Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống lũng đoạn ngân hàng

E-magazine Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống lũng đoạn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không còn là những phán đoán, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã “mở toang” cánh cửa để lần đầu tiên, giới quan sát được nhìn rõ cấu trúc sở hữu tại các ngân hàng.

Vụ án SCB – Vạn Thịnh Phát để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc xem xét chấn chỉnh, kiểm soát mối quan hệ giữa các ông chủ tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng là chủ ngân hàng trở nên cấp bách.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát mối quan hệ đó, bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và giới hạn cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, còn đối với cổ đông là tổ chức không được vượt quá 10%. Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Từ những số liệu các ngân hàng công bố, nhóm phóng viên VietTimes đã thu thập dữ liệu để làm sáng rõ mối quan hệ giữa một số chủ tập đoàn kinh tế tư nhân với ngân hàng mà các ông chủ này đang sở hữu hoặc có thể chi phối thông qua những người “đại diện”. Từ thực tế này, VietTimes cùng các chuyên phân tích và đề xuất các giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc lũng đoạn ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 14.

Tạp chí VietTimes khởi đăng loạt bài: Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống “lũng đoạn ngân hàng".

Bài 2: Rủi ro từ mối quan hệ thân hữu Geleximco - ABBank

Bài 3: Hệ sinh thái Masterise và dấu ấn của Techcombank

Bài 4: Mối quan hệ "bí ẩn giữa Ngân hàng Hàng Hải và ROX group

Blue And Yellow Modern Training And Development Presentation (18).jpg

Hệ thống ngân hàng tư nhân Việt Nam đã được hình thành không lâu sau Đổi mới. Trải qua 15 – 20 năm tiếp theo trong sự đổi thay liên tục về quy mô, cấu trúc, cho đến khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, trạng thái ổn định đã được thiết lập.

Một trong những biểu hiện của trạng thái ổn định đó là chủ sở hữu. Khá nhiều ngân hàng tư nhân hiện nằm trong tay một số cổ đông, nhóm cổ đông mà sự biểu đạt ra bên ngoài là sự kết đôi giữa ngân hàng và doanh nghiệp có cùng một chủ sở hữu.

Tuy nhiên, về cơ bản, sự hiểu biết của công chúng đối với chủ sở hữu các ngân hàng là khá “khiêm tốn”, thậm chí là ngầm hiểu. Bởi báo cáo công khai của các ngân hàng chỉ đề cập tới tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn, thường là cổ đông tổ chức, cùng với tỷ lệ sở hữu của các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành và người/tổ chức có liên quan. Điều đó không thể hiện được hết quyền lực thực sự của các gia tộc đang chi phối các ngân hàng.

Blue And Yellow Modern Training And Development Presentation (17).jpg

Phải tới khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 ra đời, các ngân hàng bắt buộc công bố thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên, đi cùng là sự mở rộng khái niệm “người có liên quan” (bao gồm cả: cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ/chồng, con rể, anh chị em vợ/chồng, anh chị em dâu, ông bà nội ngoại, cô dì chú bác…) thì bức tranh sở hữu tại các ngân hàng mới trở nên sáng rõ.

Theo đó, thị trường chỉ có một số ít ngân hàng sở hữu cơ cấu cổ đông “đồng đều” như MB, LPBank. Cụ thể, tại MB, không có cổ đông cá nhân nào nắm giữ trên 1% vốn điều lệ. 2 cổ đông lớn nhất là Viettel (19%) và SCIC (9,8%).

Còn tại LPBank, chỉ có 2 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ là VNPost (6,54%, cộng với người có liên quan nắm chưa tới 0,09%) và ông Nguyễn Đức Thụy - chủ tịch HĐQT (2,765%, cộng người có liên quan nắm chỉ 0,0002%). Như vậy, 2 ngân hàng này được sở hữu đa số bởi các cổ đông nhỏ lẻ.

Ngược lại, khá nhiều ngân hàng có cơ cấu sở hữu cô đặc khi chỉ một số ít cổ đông và người có liên quan nắm giữ phần lớn vốn điều lệ ngân hàng, tiêu biểu như: VPBank, Techcombank, OCB, ABBank, MSB…

Cụ thể, VPBank có 17 cổ đông đang nắm gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn ngân hàng này. Trong đó, 4 cổ đông tổ chức sở hữu 23,4% và 13 cổ đông cá nhân giữ hơn 40,8%.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,14%. Người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu, tương đương sở hữu 29,5% vốn điều lệ.

Như vậy, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank trong khi tỷ lệ sở hữu công bố cuối năm 2023 tại báo cáo quản trị theo Luật Chứng khoán là 13%. Sự khác biệt lớn này một phần do quy định mới mở rộng hơn về "những người có liên quan” như đề cập ở trên.

