Sự kiện Lâm Bưu (Kỳ 9): Ngăn chặn không thành công hay không ngăn chặn vụ đào tẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Do không có nguồn tin khác để kiểm chứng nên dù Lâm Đậu Đậu hai lần gọi tới khẳng định mẹ và em trai cô âm mưu ép buộc Lâm Bưu chạy trốn, ông Chu Ân Lai vẫn không tin, không ra lệnh cho đơn vị cảnh vệ ngăn chặn.

Ba nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Lâm Bưu và Chu Ân Lai trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).
Ba nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, Lâm Bưu và Chu Ân Lai trong Cách mạng Văn hóa (Ảnh: Kanlishi).

Lâm Đậu Đậu báo cáo lần thứ hai, Chu Ân Lai vẫn không kiên quyết yêu cầu ngăn chặn

Vào khoảng 11h30 đêm, Diệp Quần thông báo với Lâm Đậu Đậu sẽ đi Quảng Châu ngay trong đêm hôm đó và yêu cầu cô về ngay phòng để đóng gói hành lý. Lúc này, ngoài Diệp Quần và Lâm Lập Quả, không ai biết rằng hướng đi của chuyến này là chạy trốn tới Liên Xô về phía bắc. Lâm Đậu Đậu cũng cho rằng Diệp Quần và Lâm Lập Quả sẽ đưa Lâm Bưu đến Quảng Châu ngay. Không nói thêm gì nữa, Lâm Đậu Đậu đến sở chỉ huy đơn vị để báo cáo lần thứ 2. Lâm Đậu Đậu từ tòa nhà số 96 nơi Lâm Bưu nhà 56 nơi cô ở, rồi đến nhà 58 nơi đơn vị cảnh vệ ở. Lúc đó là khoảng 11 giờ 45 phút.

Lần này Chu Ân Lai biết được từ báo cáo thứ hai của Lâm Đậu Đậu rằng Lâm Bưu có thể sẽ rời đi ngay đêm hôm đó, và ông biết rằng Lâm Bưu đã chủ động rời đi chứ không phải là con tin như Lâm Đậu Đậu nói. Ông nghĩ rằng nơi Lâm Bưu sẽ đến vẫn là Quảng Châu, chỉ khác là lịch trình đã được đôn lên, trong trường hợp này, Chu Ân Lai sẽ làm gì?

Lâm Bưu là người kế thừa Mao Trạch Đông được ghi trong Điều lệ Đảng, Phó Thống soái, người lãnh đạo thứ hai của đảng. Ông ta có quyền đi đến những nơi ông ta muốn. Về nguyên tắc tổ chức, Chu Ân Lai không có quyền ngăn cản những hành động tự chủ của Lâm Bưu. Nhiều nhất ông chỉ có thể khuyến cáo hoặc đề nghị. Những gì Lý Văn Phổ nói là đúng, nếu không có sự đồng ý của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai là cấp dưới của Lâm Bưu, làm sao ông ta có thể ngăn cản hành động của cấp trên? Lâm Đậu Đậu trước kia từng bị bệnh thần kinh, lời cô ta nói khó mà chính xác; nếu không có chuyện, Chu sợ mắc tội với Lâm Bưu: dựa vào đâu ông không cho tôi bay? Với tính cách thận trọng của Chu Ân Lai, điều này quả thực có thể xảy ra.

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần và các nhân viên công tác xung quanh (Ảnh: Kanlishi).

Vợ chồng Lâm Bưu, Diệp Quần và các nhân viên công tác xung quanh (Ảnh: Kanlishi).

Do lúc đó Chu Ân Lai hoàn toàn không nắm được âm mưu giữa Lâm Lập Quả và Chu Vũ Trì, không nhận ra và không ngờ tới sự nghiêm trọng của vấn đề, mà cho rằng Lâm Bưu đến Quảng Châu chỉ vì bất hòa với Mao Trạch Đông, Lâm Bưu đi lánh nạn vì sợ bị đàn áp . Cho nên khi đơn vị 8341 xin ý kiến có ngăn cản họ lên xe không, Chu Ân Lai cho rằng nếu xác định được Phó Chủ tịch Lâm tự mình đi, thì “bám sát, chú ý quan sát, có tình hình thì kịp thời báo cáo”.

