Ngân hàng vào mùa chia cổ tức “giấy”

Cuối tháng 4 năm nay, TPHCM nóng vì nhiệt độ ngoài trời cao, nhưng trong hội trường đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng còn tỏ ra “nóng” hơn.

Do quy mô tầm cỡ hơn nhiều lần so với doanh nghiệp trong nhiều ngành khác, đóng vai trò ngày càng trọng yếu trong phát triển kinh tế, các ngân hàng hiện có hàng trăm ngàn cổ đông, nhà đầu tư. Chỉ riêng hàng triệu nhà đầu tư chứng khoán niêm yết, thử hỏi có nhà đầu tư nào chưa từng giao dịch bất kỳ cổ phiếu ngân hàng?

Mối quan tâm hàng đầu của cổ đông ngân hàng hiện nay là cổ tức. Hầu hết các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hãn hữu mới có ngân hàng chia cổ tức tiền mặt, mà tỷ lệ cũng thấp. Lý do là tổ chức tín dụng nào cũng muốn tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu. Cho nên chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn vốn thặng dư, từ lợi nhuận để lại là gọn nhất. Tóm lại mùa đại hội năm nay, cổ đông ngân hàng nhận “giấy”, không được nhận tiền mặt.

Ấy là tăng vốn, nhờ đó có điều kiện tăng hạn mức tín dụng, các chỉ số an toàn đảm bảo, huy động vốn sẽ tốt hơn, lợi nhuận sẽ cải thiện. Ngoài ra lại còn được tiếng là chấp hành nghiêm túc quy định của cơ quan quản lý đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống.

Chỉ có cổ đông nhà nước, mà đại diện là Bộ Tài chính là không hài lòng với việc chia cổ phiếu “giấy”. Lý do vì sao thì cả thị trường biết cả. Bộ Tài chính muốn VietinBank, Vietcombank, BIDV chia cổ tức tiền mặt để phần của Nhà nước được nộp về ngân sách.

Mỗi năm, nguồn thu cổ tức từ các ngân hàng của ngân sách lên tới hàng ngàn tỉ đồng, đâu phải ít. Thí dụ đại hội đồng cổ đông năm ngoái của VietinBank biểu quyết chia cổ tức 7%, năm nay biểu quyết thông qua chia 8,03%. Cổ đông nhà nước sẽ nhận được tổng cộng 5.560 tỉ đồng nếu chia cả hai năm bằng tiền.

Nhà nước đang sở hữu gần 65% cổ phần VietinBank, cổ đông nhỏ lẻ có lên tiếng khác đi cũng chả được. Bởi thế VietinBank đang xin cổ đông nhà nước cho chia cổ tức bằng cổ phiếu, đặng còn tăng vốn.

Gần sáu năm nay, kể từ năm 2013, VietinBank chưa tăng được đồng vốn điều lệ nào, vẫn giữ nguyên 37.000 tỉ đồng. Cứ theo Thông tư 41 của NHNN mà thực hiện, thì tới đây hệ số an toàn vốn của VietinBank sẽ tụt về 8%, thấp hơn quy định hiện hành là 9%. VietinBank cũng không thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho bất kỳ đối tác nào vì phát hành như thế sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, chắc chắn Nhà nước không đồng ý. Còn phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá, Nhà nước phải nộp tiền, Nhà nước đời nào chịu.

Thực ra cũng có cách đấy. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở BIDV và Vietcombank vẫn còn cao lắm, nhất là tại BIDV, Nhà nước nắm giữ tới 95,28%. Giả sử Nhà nước thoái bớt 10% vốn ở BIDV, rồi dùng một phần tiền ấy để nộp tiền mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá ở VietinBank, xem ra cũng không bất hợp lý. Tất nhiên để làm được như thế, giá thoái vốn của Nhà nước ở BIDV cũng phải theo thị trường, chứ không phải giá kèm theo vô số điều kiện.

Nhìn lại, nếu chục năm trước Nhà nước chấp nhận thoái vốn Vietcombank cho nước ngoài, thì lúc bấy giờ đã được giá cao hơn giá mà sau này Vietcombank bán cổ phần cho Mizuho Nhật Bản.

Tiền nhà nước ở BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, ở đâu cũng là tiền ngân sách cả. Điều tiết nguồn vốn khổng lồ ấy sao cho khéo để tiền đẻ ra tiền và ngân sách có lợi nhất là trách nhiệm của Bộ Tài chính. NHNN ủng hộ các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng Bộ Tài chính mà lắc đầu, thì NHNN cũng đành “bó tay”.

Khác mọi năm, năm nay các ngân hàng đang nhen nhóm hy vọng sau mùa đại hội, “suy nghĩ” của Bộ Tài chính sẽ thoáng, sẽ mở vì kết quả thu ngân sách quí 1 vừa qua vượt dự toán và cao hơn nhiều cùng kỳ, trong khi chi ngân sách đang được kiểm soát và thặng dư thu chi đang khả quan.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định vấn đề của ngân sách không nằm ở khâu thu, mà ở khâu chi. Khách quan mà nói thông tin về chi ngân sách ít chi tiết hơn hẳn so với tin tức về thu ngân sách. Dạo này doanh nghiệp nào nợ thuế là bị bêu tên ngay. Nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng bị truy thu thuế, bị nộp phạt thuế, mà cứ có vi phạm về thuế là cổ phiếu ra khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ. Doanh nghiệp nào mà không e dè.

Thành ra cổ đông ngóng tin đại hội của các ngân hàng vì cổ tức, còn ngân hàng lại ngóng Bộ Tài chính để được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thế mới biết đâu là sự khác biệt giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và cổ đông chi phối của hệ thống ngân hàng.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/288018/Ngan-hang-vao-mua-chia-co-tuc-giay.html