Tạp chí điện tử VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Rajit Sukumaran, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Tập đoàn IHG Hotels & Resorts về bức tranh ngành khách sạn, du lịch thời gian qua, xu hướng sắp tới và thế mạnh của Việt Nam trong thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách hạng sang.
Trong bối cảnh các biến động kinh tế chính trị quốc tế, thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành du lịch cũng như hoạt động kinh doanh khách sạn đang bị tác động ra sao, thưa ông?
Đầu tiên có thể nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thay đổi và sự thay đổi này là điều bất biến. Chúng ta cũng đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, cứ đến rồi đi như khủng hoảng tài chính, nhân đạo, thiên nhiên…
IHG là một tập đoàn toàn cầu, hoạt động kinh doanh ở nhiều địa điểm trên thế giới và rất nhiều khu vực đó đều có các cuộc khủng hoảng. Khi chứng kiến điều đó, chúng tôi cố gắng trở thành một phần của cộng đồng, có thể hỗ trợ một cách tốt nhất, cung cấp nơi ăn chốn ở, cung cấp thực phẩm cho những người trải qua các khủng hoảng.
Sau mỗi cuộc khủng hoảng, “đề kháng” của chúng tôi lại tốt hơn. Và chúng tôi nhận thấy ngành khách sạn, du lịch cũng tương tự, sau một “trận ốm” lại có thể phục hồi mạnh mẽ hơn năm trước.
Trong 2 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng và khách sạn đối mặt những khó khăn nào?
Như đã nói trên, những thay đổi là điều bình thường của cuộc đời, là yếu tố đương nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên, biến động này không tác động nhiều đến tiềm năng dài hạn của ngành du lịch, khách sạn Việt Nam, bởi những tiềm năng như văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên độc đáo, ẩm thực… luôn thu hút du khách.
Bản thân các đối tác của chúng tôi luôn nhìn thấy tương lai phát triển du lịch dài hạn và họ tiếp tục xây dựng những khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới tại Việt Nam.
Mặc dù thị trường khó khăn chung, song xu hướng khách hàng hay khách du lịch đều mong muốn đến Việt Nam. Điều này thể hiện qua những con số như trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút khoảng 14 triệu khách quốc tế, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023, và dự kiến sẽ đạt 18 triệu khách vào cuối năm 2024, trở về mức phục hồi trước thời kỳ Covid. Dự kiến năm 2025, Việt Nam có thể đạt 20-25 triệu khách du lịch.
Điều này có được là nhờ các kết nối hàng không từ các nước đến Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Điển hình như: Vietjet mở 56 chuyến bay/tuần đến Ấn Độ; Vietnam Airlines mở đường bay đến Milan; Malaysia mở đường bay Kuala Lumpur tới Đà Nẵng...
Lượng đặt phòng trong quý III/2024 của IHG đạt mức tăng kỷ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Theo như nghiên cứu của một tổ chức, từ tháng 1 đến tháng 9/2024, doanh thu trên mỗi phòng khả dụng (RevPAR) - một thước đo chính về nhu cầu khách sạn trên toàn thế giới - đã tăng lên 12% toàn cầu. Riêng tại IHG, con số tăng trưởng đạt 23% so với năm ngoái.
Như ông chia sẻ ngành khách sạn đã thực sự vượt qua khó khăn?
Thời kỳ dịch Covid là giai đoạn khó khăn đối với tất cả chúng ta, tuy nhiên căn cứ vào những con số ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng ngành khách sạn đã vượt qua được kỳ hạn đó. Nhìn vào tương lai dài hạn tại Việt Nam cũng như cam kết của chúng tôi, có thể thấy tương lai ngành du lịch, khách sạn tương đối sáng sủa.
Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của Việt Nam trong thu hút các khách du lịch giàu có? Ngành du lịch, khách sạn sẽ đóng góp thế nào để thu hút những đối tượng này?
Thực tế hiện nay, khách du lịch giàu có đang ngày càng quan tâm đến xu hướng cá nhân hoá. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều lợi thế để thu hút nhóm khách này như: cảnh quan đẹp, văn hoá đặc sắc, trải nghiệm độc đáo... đây là những tiềm năng dài hạn cho tệp khách hàng này.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có những hoạt động mạnh mẽ để thu hút nhóm chi tiêu cao này, chẳng hạn như Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch kích cầu, hút khách hàng đến khách sạn 5 sao của Hà Nội; xây dựng những điểm thu hút du lịch; không ngừng phát triển năng lực cũng như các kỹ năng cho lực lượng lao động; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Với tư cách là đơn vị nhượng quyền, cho thuê, quản lý và sở hữu hơn 6.500 khách sạn tại hơn 100 quốc gia với hơn 2.200 khách sạn đang trong quá trình phát triển, chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể hút được nhiều khách hàng giàu có trong du lịch.
Các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... đang cạnh tranh rất mạnh mẽ trong du lịch. Vậy Việt Nam làm gì để cạnh tranh và tập đoàn có thể đóng góp như thế nào trong việc nâng cao chất lượng du lịch Việt Nam?