Lâm Đậu Đậu báo cáo lần thứ ba, Trương Hồng nói Thủ trưởng ở Bắc Kinh muốn cô cũng lên máy bay

Lúc đầu Diệp Quần bảo Lâm Đậu Đậu sẽ đi sớm vào sáng sớm hôm sau, Lâm Đậu Đậu hỏi lúc nào sáng mai, Diệp Quần sốt ruột nói con sẽ được thông báo. Ít lâu sau, có lẽ là hơn mười phút, Diệp Quần thông báo sẽ rời đi ngay bây giờ, vì vậy Lâm Đậu Đậu lập tức đi về nhà 56 nơi cô ở, sau đó đi đến nhà 58 nơi cảnh vệ ở, báo cáo với phó chỉ huy Trương Hồng.

Đây là lần thứ ba Lâm Đậu Đậu báo cáo với Trương Hồng, nói: "Họ (Diệp Quần và Lâm Lập Quả) đã bị đánh thức. Tình hình rất khẩn cấp! Thủ trưởng sắp bị bắt đi! Chỉ 10 phút nữa xe sẽ chạy! Nhanh lên! Các ông nhanh lên! Tại sao quân đội vẫn chưa hành động? Tại sao vẫn chưa tiến hành ngăn chặn!”.

Khi Lâm Đậu Đậu khóc và yêu cầu Trương Hồng ra lệnh ngay lập tức ngăn Lâm Bưu và những người khác lên xe Đại Hồng Kỳ, Trương Hồng, một người lính già, không nói một lời và do dự không quyết. Đó là do Chu Ân Lai đã chỉ thị rõ ràng cho ông lúc nãy là “chú ý quan sát, bám sát” chứ không phải chặn xe của Lâm Bưu. Thế là, ông lại gọi cho Trương Diệu Từ ở Bắc Kinh và xin chỉ thị từ Bắc Kinh.

Mẹ con Diệp Quần, Lâm Lập Quả (Ảnh: Tianya).

Mẹ con Diệp Quần, Lâm Lập Quả (Ảnh: Tianya).

Trương Diệu Từ, Trung đoàn trưởng trung đoàn cảnh vệ Trung ương ở Bắc Kinh kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ngay lập tức báo cáo tình hình cho Chu Ân Lai tại Đại lễ đường Nhân dân thông qua Uông Đông Hưng. Chu Ân Lai được biết Lâm Bưu sẽ rời đi ngay lập tức, vẫn cho rằng Lâm Bưu muốn đến Quảng Châu sớm hơn. Trong tình huống không kịp xin chỉ thị của Mao, Chu vẫn quyết định "bám sát, chú ý quan sát và kịp thời báo cáo tình hình" và chuyển lệnh tới Trương Hồng thông qua Trương Diệu Từ, yêu cầu Lâm Đậu Đậu cũng lên máy bay. Trương Hồng nói với Lâm Đậu Đậu: "Trung ương chỉ thị cho cháu lên máy bay đi cùng họ".

Lâm Đậu Đậu hoàn toàn không hiểu, tại sao họ lại muốn cô cũng lên máy bay, cô trực tiếp cầm máy nói chuyện với Trương Diệu Từ. Lâm Đậu Đậu kể lại chuyện này như sau:

“Tôi chộp lấy ống nghe từ tay ông ta và báo cáo ngắn gọn tình hình khẩn cấp cho Trương Diệu Từ, nhấn mạnh rằng Lâm Bưu đã bị lừa, không phải bỏ chạy, v.v… Hiện tại tình hình rất khẩn cấp, tôi khẩn cầu ông ta ra lệnh cho bộ đội chặn lại. Trương Diệu Từ không đồng ý. Tôi liên tục kêu lên vội vã: “Trung đoàn trưởng Trương! Tôi cầu xin ông ra lệnh ngay. Ra lệnh ngay! Không thể chậm trễ một phút!”. Ông ta vẫn đang ậm ờ, nói sẽ xin chỉ thị một lần nữa”. ("Bút lục Phỏng vấn Lâm Lập Hằng", Sách đã dẫn)

Bên đầu dây kia một lần nữa khẳng định đây là chỉ thị của cấp trên, cô được yêu cầu lên máy bay và đi cùng Lâm Bưu. Lâm Đậu Đậu kiên quyết từ chối, và khóc lóc thảm thiết trong phòng trực của đơn vị 8341. Lúc đó, hơn một chục bộ đội có mặt trong phòng trực gồm Lưu Cát Thuần, Dương Sâm, Trương Thanh Lâm, và các cán bộ của đơn vị 8341, gồm cả Đại đội trưởng Khương và Trung đội trưởng Tào. Những người này sau đó đều không nghi ngờ gì về hồi ức của Lâm Đậu Đậu. Những gì Lâm Đậu Đậu nói đều là sự thật.

