Mối quan hệ “bí ẩn” giữa Ngân hàng Hàng Hải và Tập đoàn ROX Group

E-magazine Mối quan hệ “bí ẩn” giữa Ngân hàng Hàng Hải và Tập đoàn ROX Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ lâu, giới quan sát đều biết rằng Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) có mối quan hệ “thân thiết” với hệ sinh thái đa ngành ROX Group (chuyển đổi tên thương hiệu từ TNG Holding Việt Nam) của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT.

Vụ án SCB – Vạn Thịnh Phát để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc xem xét chấn chỉnh, kiểm soát mối quan hệ giữa các ông chủ tập đoàn tư nhân, đồng thời cũng là chủ ngân hàng trở nên cấp bách.

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 đã tiến thêm một bước trong việc kiểm soát mối quan hệ đó, bằng cách yêu cầu các ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ và giới hạn cổ đông là cá nhân không được phép sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, cổ đông là tổ chức không được vượt quá 10%. Ngoài ra, cổ đông và người có liên quan cũng không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Từ những số liệu các ngân hàng công bố, nhóm phóng viên VietTimes đã thu thập dữ liệu để làm sáng rõ mối quan hệ giữa một số chủ tập đoàn kinh tế tư nhân với ngân hàng mà các ông chủ này đang sở hữu hoặc có thể chi phối thông qua những người “đại diện”. Qua loạt bài: "Từ lộ diện giới chủ đến giải pháp chống “lũng đoạn ngân hàng", VietTimes cùng các chuyên gia phân tích và đề xuất các giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn việc lũng đoạn ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 14.

Bài 1: Phác thảo bức tranh sở hữu ngân hàng tại Việt Nam

Bài 2: Rủi ro từ mối quan hệ thân hữu Geleximco - Ngân hàng An Bình

Bài 3: Hệ sinh thái Masterise Group và "dấu ấn" Techcombank

8.png

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch HĐQT ROX Group) là doanh nhân Trần Anh Tuấn đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT từ năm 2012 đến nay và nắm lượng cổ phần khiêm tốn.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, ông Trần Anh Tuấn chỉ sở hữu 16,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,84% vốn MSB. Trong khi đó, vợ ông không sở hữu bất kỳ % cổ phiếu MSB nào.

Thoạt nhìn có thể thấy, bà Hường không liên quan gì tới MSB ngoại trừ có chồng là chủ tịch nhà băng này. Và với lượng cổ phần ít ỏi ông Tuấn nắm giữ tại MSB, cảm tưởng vợ chồng bà ông Anh Tuấn và bà Nguyệt Hường không có nhiều quyền lực tại MSB. Song trên thực tế, “cái bóng quyền lực” của bà Hường lại rất lớn, thể hiện gián tiếp qua ROX Group, khi bà đang là Chủ tịch tập đoàn này.

Masterise Homes (11).jpg
Đồ họa: Xuân Lực

Theo danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ, nhóm công ty trực thuộc ROX Group gồm Công ty Cổ phần ROX Key Holdings, Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons và Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (hiện đã sáp nhập vào là ROX Living) đang nắm giữ hơn 138,8 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 5,38% vốn ngân hàng. Tính cả người có liên quan, tỷ lệ sở hữu của nhóm này là 8,02% vốn ngân hàng.

Tuy vậy, sự hiện diện của ROX Group không chỉ ở 3 công ty trên. Danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn MSB còn xuất hiện những cái tên gồm Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài, Công ty TNHH Công nghệ Xanh Hà Nội và Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư. Những doanh nghiệp này đều có sợi dây liên kết với ROX Group của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Masterise Homes (12).jpg
Đồ họa: Xuân Lực

Cụ thể, Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài sở hữu 128,8 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 4,96% vốn điều lệ. Đơn vị này được thành lập ngày 12/12/2012, là chủ đầu tư của dự án Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Thời điểm 2016, vốn điều lệ của Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài đạt 250,44 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng Descon Hội An góp 70%, 30% vốn còn lại thuộc về Solemen Services S.A - đơn vị đến từ “thiên đường thuế” British Virgin Islands.