TỶ LỆ SỞ HỮU VP BANK.jpg
Tính đến tháng 8/2024, Chủ tịch Ngô Chí Dũng và người có liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank. Đồ họa: Tùng Lâm.

Tại Techcombank, 13 cổ đông (7 cá nhân, 6 tổ chức) nắm giữ tới 1,84 tỷ cổ phiếu TCB, tương đương 52,265%. Trong đó, hầu hết cá nhân nắm giữ trên 1% vốn đều là người có liên quan của ông Hồ Hùng Anh - chủ tịch HĐQT cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ.

Cụ thể, cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là bà Thanh Thuỷ với hơn 174 triệu cổ phiếu, tức 4,943% vốn ngân hàng. Người có liên quan của bà Thuỷ sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 27,8% vốn ngân hàng.

Như vậy, tổng cộng gần 33% vốn nhà băng tư nhân này do nhóm cổ đông của vợ chủ tịch sở hữu. Trong khi đó, ông Hồ Hùng Anh nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,116%. Hai người con là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh mỗi người nắm giữ gần 4,9% vốn, người con còn lại là Hồ Minh Anh sở hữu hơn 2%.

Tại OCB, tình trạng cũng tương tự khi 20 cổ đông nắm giữ tới 80,6% vốn điều lệ, trong đó có 13 cổ đông tổ chức nắm 55,8% và 7 cổ đông cá nhân nắm 24,8%. Riêng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan là 19,9%.

Tại MSB, quyền lực của “nữ tướng” Nguyễn Thị Nguyệt Hường thể hiện rõ nét thông qua nhóm pháp nhân liên quan trực tiếp tới ROX Group như: Công ty Cổ phần ROX Key Holdings, Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons và Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL. Nhóm này đang nắm giữ hơn 138,8 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 5,38%. Tính cả người có liên quan, tỷ lệ sở hữu của nhóm này là 8,02%.

Bên cạnh đó, nhóm khác có liên quan đến ROX Group như: Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài, Công ty TNHH Công nghệ Xanh Hà Nội và Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư cũng sở hữu tổng cộng 14,92%. Như vậy, cộng một cách cơ học, số cổ phần của nhóm công ty liên quan trực tiếp, gián tiếp và người có liên quan của ROX Group là 22,93%.

TỶ LỆ SỞ HỮU VP BANK (6).jpg
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 giúp bức tranh sở hữu tại các ngân hàng trở nên sáng rõ hơn. Đồ họa: Tùng Lâm.

Tại ABBank, dù không trực tiếp xuất hiện trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1%, song những người và tổ chức có liên quan đến ông Vũ Văn Tiền lại đang sở hữu lượng lớn cổ phần.

Cụ thể, ông Vũ Văn Hậu, em ruột của ông Vũ Văn Tiền, đang nắm giữ 1,96%, đồng thời người có liên quan đến ông Hậu nắm giữ 15,45%. Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp của ông Tiền cũng đang sở hữu tổng cộng hơn 17% cổ phần ABBank. Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm giữ 12,78% và người có liên quan sở hữu 4,65%. Còn Công ty Cổ phần Glexhomes giữ 4,42% vốn và người có liên quan sở hữu 0,03%.

Về phần ông Tiền, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông đang nắm hơn 4 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 0,37% vốn. Ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, đồng thời là em rể ông Tiền, cũng sở hữu hơn 8 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 0,8% vốn. Như vậy, tổng số cổ phần ông Vũ Văn Tiền và người thân cùng các tổ chức liên quan đang nắm giữ là 40,26%.

Giá trị (2).jpg
Nhiều ngân hàng là đối tác tín dụng của các doanh nghiệp cùng hệ sinh thái. Đồ họa: Tùng Lâm.

Ở một cấp độ có phần “nhẹ” hơn các đơn vị nêu trên, tại một số ngân hàng như VietABank, PGBank… “giới chủ” dẫu không áp đảo về tỷ lệ sở hữu, song vẫn có quyền lực rất đáng kể.

Cụ thể, tại VietABank, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 65,9 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 12,21 vốn ngân hàng. Người có liên quan cổ đông này sở hữu 41,18 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,63% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, Việt Phương Group là “cơ nghiệp” của doanh nhân Phương Hữu Việt, người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank trước khi chuyển giao vị trí này cho cháu ruột là ông Phương Thành Long.

Hiện, Việt Phương Group do bà Phương Minh Huệ làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Huệ là chị gái của ông Phương Xuân Thuỵ, cựu Phó Chủ tịch HĐQT VietABank.

Danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của VietABank ghi nhận ông Phương Hữu Việt sở hữu 24,55 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,55% vốn ngân hàng. Người có liên quan của ông Việt cũng đang nắm 75,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,05% vốn. Như vậy, tổng cộng số cổ phiếu ông và người có liên quan chiếm tới 18,6% vốn VietABank - vượt trần quy định của Luật Các tổ chức tín dụng mới.

Một trường hợp khá thú vị khác là PGBank, khi thời gian qua thị trường liên tục đồn đoán về “tay chơi” mới tại nhà băng này sau khi 2 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex cùng với nhóm nhà đầu tư liên hệ với ROX Group thoái vốn hồi năm 2023. PGBank cũng là nhà băng có tỷ lệ cô đặc hàng đầu khi chỉ 16 cổ đông nắm giữ tới 97,4% vốn ngân hàng.

Theo danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn, 3 tổ chức gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức đang nắm giữ gần 168 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn ngân hàng. Đây cũng là số cổ phần trị giá 2.568 tỷ đồng nhóm này mua tại buổi đấu giá của Petrolimex.

TỶ LỆ SỞ HỮU VP BANK (3).jpg
Cơ cấu cổ đông PGBank tính đến ngày 19/9/2024. Đồ họa: Tùng Lâm.

Dữ liệu cho thấy 3 đơn vị trên từng ít nhiều có mối liên hệ với Tập đoàn Thành Công (TC Group). Chẳng hạn, Quốc tế Cường Phát có vốn điều lệ 8 tỷ đồng được thành lập năm 2015, do ông Nguyễn Văn Mạnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc. Ông Mạnh cũng nắm 50% vốn công ty.

Ông Mạnh còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên ít biết trong hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ của gia đình Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn. Theo đó, PL Iro được vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn, sáng lập và sở hữu vốn.

Ngày 20/4/2023, Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ tốc biến lên 882 tỷ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.

Hay Thương mại Vũ Anh Đức hiện có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trước đây do ông Vũ Văn Nhuân làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nhuân từng được biết trong vai trò đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng - một thành viên của TC Group.

Thành Công Việt Hưng được sáng lập và sở hữu vốn bởi chính những thành viên nổi bật nhất của TCGroup, như CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%), Công ty TNHH TCG Land (15%).

St1-bank.jpg

Việc các ngân hàng tư nhân “nằm trong tay” một số cổ đông/nhóm cổ đông có thể xem là một “vấn đề để lại của lịch sử”, biểu hiện cho một giai đoạn khốc liệt trên thị trường ngân hàng. Và dẫu cho tới thời điểm này, sự vận hành của hệ thống ngân hàng tư nhân vẫn tương đối mượt mà, thì vẫn không thể phủ nhận rằng tình trạng đó hàm chứa những rủi ro không nhỏ cho nền kinh tế.

Nói với VietTimes, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho hay khi một chủ tịch HĐQT có khả năng thao túng ngân hàng thì họ có thể cho các nhóm sân sau vay mà không cần tài sản bảo đảm, cho vay với lãi suất thấp, trường hợp rơi vào nợ xấu thì ngân hàng cũng không giải quyết quyết liệt.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (16).jpg

Bởi vậy, việc mở rộng khái niệm “người có liên quan” đi cùng việc “áp trần” tỷ lệ sở hữu của cổ đông, cổ đông và người có liên quan mang ý nghĩa lớn của việc hạn chế rủi ro, trực tiếp là hạn chế tình trạng doanh nghiệp sân sau chi phối hoạt động ngân hàng, như điều mà chúng ta đã thấy ở trường hợp SCB – Vạn Thịnh Phát.

Tất nhiên, việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu là không đơn giản. TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, khi trao đổi với VietTimes đã nhấn mạnh đến khả năng các “ông chủ” ngân hàng thực thụ có thể “ẩn mình” bằng nhiều cách, ví như nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần.

Do đó, nhà quản lý cần nhiều hơn một giải pháp có tính khuôn phép như Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi để đảm bảo hiệu quả kiểm soát, qua đó giữ vững sự an toàn của hệ thống cũng như sự ổn định vĩ mô, nhằm mục tiêu chung đưa nền kinh tế quốc dân phát triển lành mạnh, bền vững.

Đế chế kinh doanh nào cũng cần “máy bơm vốn”. Do đó, các tập đoàn lớn ở Việt Nam thường liên kết chặt chẽ với một ngân hàng nào đó. Trường hợp của Tập đoàn Geleximco và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là một trong số này.

Trong bài viết tiếp theo thuộc tuyến bài: "Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống lũng đoạn ngân hàng", VietTimes sẽ phân tích về hệ sinh thái liên quan ABBank và quyền lực của đại gia Vũ Văn Tiền thông qua lượng cổ phần ngân hàng đứng tên các tổ chức, cá nhân liên quan đại gia này.