|
Ảnh: Android Authority |
Hiện tại giao diện One UI 3.0 trên các mẫu điện thoại Samsung có khá nhiều tính năng thú vị cũng như khả năng tương thích rất mượt mà.
Nếu bạn muốn tìm hiểu xem Samsung đã bắt đầu như thế nào trong ngành công nghiệp di động hay chỉ đơn giản là muốn biết khả năng làm phần mềm của hãng đã phát triển như thế nào, bài viết này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Giao diện Samsung TouchWiz
|
Ảnh: Android Authority |
Từ những ngày đâu tiên, Samsung đã tự làm giao diện người dùng cho điện thoại thông minh trước khi họ sử dụng hệ điều hành Andorid như bây giờ. TouchWiz 1.0 ra đời cùng với Samsung Solstice vào năm 2009. Nối tiếp là phiên bản 2.0 dành cho Solstice 2 vào năm 2010.
Đến thế hệ thứ ba thì giao diện TouchWiz mới chính thức có mặt trên Android. TouchWiz 3.0 được giới thiệu cùng với Samsung Galaxy S nguyên bản vào năm 2010. Ngay từ lúc đầu, Samsung đã có một hướng đi rất khác với Android gốc: bổ sung nhiều tính năng và cung cấp một giao diện độc đáo. TouchWiz lúc này đã hỗ trợ sắp xếp lại giao diện màn hình chính, tạo phím tắt tùy chỉnh và có nhiều widget độc quyền mà Android gốc không có.
Samsung tiếp tục cải tiến TouchWiz với phiên bản 4.0 dựa trên Android 2.3 Gingerbread cho Galaxy S2. Các tính năng mới liên tục được bổ sung, bao gồm điều khiển bằng cử chỉ trong ứng dụng thư viện và trình duyệt, trợ lí S Voice, ảnh hiển thị trong ảnh và chia đôi màn hình.
Samsung cũng thay đổi giao diện và cách đặt tên với TouchWiz trên Galaxy S3. Giao diện có phần bóng bẩy hơn, xanh hơn với cái tên “TouchWiz Nature UX” mới. Một trong những sự bổ sung đáng chú ý nhất chính là hiệu ứng gợn nước khi người dùng chạm vào màn hình khóa. Giao diện này dường như đã là một biểu tượng, tạo nên sự khác biệt của Samsung với toàn bộ mẫu smartphone khác vào thời điểm đó.
Mặc dù hai mẫu smarphone này được đón nhận rất tích cực song các mặt tiêu cực cũng bắt đầu xuất hiện. Ngoài bộ phần mềm của Google, Samsung còn cài sẵn trên các mẫu điện thoại cao cấp của họ một loạt các ứng dụng do họ tạo ra như ChatOn, Social Hub, Music Hub,…
TouchWiz Nature UX 2.0: Các tính năng không cần thiết bắt đầu xuất hiện
|
Ảnh: Android Authority |
Với việc chuyển sang TouchWiz Nature UX, Samsung đã bắt đầu thực hiện một loạt các chỉnh sửa giao diện người dùng cho UX 2.0 trên mẫu điện thoại Galaxy S4. Công ty đã giới thiệu một số đổi mới thú vị như tính năng theo dõi bằng mắt để tự động cuộn các trang web. Tuy nhiên hướng đi này của Samsung đã nhận được không ít lời chỉ trích của các chuyên gia vì đã cập nhật hàng loạt tính năng cồng kềnh, không cần thiết chẳng hạn như Air Gestures, Smart Pause, S Translator và menu cài đặt ngày càng phức tạp, khó sử dụng.
Bỏ ngoài tai những lời góp ý, Samsung tiếp tục bổ sung hàng loạt tính năng vào các lần cập nhật phần mềm tiếp theo như chế độ một tay trên Galaxy Note 3. Mãi đến khi giao diện Nature UX 3.0 ra đời, Samsung đã quyết định đơn giản hóa giao diện người dùng và cả giao diện ứng dụng cài đặt cho Galaxy S5.
Sau đó, Samsung quay trở lại cách đặt tên truyền thống là TouchWiz 5.0 cho mẫu Galaxy S6. Đây là một chiếc điện thoại có kiểu dáng thiết kế cùng phần mềm, giao diện hoàn toàn mới. Samsung dường như đã loại bỏ những giao diện phức tạp, đơn giản hóa nhiều thiết lập và tách biệt Multiwindow với Toolbox. Họ cũng loại bỏ các ứng dụng thừa thãi và và thiết kế lại giao diện dựa trên Android Lollipop mặc dù các yếu tố giao diện người dùng của TouchWiz vẫn còn.