Tới năm 2023, cơ cấu thành viên xuất hiện Công ty Cổ phần TNG Realty (thành viên của ROX Group, trước đây có tên là TNR Holdings, hiện có tên thương mại là ROX Living + sáp nhập thêm Công ty Cổ phần và Cho thuê tài sản TNL) nắm giữ 49% vốn điều lệ. Solemen Services S.A cũng tăng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Gần đây nhất, hồi tháng 6/2024, Công ty Cổ phần TNG Realty đã chuyển nhượng phần vốn góp tại Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài cho Công ty Cổ phần Phát triển Nghỉ dưỡng Đà Nẵng.

Thời điểm TNG Realty nắm giữ vốn điều lệ Bãi Dài, cá nhân được uỷ quyền phần vốn góp gồm Phạm Ngọc Vũ, Hà Đăng Sáng và Adrian Gerard John Olivero. Ông Vũ đồng thời giữ chức tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại Khu Nghỉ dưỡng Bãi Dài; còn ông Sáng là nhân tố quan trọng tại hệ sinh thái ROX Group (sẽ được nói ở phần dưới).

Với Công ty TNHH Công nghệ Xanh Hà Nội, đơn vị này nắm giữ 129,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn ngân hàng MSB. Tại đây, ông Phạm Ngọc Vũ (đã nhắc ở trên) đương nhiệm chức vụ tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Còn Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư nắm giữ 129,48 triệu cổ phiếu, tương đương 4,98% vốn điều lệ MSB. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư tại xã Hội Xá và xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dự án này hiện do Công ty Cổ phần ROX Key Holdings (thuộc ROXGroup) quản lý vận hành.

Như vậy, nếu tính cơ học, số cổ phần của nhóm công ty liên quan trực tiếp, gián tiếp và người có liên quan của ROX Group đang nắm giữ tới hơn 22,9% vốn ngân hàng MSB.

8.png

Đi liền với việc nắm cổ phần tại MSB, dữ liệu của VietTimes cho thấy các pháp nhân như Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài có mối quan hệ tín dụng với ngân hàng MSB.

Ví dụ, Công ty Xây dựng và Kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư ngày 16/9/2022 đã ký hợp đồng giao dịch bảo đảm với MSB, tài sản bảo đảm là hoa lợi; lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số L 117343, vào sổ cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 00184 QSDĐ, được UBND TP Hà Nội cấp ngày 10/11/1998 do Công ty đứng tên.

Hay Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài có nhiều hợp đồng giao dịch bảo đảm với MSB, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ảnh chụp Màn hình 2024-11-13 lúc 11.21.31.png
Rox Group được biết đến là tập đoàn phát triển đô thị và khu công nghiệp, Dịch vụ, Đầu tư tài chính. Ảnh: Rox Group.

Nhưng mối quan hệ tín dụng giữa MSB và ROX Group không chỉ dừng lại ở các đơn vị trên mà còn mở rộng ra rất nhiều công ty khác trong hệ sinh thái của tập đoàn này.

Đầu tiên phải kể đến cặp bài trùng Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ và Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid, 2 đơn vị liên tục thâu tóm quỹ đất thời gian qua.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ được thành lập ngày 28/9/2007, từng do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tich HĐQT, trước khi chuyển giao vị trí cho bà Phạm Thị Vân Hà (Phó Tổng Giám đốc ROX Group). Bà Hà còn được biết đến vai trò là Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần ROX Living (tên cũ là Công ty Cổ phần TNG Realty - đã nhắc đến ở trên) - thương hiệu phát triển đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp của ROX Group.

Ghi nhận giai đoạn 2015 - 2022, Công ty Bất động sản Mỹ có ít nhất 4 lần tăng vốn điều lệ, từ 300 tỷ đồng lên mức 2.571 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, Công ty Bất động sản Mỹ nổi lên thị trường với vai trò của “tay săn” dự án tại nhiều địa phương và “bỏ túi” danh mục dự án đáng kể như: Khu dân cư đô thị Cánh Buồm tại Hà Tĩnh, Khu đô thị mới Cường Thịnh tại Lào Cai, Khu đô thị mới Kinh Cùng - Tân Bình tại Hậu Giang…

Điểm đáng chú ý là tất cả các dự án nói trên đều được công ty dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản tín dụng tại ngân hàng MSB. Chẳng hạn, từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay, công ty đã ký 5 hợp đồng đăng ký giao dịch bảo đảm tại MSB.