Với 17 năm hoạt động trong lĩnh vực khách sạn cao cấp Việt Nam kể từ khi khai trương InterContinental Hanoi Westlake năm 2007, chúng tôi đã tạo dựng vị trí dẫn đầu trong phân khúc hạng sang khi sở hữu hệ thống gồm 10 khách sạn đạt nhiều giải thưởng danh giá, thuộc ba thương hiệu Six Senses, Regent Hotels & Resorts và InterContinental Hotels & Resorts. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi hiện giữ vững vị trí dẫn đầu trong phân khúc khách sạn hạng sang tại Việt Nam. Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với các thương hiệu phong cách sống, chúng tôi không ngừng mở rộng danh mục Luxury & Lifestyle. Tại Việt Nam, 60% khách sạn đang hoạt động và 30% các dự án khách sạn sẽ khai trương của IHG đều nằm trong danh mục này
Các khách sạn thành phố của IHG vẫn duy trì sức hút đối với khách doanh nghiệp lẫn du khách nghỉ dưỡng. Các khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hồ Tràm và Nha Trang tiếp tục là sự lựa chọn của khách quốc tế và nội địa. Chúng tôi cũng nhận thấy sự bùng nổ về du lịch MICE hay đặt phòng theo nhóm.
Đấy là những minh chứng cho việc chúng tôi không ngừng đóng góp và gây dựng cho ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam ngày càng vững mạnh, không kém cạnh so các nước trong khu vực.
Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển trong ngành du lịch. Thứ nhất, Việt Nam có những ưu điểm rất độc đáo như nhiều điểm đến vô cùng xinh đẹp. Thứ hai là người dân Việt Nam luôn luôn có tinh thần chào mừng và rất hiếu khách, đây là điều thu hút rất lớn trong khách du lịch.
Ngoài 2 yếu tố là phong cảnh và con người thì Việt Nam có lợi thế là có điểm kết nối hàng không như đã nói ở trên, chúng ta đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về hàng không. Cả 3 yếu tố này tạo cho Việt Nam trở thành điểm đến rất độc đáo.
Về phía tập đoàn, chúng tôi nhận thấy khách du lịch luôn luôn tìm kiếm trải nghiệm toàn trình và liền mạch. Đây cũng chính là cơ hội phối hợp giữa khu vực tư và công để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Chúng tôi cho rằng để tăng cường tính cạnh tranh trong du lịch thì việc kết nối các đường bay, các trải nghiệm du lịch từ lúc khách hàng đặt chân đến cho đến khi kết thúc hành trình chuyến khám phá cần được thuận tiện và đơn giản hơn.
Một trong những điểm mà Việt Nam lợi thế hơn các quốc gia khác là chúng ta có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, bao gồm đường xá cũng như số lượng sân bay ngày càng nhiều hơn, điều này tạo thành một nền tảng để chúng ta cùng nhau xây dựng trải nghiệm một cách liền mạch cho khách hàng.
Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các đối tác để phát triển các dự án tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường chiến lược của IHG và chúng tôi cam kết mạnh mẽ hỗ trợ tham vọng của Việt Nam trong việc vươn lên trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.
Kế hoạch phát triển sắp tới của IHG tại Việt Nam ra sao?
Chúng tôi sẽ khai trương thêm 6 khách sạn vào cuối năm 2025, bao gồm hai thương hiệu mới, nâng tổng số thương hiệu của tập đoàn có mặt tại Việt Nam lên 9 thương hiệu. Hai thương hiệu mới sắp hiện diện ở Việt Nam là Vignette Collection sắp khai trương tại Hội An và Hotel Indigo tại TP.HCM.
Không chỉ tập trung vào phân khúc Luxury & Lifestyle, chúng tôi cũng sẽ tận dụng nắm bắt các cơ hội phát triển mới liên quan đến phân khúc khách sạn cao cấp và phổ thông. Tập đoàn cũng sẽ ra mắt thêm 5 khách sạn Crowne Plaza.
Ngoài ra, thương hiệu voco hotels sẽ sớm hiện diện tại Quảng Bình thông qua sự kiện khai trương khách sạn voco Quang Binh Resort trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chuỗi thương hiệu nổi tiếng thế giới Holiday Inn tiếp tục là động lực tăng trưởng của IHG trên quy mô toàn cầu. Chúng tôi đã có hai khách sạn Holiday Inn tại TP.HCM và Hồ Tràm, và đang lên kế hoạch mở thêm 9 khách sạn nữa tại Việt Nam.
IHG đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng khách sạn tại Việt Nam, từ 16 khách sạn (khoảng 4.800 phòng) đến hơn 40 khách sạn (khoảng 12.000 phòng). Do đó, IHG có thể đưa thêm các thương hiệu tầm trung vào thị trường Việt Nam, bao gồm những cái tên mới như Garner, Staybridge Suites và Holiday Inn Express.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!