Hệ sinh thái Masterise Group và "dấu ấn" của giới chủ Techcombank

E-magazine Hệ sinh thái Masterise Group và "dấu ấn" của giới chủ Techcombank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đằng sau sự trỗi dậy của “đế chế” Masterise – thương hiệu bất động sản liên tục phát triển thâu tóm những dự án đắc địa và ra mắt những tổ hợp siêu sang, với mức giá thuộc nhóm cao nhất thị trường là "dấu ấn" đậm nét của giới chủ Techcombank.

Vụ án SCB – Vạn Thịnh Phát để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc xem xét chấn chỉnh, kiểm soát mối quan hệ giữa các ông chủ tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng là chủ ngân hàng trở nên cấp bách.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát mối quan hệ đó, bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và giới hạn cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, cổ đông là tổ chức không được vượt quá 10%. Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Từ những số liệu các ngân hàng công bố, nhóm phóng viên VietTimes đã thu thập dữ liệu để làm sáng rõ mối quan hệ giữa một số chủ tập đoàn kinh tế tư nhân với ngân hàng mà các ông chủ này đang sở hữu hoặc có thể chi phối thông qua những người “đại diện”. Qua loạt bài: "Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống “lũng đoạn ngân hàng", VietTimes cùng các chuyên gia phân tích và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn việc lũng đoạn ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 14.

Bài 1: Phác thảo bức tranh sở hữu ngân hàng tại Việt Nam

Bài 2: Rủi ro từ mối quan hệ thân hữu Geleximco - Ngân hàng An Bình

Blue And White Modern Company Profile Presentation (1).png

Được xem là ngân hàng tư nhân lớn mạnh nhất Việt Nam hiện nay, Techcombank (HoSE: TCB) được biết đến là cơ nghiệp của ông Hồ Hùng Anh và người thân, dù cho những đồng sở hữu khác đều là những doanh nhân hết sức tầm cỡ như Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Eurowindow Holdings Nguyễn Cảnh Sơn.

Nguyên do là tại Techcombank, những cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ hầu như đều là người có liên quan Chủ tịch Hồ Hùng Anh.

Tại Techcombank, cá nhân sở hữu nhiều cổ phiếu nhất là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, vợ ông Hồ Hùng Anh, với hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 4,943%. Người có liên quan của bà Thuỷ sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 27,8%. Như vậy, tổng cộng gần 33% vốn Techcombank này do nhóm cổ đông của vợ ông Hồ Hùng Anh sở hữu.

Còn ông Hồ Hùng Anh nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,116%. Hai người con là Hồ Anh Minh, Hồ Thủy Anh mỗi người nắm giữ gần 4,9% vốn, người con còn lại là Hồ Minh Anh sở hữu hơn 2%.

TỶ LỆ SỞ HỮU VP BANK (4).jpg
Đồ họa: Xuân Lực.

Là ngân hàng lớn mạnh hàng đầu, không khó hiểu khi Techcombank có “mối liên hệ mật thiết” với một tập đoàn về bất động sản. Và tập đoàn địa ốc gắn liền với Techcombank là Masterise Group, đơn vị đang sở hữu danh mục dự án đồ sộ từ Bắc vào Nam, nổi bật là: The Grand, Masteri West Heights, Lumiere Evergreen, Masteri Waterfront, Lumiere SpringBay Ocean Park 2, Masteri Grand Avenue (Hà Nội), Grand Maria, Global City, Lumiere Boulevard, Lumiere Riverside (TP.HCM)…

Mặc dù mới nổi lên trong khoảng 5 năm trở lại đây, song trên thực tế, Masterise Group đã xuất hiện từ khá sớm trên thị trường bất động sản. Tiền thân của tập đoàn này là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (TDI) được thành lập vào năm 2007, song tới năm 2016, TDI mới “trình làng” dự án đầu tay mang tên Masteri Thảo Điền.

Đây cũng là lúc bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974), từng được biết đến là Giám đốc chi nhánh miền Nam của Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS, công ty con của Techcombank), thành viên Ban đại diện Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam – đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT của TDI. Khi đó, TDI có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Năm 2019, TDI đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, đồng thời khởi động cho quá trình tăng vốn, từ 1.000 tỷ đồng (2016) lên 1.423 tỷ đồng (tháng 5/2020) rồi 2.423 tỷ đồng (tháng 10/2020).