Song hành cùng với Bất động sản Mỹ trong quá trình thâu tóm quỹ đất là Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid, doanh nghiệp thành lập từ năm 2010, do ông Nguyễn Thế Đạt làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Giai đoạn 2018 - 2022, công ty này có ít nhất 4 lần tăng vốn điều lệ, từ 771 tỷ đồng lên 4.885 tỷ đồng.

Dữ liệu cho thấy từ năm 2016 đến nay, Hano-Vid phát sinh mối quan hệ tín dụng sâu sắc với MSB. Gần đây nhất, vào tháng 7/2024, Hano-Vid ký nhiều hợp đồng đăng ký giao dịch bảo đảm với MSB, tài sản bảo đảm liên quan đến các dự án của công ty như: Khu dân cư tổ 6,7 phường Đậu Liêu, tỉnh Hà Tĩnh; Khu nhà ở đô thị Lâm Thao, tỉnh Hà Tĩnh; Khu Bến xe - Dân cư Kiến Tường, tỉnh Long An…

Một pháp nhân “lõi” không thể không nhắc tới trong hệ sinh thái ROX Group của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là TNR Holdings (hiện tên thương mại ROX Living). Thành lập từ năm 2016 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, TNR Holdings (ROX Living) do bà Phạm Thị Vân Hà nắm giữ 90% vốn. Tới năm 2017, công ty tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, bà Hà cũng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 3,6% và thoái vốn không lâu sau đó.

Vào thời điểm tháng 3/2020, vốn điều lệ của công ty chạm ngưỡng 2.000 tỷ đồng; còn ông Hà Đăng Sáng (đã nhắc ở trên) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Tổng Giám đốc của ROX Living hiện tại là bà Phạm Thị Vân Hà.

Kể từ khi ra đời đến nay, TNR Holdings (ROX Living) Việt Nam đã phát triển nhiều dự án bất động sản đa dạng phân khúc ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM như TNR Goldmark City, TNR Goldsilk Complex, TNR The GoldView, TNR GoldSeason…

Dữ liệu cho thấy, MSB có vai trò cấp vốn cho TNR Holdings Việt Nam. Ví dụ, ngày 27/4/2023, công ty ký hợp đồng với MSB, tài sản bảo đảm là Quyền đòi nợ phát sinh từ các Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng/đặt cọc các lô đất tại Dự án Khu dân cư thuộc Khu trung tâm Chính trị - Hành chính và Dịch vụ thương mại, dân cư tỉnh Trà Vinh được ký giữa bên bảo đảm các khách hàng (ký nhiều hợp đồng liên quan đến dự án này).

Hay đầu tháng 3 năm nay, công ty cũng phát sinh giao dịch bảo đảm với MSB, tài sản bảo đảm liên quan đến dự án Khu đô thị mới thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Ngoài những đơn vị kể trên, ROX Group còn một số thành viên chủ chốt khác như: Công ty Cổ phần Năng lượng TNPower (hiện đổi tên là Công ty Cổ phần Đầu tư ROX Energy) hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH (TNH Hotels & Resorts) quản lý và vận hành chuỗi khách sạn SOJO Hotels…

Không dừng lại ở vai trò cấp tín dụng, MSB còn đứng ra thu xếp cho hàng trăm thương vụ phát hành trái phiếu của loạt công ty thuộc ROX Group như: Bất động sản Mỹ, Hano-Vid, TNR Holdings Việt Nam, TNPower, TNH Hotels & Resorts, ROX Key Holdings… Dưới sự hậu thuẫn của MSB, nhóm công ty thuộc hệ sinh thái ROX Group đã huy động nguồn vốn khủng từ kênh trái phiếu, trở thành một trong những đơn vị “ôm” nợ trái phiếu tốp đầu thị trường.

