước Việt Nam hùng mạnh là giấc mơ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam, và trên con đường đến  tương lai có thể “sánh vai được với các cường quốc năm châu” ấy, như lời Bác Hồ dạy, chúng ta đôi lúc cũng nên nhìn lại chặng đường đã trải qua, để tự tin hơn, để rút được kinh nghiệm, và để tự hào với những gì cha ông đã làm được.

Đây là việc rất cần thiết vì có câu: Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác. Để đánh giá được bất cứ một cá nhân hay tập thể nào, người ta đều phải xem lại quá trình, xem lại điểm xuất phát và các yếu tố liên quan. Đó là phép tư duy biện chứng - nền tảng cho khoa học và kỹ thuật của loài người.

Xuất phát điểm quá thấp

Nguồn: Economic Divergence in East Asia: New Benchmark Estimates of Levels of Wages and GDP, 1913-1970 (Paul Valery University, Montpellier, and CEFI-CNRS, Aix-en-Provence, France and The Australian National University, Canberra, Australia)

Xét theo các con số thống kê lạnh lùng thì năm 1930, GDP đầu người của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều ở mức thấp nhất châu Á. Ngày đó Malaysia và Nhật Bản là hai quốc gia đứng đầu, với thu nhập đầu người cao hơn chúng ta nhiều lần. Các nước khác trong khu vực cũng đều có thu nhập cao hơn cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam.

Ngoài con số GDP quá thấp, thì người Việt Nam còn không được giáo dục cơ bản. Trên 90% dân số Việt Nam bị mù chữ.

Suốt thập niên 1930-1940, kinh tế cả hai miền gần như đi ngang và luôn ở mức thấp nhất khu vực; đến năm 1940 thì các nước khác đã vượt lên hẳn chúng ta, và sự thật là thu nhập đầu người ở miền Nam luôn cao hơn miền Bắc, khoảng gần gấp đôi.

Tuy nhiên, chưa bao giờ GDP đầu người của miền Nam Việt Nam có thể so sánh được với các cường quốc khu vực.

Ảnh hưởng của cuộc chiến chống Mỹ

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, một cuộc chiến bi thảm kéo dài và làm hàng chục triệu người chết, nền kinh tế của miền Bắc đạt được mức tăng trưởng cực cao, nhưng đến năm 1954 thì cả hai miền Nam Bắc lại suy sụp nghiêm trọng, do hậu quả của chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt sự can thiệp của người Pháp vào Việt Nam, nhưng dĩ nhiên nó cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế non yếu của chúng ta.

Từ năm 1954 đến năm 1970, có thể thấy GDP đầu người của miền Nam vẫn luôn cao hơn miền Bắc, nhưng khoảng cách không phải lớn, và nhanh chóng thu hẹp. Theo thống kê thì đến năm 1974, thu nhập đầu người của miền Bắc Việt Nam thực tế đã ngang với miền Nam. Nguyên nhân khá dễ hiểu: Do Mỹ rút quân khỏi miền Nam.

Nhìn trên đồ thị thời kỳ này, chúng ta có thể thấy rõ sự cất cánh đặc biệt của nền kinh tế Thái Lan và Nhật Bản, và các nền kinh tế khác là Hàn Quốc, Philippines, Malaysia,… cũng đều tăng trưởng ngoạn mục. Cuộc chiến ở Việt Nam đã kìm hãm chúng ta và tạo cơ hội cho các nước khác vượt lên nhanh chóng. Để nói về câu chuyện này thì còn cần nhiều bài viết nữa và không nằm trong khuôn khổ bài viết này.

Đến năm 1972, sau khi ném bom Hà Nội bằng pháo đài bay B52 và thất bại, người Mỹ đã chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam. Vào tháng 1 năm 1973, đại diện của Hoa Kỳ, Bắc và Nam Việt Nam, (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) đã ký Hiệp định hòa bình ở Paris, chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Sau sự kiện lịch sử đó, nền kinh tế miền Nam nhanh chóng suy sụp. Nguyên nhân đơn giản: Mất viện trợ và các khoản chi tiêu của hàng trăm ngàn lính Mỹ cũng như các hoạt động kinh tế chính thức và phi chính thức liên quan đến quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Nguồn: The Vietnam's Transition economy and its fledgling financial markets 1986 – 2003, University Libre De Bruxelles

Nhìn trên số liệu thống kê kinh tế, chúng ta có thể thấy những bài học rất rõ: GDP đầu người có liên quan trực tiếp đến các thời điểm quan trọng trong lịch sử đất nước như: ngày thành lập Đảng Cộng sản, ngày giành lại độc lập, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Mậu Thân, trận Điện Biên Phủ trên không và ngày thống nhất đất nước.

Chặng đường sau ngày thống nhất

Với xuất phát điểm quá thấp như vậy, Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khách quan. Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, chúng ta còn phải đương đầu với một nền kinh tế miền Nam nằm gần hết trong tay các tài phiệt Hoa kiều, nền công nghiệp dựa vào viện trợ và nhanh chóng suy sụp. Đó là chưa kể đến hàng loạt yếu tố khó khăn chủ quan, duy ý chí…

Thực tế thì Việt Nam chỉ mới thực sự thoát khỏi ảnh hưởng của các cuộc chiến từ ngày 03/02/1994, khi tổng thống Mỹ Bill Clinton ký lệnh dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Phải mất đến gần 20 năm sau ngày thống nhất đất nước chúng ta mới có thể nói lại làm ăn bình thường với thế giới.

Việt Nam là nước nghèo nhất, lại trải qua nửa thế kỷ chiến tranh giành độc lập, nên bị chậm chân, bỏ lỡ nhiều cơ hội và bi bỏ lại sau bởi các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau hơn ba thập kỷ đổi mới và mở cửa hòa nhập với kinh tế thế giới, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia mạnh trong khu vực, thu hẹp khoảng cách kinh tế với nhiều quốc gia lân cận. Khoảng cách về kinh tế giữa chúng ta và các quốc gia như Thái Lan và Malaysia cũng không còn quá xa xôi như trước đây.

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương). Lúc đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong lịch sử Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước, nhưng chúng ta cũng đã có 44 năm sống trong hòa bình, 33 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đưa đất nước mình từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia phát triển.

Nói như vậy để thấy, dù Việt Nam đã tiến những bước dài so với mình trong quá khứ, nhưng thách thức vẫn còn rất lớn khi so sách về sự phát triển với các quốc gia láng giềng.

Gần đây, có lãnh đạo của quốc gia khu vực đã lên tiếng lo lắng về một tương lai gần Việt Nam đuổi kịp và vượt họ. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, thì chỉ trong vòng 30 năm nữa, chúng ta có cơ hội bắt kịp các nước trong khu vực, ngoại trừ Singapore.

Nhìn lại chặng đường đã qua để thấy rằng chúng ta đã đi được một chặng đường rất dài, máu xương cha ông ta đổ xuống không vô ích, người Việt cũng thực sự có đủ khả năng để tự mình xây dựng một quê hương tươi đẹp khi có chính sách, tư duy tốt.

Tất nhiên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều lĩnh vực phải cải thiện để hiện thực hóa khát vọng, chúng ta có thể vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế sau 30 năm nữa.