Cũng từ 2019, một nhóm doanh nghiệp mang “họ” Masterise được ra đời, có thể kể đến như: Công ty TNHH Phát triển bất động sản Masterise Homes, Công ty Cổ phần phân phối Masterise Retail, Công ty TNHH môi giới Masterise Agents, Công ty TNHH dịch vụ và quản lý bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH dịch vụ khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty quản lý bất động sản Masterise Property, Công ty TNHH Masterise Luxury Lifestyle.

Masterise Homes (3).jpg
Đồ họa. Xuân Lực

Ban đầu, hầu hết các công ty trên có vốn điều lệ khởi điểm chỉ 20 tỷ đồng, phần nhiều do bà Nguyễn Hương Liên đại diện phần vốn góp. Bà Liên là vợ ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hồ Hùng Anh. Ông Ngọc từng giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group giai đoạn 2011-2012 và hiện đang là Phó chủ tịch Techcombank.

Sau khi khởi tạo nhóm doanh nghiệp trên, bà Nguyễn Hương Liên đã chuyển giao cho các nhân vật khác trong Masterise Group như Phan Thị Ánh Tuyết, Trần Quốc Hoài… qua đó cắt đứt sợi dây liên hệ cá nhân giữa giới chủ Techcombank và tập đoàn này.

Cũng từ giai đoạn này trở đi, Masterise Group bắt đầu vươn tay thâu tóm một loạt dự án lớn từ Bắc vào Nam như: The Grand (từ tay Tân Hoàng Minh), Global City (từ tay Him Lam) hay Grand Maria, 87 Cống Quỳnh (từ tay Alpha King)..

Blue And White Modern Company Profile Presentation (1).png

Để có nguồn lực thâu tóm các dự án, Masterise Group đã huy động một lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, có ít nhất 7 doanh nghiệp có liên quan đến Masterise phát hành trái phiếu.

Một là nhóm doanh nghiệp liên quan đến dự án The Global City (trước có tên dự án Sài Gòn Bình An). Cụ thể, SDI Corp cho đến hiện tại vẫn lưu hành lô trái phiếu SDICB2124001 có giá trị 6.574,6 tỷ đồng, phát hành ngày 15/12/2021, kỳ hạn 3 năm. SDI Corp không thông tin về mục đích phát hành cũng như tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu. Trong năm 2022 – 2023, công ty đã trả 657 tỷ đồng/năm và 329 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 cho lô trái phiếu này.

Với Hoa Phú Thịnh, công ty này đã phát hành lô trái phiếu HPTCB2125001 ngày 30/7/2021 trị giá 3.130 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Hoàng Phú Vương phát hành lô trái phiếu HPVCB2125001 ngày 30/7/2021 kỳ hạn 4 năm, giá trị 4.670 tỷ đồng.

Còn Osaka Garden phát hành 2 lô trái phiếu: OSGCB21220001 trị giá 3.400 tỷ, phát hành 30/7/2021 kỳ hạn 1 năm; OSGCB2123002 phát hành ngày 4/10/2021, trị giá 4.300 tỷ, kỳ hạn 2 năm.

Các lô trái phiếu của Hoa Phú Thịnh, Hoàng Phú Vương, Osaka Garden có điểm chung là đều nhằm mục đích nhận chuyển nhượng một phần dự án The Global City. Tài sản đảm bảo là động sản, quyền tài sản liên quan đến một phần dự án và cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông SDI Corp.

Trong cả ba thương vụ phát hành, tổ chức tư vấn đều là Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS), bên nhận tài sản đảm bảo là Techcombank. Tính chung 3 công ty này, tổng giá trị trái phiếu huy động về để phục vụ cho nhận chuyển nhượng một phần dự án The Global City đã được công bố lên tới 15.500 tỷ đồng.

Với dự án Grand Maria, đơn vị phát hành trái phiếu là Công ty TNHH Capitaland Tower. Cụ thể, ngày 25/7/2023, công ty này đã phát hành 4 lô trái phiếu gồm: CPLCB2328001 trị giá 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm; CPLCB2328002 trị giá 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm; CPLCB2328003 trị giá 4.830,5 tỷ, kỳ hạn 5 năm; và CPLCB2328004 trị giá 2.409,3 tỷ, kỳ hạn 5 năm. Tổng giá trị 4 lô trái phiếu lên tới 12.239,8 tỷ đồng. Đáng nói, các lô trái phiếu này đều không có thuyết minh mục đích cũng như tài sản bảo đảm.