Nhận thấy những vấn đề còn tồn đọng trong giao diện của mình, Samsung đã hoàn thành nốt phần mềm TouchWiz 6.0 và TouchWiz Grace UX trước khi chuyển sang dự án tiếp theo.
Giao diện Samsung Experience
|
Ảnh: Android Authority |
Với việc bỏ TouchWiz, Samsung đã chuyển qua một giao diện hoàn toàn mới gọi là Samsung Experience. Giao diện mới chạy trên Android 7.0 Nougat và 8.0 Oreo. Đồng thời Samsung cũng phổ biến phần mềm này tới nhiều điện thoại ở nhiều phân khúc khác nhau.
Giao diện mới đã được cải tiến bảng màu và biểu tượng khiến cho nó trông mới mẻ, hiện đại hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Samsung vẫn giữ lại vài tính năng hữu dụng như Edge UX, Always-on Display, Game Launcher,… Nút quay lại cũng được để ở phía bên phải chứ không phải bên trái như mặc định của hệ điều hành Android.
Samsung Experience cũng là cột mốc đánh giấu lần đầu tiên hãng giới thiệu trợ lý ảo Bixby. Các bản cập nhật tiếp theo cho Android Oreo đã thực hiện các thay đổi nhỏ và cải thiện một số tính năng, chẳng hạn như Bixby 2.0 và Thư mục bảo mật.
Samsung lúc này đã học được bài học từ giao diện TouchWiz. Người dùng nay đã có nhiều sự lựa chọn về những tính năng họ thực sự muốn thấy và sử dụng với Samsung Experience. Ở một khía cạnh nào đó, giao diện trên các mẫu điện thoại Samsung vẫn rắc rối, khó hiểu hơn đáng kể so với giao diện hề điều hành Android gốc. Nhưng giao diện người dùng của Samsung cũng tiếp tục định hình dòng điện thoại Galaxy của họ.
Giao diện One UI
|
Ảnh: Android Authority |
Trên Android 9.0 Pie, Samsung một lần nữa thay đổi cách đặt tên giao diện của mình. Samsung Experience 10.0 beta đã được đổi tên thành One UI vào thời điểm nó ra mắt cùng với mẫu flagship hàng đầu Galaxy S10.
Một lần nữa, Samsung đã tinh chỉnh giao diện người dùng của mình, khiến nó trở nên gọn gàng và thân thiện hơn so với các lần trước. Trên thực tế, triết lý thiết kế của One UI tập trung vào việc giúp điện thoại màn hình lớn dễ sử dụng hơn. Samsung đã tinh chỉnh các menu và ứng dụng của mình, di chuyển các giao diện, ứng dụng chính trong tầm tay tương tác của người dùng.
Nhìn chung, giao diện One UI đã giữ lại hầu hết các tính năng có trên Samsung Experience. DeX được cải tiến hơn nữa, chế độ tối toàn hệ thống cũng được giới thiệu và các phím điều hướng đã được thay thế bằng các cử chỉ. Samsung cũng đã lắng nghe phản hồi của người dùng hơn và cho phép gán nút Bixby cho các tính năng khác.
Giao diện người dùng 2.0 tiếp tục dựa trên Android 10. Công ty đã bổ sung Digital Wellbeing với giao diện mới, dễ sử dụng hơn. Trên phần mềm One UI 2.5, Samsung đã chính thức giới thiệu chức năng DeX không dây.
Tại thời điểm viết bài, One UI 3.1 là phiên bản mới với một số thay đổi nhỏ. Giao diện thông báo giờ đây đã có hiệu ứng mới, bắt mắt hơn. Bảng điều khiển âm lượng cũng đã được làm mới. Quá trình chuyển đổi trông cũng mượt mà và tự nhiên hơn. Nhìn chung, Samsung và người dùng đã khá hài lòng với những gì mà One UI mang lại trong 3 năm qua.
Từ TouchWiz đến Samsung Experience và One UI, các mẫu smartphone của Samsung luôn dẫn đầu với các tính năng độc đáo, hiện đại. Trong quá khứ, TouchWiz luôn bị đánh giá là nặng nề, cồng kềnh, khó sử dụng. Giờ đây, Samsung đã làm tốt hơn, cung cấp giao diện người dùng mượt mà và dễ sử dụng, trong khi vẫn giữ được các tính năng độc đáo của dòng Galaxy.
Vậy bạn nghĩ gì về lịch sử phần mềm của Samsung? Bạn thích TouchWiz, Samsung Experience hay One UI nhất? Đừng ngại chia sẻ suy nghĩ của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
Theo Android Authority