9.png

Đáng chú ý, những đơn vị thuộc ROX Group kể trên được MSB cấp vốn tín dụng lại bộc lộ không ít những vấn đề về tài chính và kinh doanh. Kết quả kinh doanh của họ khá khiêm tốn so với quy mô lên tới tỷ đô và sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức rất cao.

Đầu tiên phải kể đến TNR Holdings Việt Nam (ROX Living), với quy mô tổng tài sản lên tới hơn 31.000 tỷ đồng, vượt cả những “đại gia” địa ốc hàng đầu như Phát Đạt, Đất Xanh, Nhà Khang Điền… song tình hình kinh doanh lại khá “èo uột”. Sau năm đỉnh cao 2022 lãi sau thuế tới 464 tỷ đồng, bước sang năm 2023, lợi nhuận quay đầu giảm cực mạnh 81% xuống 86 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, công ty báo lãi sau thuế vỏn vẹn 6 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của TNR Holdings Việt Nam đạt 2.593 tỷ đồng. Công ty này thường sử dụng đòn bẩy tài chính cao khi nợ phải trả gấp 11,06 lần vốn chủ sở hữu, tương đương 28.678,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 9.309 tỷ đồng.

Liên quan đến trái phiếu, TNR Holdings vừa đạt được thoả thuận với trái chủ gia hạn các lô trái phiếu do công ty phát hành thêm 2 năm, tới tháng 11/2026. Hầu hết số trái phiếu này sẽ đáo hạn tháng 11 năm nay.

Biểu đồ: Nhật Minh

Biểu đồ: Nhật Minh

Cùng chung “khẩu vị” với TNR Holdings Việt Nam, Công ty bất động sản Mỹ sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 6,25 lần, nợ phải trả vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu 7.896 tỷ đồng.

Tương tự, Hano-Vid cũng có nợ phải trả gấp 4,42 lần vốn chủ sở hữu, vượt ngưỡng 23.000 tỷ đồng.

So với quy mô tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận của Han-Vid khá “hạt tiêu”. Năm 2021, công ty lãi sau thuế chưa đầy 2 tỷ đồng. Bước sang năm 2022 - 2023, lợi nhuận có sự cải thiện, trung bình hơn 50 tỷ đồng/năm. Song mức lãi này quá khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản.

Ở nhóm công ty quy mô nhỏ hơn, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL (sáp nhập vào ROX Living) gánh khoản nợ phải trả 4.541 tỷ đồng, gấp 5,01 lần vốn chủ sở hữu; trong đó nợ trái phiếu chiếm 85%. Tình hình kinh doanh của công ty không đáng kể khi lãi sau thuế 402 triệu đồng sau thuế nửa đầu năm 2024.

Về phía TNH Hotels & Resorts, đơn vị này lãi vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 0,12%.

Về tình hình tài chính của MSB, tính đến ngày 30/6/2024, cho vay khách hàng của MSB đạt 166.389 tỷ đồng, chiếm 55% tổng tài sản. Danh mục cho vay khách hàng của MSB tập trung ở nhóm thương mại, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, xây dựng, tài chính và chứng khoán. Trong đó, tỷ trọng cho vay những ngành có hệ số rủi ro cao như kinh doanh bất động sản và tài chính là tương đối lớn, dư nợ chiếm 15,2%.

Tại thời điểm kết thúc quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của MSB là 3,08%, tăng 0,21 điểm phần trăm so với đầu năm.

Ngân hàng cũng đã dùng dự phòng cụ thể để xoá 521,5 tỷ đồng nợ xấu trong kỳ. Dù vậy, tốc độ hình thành nợ xấu mới lại có dấu hiệu gia tăng khi tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên mức 2,1% so với 1,8% của 2 quý liền trước. Điều này cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng chưa phục hồi và có nguy cơ làm tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng trong những quý tiếp theo.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MSB tăng trong quý II/2024 lên thành 58,6%, tăng khoảng 5 điểm phần trăm và là mức cao nhất trong 4 quý.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động, các doanh nghiệp trong ROX Group, nhất là về bất động sản, được nhìn nhận sẽ đối diện với những khó khăn và điều này có thể tác động xấu lên MSB.