Với dự án 87 Cống Quỳnh, Công ty Đầu tư Voyage ngày 15/4/2021 đã phát hành 1 lô trái phiếu mang kí hiệu VAICB2125001 kỳ hạn 4 năm, trị giá 2.300 tỷ đồng. Trong cùng thời điểm đó, Công ty Đầu tư Golden Hill cũng phát hành 1 lô trái phiếu mang kí hiệu GHICB2124001, kỳ hạn 3 năm, giá trị 5.760 tỷ đồng với mục đích trả một phần khoản phải nợ cho đối tác liên quan việc thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư với dư nợ gốc 8.054 tỷ đồng. Đóng vai tư vấn cho thương vụ này vẫn là TCBS và bên nhận tài sản bảo đảm vẫn là Techcombank.

Bên cạnh việc thu xếp cho các thương vụ phát hành trái phiếu, Techcombank còn đóng vai trò là “máy bơm” vốn cho nhiều doanh nghiệp trong nhóm Masterise, trong đó có những doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu.

Điển hình như Công ty TNHH Capitaland Tower, năm 2020 phát sinh quan hệ tín dụng với Techcombank, tài sản bảo đảm liên quan dự án The Sun Tower - một phần của khu phức hợp Grand Maria tại TP.HCM. Hay SDI Corp, năm 2021 cũng có quan hệ tín dụng với Techcombank, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án The Global City tại TP. Thủ Đức.

Các pháp nhân quan trọng khác như Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, Công ty TNHH Phát triển bất động sản Masterise Homes, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Elegance (đơn vị tham gia việc thâu tóm Grand Maria), Công ty cổ phần Thời đại mới T&T (chủ đầu tư dự án The Grand)… cũng có lịch sử quan hệ tín dụng nhiều hơn một lần với Techcombank.

can-ho-masteri-thao-dien-3-1.jpg
Hồi năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise đã phát sinh quan hệ tín dụng với Techcombank mà tài sản bảo đảm liên quan đến dự án Masteri Thảo Điền.

Chẳng hạn như với Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise, hồi năm 2018, doanh nghiệp này đã phát sinh quan hệ tín dụng với Techcombank mà tài sản bảo đảm liên quan đến dự án Masteri Thảo Điền. Hoặc như Công ty TNHH Phát triển bất động sản Masterise Homes vào năm 2021 cũng có quan hệ tín dụng với Techcombank, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án khu dân cư và công viên Phước Thiện, phường Long Bình và phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức.

Điều đáng nói là trong số các doanh nghiệp có mối quan hệ tín dụng với Techcombank nêu trên, không ít đơn vị có tình hình kinh doanh yếu kém. Như với SDI Corp, doanh nghiệp này đã lỗ triền miên từ năm 2021 đến năm 2023 với mức lỗ sau thuế lần lượt là: -153 tỷ đồng, -2.935 tỷ đồng, -103 tỷ đồng.

Chung cảnh ngộ là Capitaland Tower với mức lỗ sau thuế giai đoạn 2022 – 2023 lần lượt là: -755 tỷ đồng và -2.682 tỷ đồng. Bán niên 2024, công ty báo lỗ tiếp 38 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 176 tỷ đồng).

Sức khoẻ tài chính của các đơn vị này cũng “đáng báo động”. SDI Corp trong giai đoạn 2021 - 2023 đã chứng kiến vốn chủ sở hữu giảm tới 82%, chỉ còn 653 tỷ đồng, vì liên tục thua lỗ. Trong khi đó, quy mô nợ phải trả tăng 31%, lên tới 102.992 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng tương ứng từ 21,32 lần lên 156,29 lần.

Với Capitaland Tower, tình hình cũng chẳng khá hơn. Từ năm 2022 đến giữa năm 2024, vốn chủ sở hữu của công ty đã giảm một mạch từ 1.921 tỷ đồng xuống mức -800 tỷ đồng, kéo hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý II/2024 lên mức 22,1 lần, tương đương với khoản nợ phải trả đạt tới 17.675 tỷ đồng.

Có thể nói, sự nổi lên của Masterise Group có dấu ấn đậm nét với Techcombank. Cả 2 đều thể hiện sự lớn mạnh của mình trên cả hai thị trường ngân hàng và bất động sản.

Dù gặt hái không ít thành công, song những doanh nghiệp trong và liên quan đến hệ sinh thái Masterise Group tồn tại mối quan hệ tài chính khá khăng khít, đòi hỏi một sự lưu ý giám sát chặt chẽ hơn từ phía nhà quản lý, để đảm bảo sự an toàn cho thị trường.