Hai chị em Lâm Đậu Đậu - Lâm Lập Quả (Ảnh: Toutiao).

Hai chị em Lâm Đậu Đậu - Lâm Lập Quả (Ảnh: Toutiao).

Tại sao Chu Ân Lai muốn Lâm Đậu Đậu cũng lên máy bay? Dưới con mắt của người thường, điều này quả thực là khó hiểu, đây là một vấn đề khó giải thích trong giới học thuật trong nhiều năm; có học giả thẳng thắn phủ nhận rằng Chu Ân Lai có thể nói như vậy. Tuy nhiên, Lâm Đậu Đậu khẳng định chắc chắn rằng hầu hết những người có mặt trong phòng trực của đơn vị 8341 vào thời điểm đó mà cô nêu tên đều còn sống. Không ai trong số họ đứng ra phủ nhận điều này.

Một đoạn trong hồi ký của Tạ Tĩnh Nghi, thư ký cơ yếu lúc bấy giờ của Mao Trạch Đông, giúp chúng ta hiểu động cơ của Chu Ân Lai. Cuốn sách ghi lại rằng ít lâu sau Sự kiện ngày 13 tháng 9, Chu Ân Lai cử Tạ Tĩnh Nghi đến ở cùng Lâm Đậu Đậu, người chuẩn bị từ Bắc Đới Hà trở về Bắc Kinh một thời gian. Chu Ân Lai nói rằng vì Tạ Tĩnh Nghi là người thân cận với Mao, có cô ở cùng sẽ khiến Lâm Đậu Đậu yên tâm hơn. .

Khi Chu Ân Lai tiếp Tạ Tĩnh Nghi tại Đại lễ đường Nhân dân và giao nhiệm vụ này, ông nói rằng trước khi nhận được cuộc gọi từ đơn vị bảo vệ Lâm Bưu ở Bắc Đới Hà vào lúc 11 giờ đêm ngày 12 tháng 9, ông cơ bản không biết rằng Lâm Bưu muốn chạy trốn. Sau khi nghe Lâm Đậu Đậu báo cáo, ông hoàn toàn không có sự chuẩn bị về tư tưởng và còn nghi ngờ liệu Lâm Đậu Đậu có bị bệnh tâm thần hay không. Chu Ân Lai nói rằng ngay cả Trương Hồng, Phó chỉ huy Trung đoàn Cảnh vệ ở Bắc Đới Hà, cũng nghĩ như vậy khi gọi điện.

Tư liệu lịch sử này rất quan trọng, toàn văn được chép lại như sau:

"Thủ tướng đã giới thiệu với tôi tình hình vắn tắt về vụ đào tẩu của Lâm Bưu, và nói: “Nếu không phải Lâm Lập Hằng báo cáo trung ương thì chúng ta không biết, ngay cả Trương Hồng, (Phó trung đoàn trưởng, người chịu trách nhiệm về công tác an ninh của Lâm Bưu vào thời điểm đó) nghe những lời của Lâm Lập Hằng, cũng không dám tin, nghĩ Lâm Lập Hằng bị bệnh và tâm thần không bình thường”.

Ông Mao Trạch Đông và thư ký cơ yếu Tạ Tĩnh Nghi (Ảnh: VCG).

Ông Mao Trạch Đông và thư ký cơ yếu Tạ Tĩnh Nghi (Ảnh: VCG).

"Thủ tướng tiếp tục nói: “Sau này tôi đã tin cô ấy. Mặc dù Lâm Đậu Đậu báo chậm một chút, nhưng sau đó cha và mẹ cô ấy vội vàng bỏ trốn. Các thành viên phi hành đoàn của họ chưa sẵn sàng, có người chưa dậy, chưa kịp tới, máy bay đã cất cánh. Thậm chí cầu thang không được chuyển tới, họ đã dùng một cái thang nhỏ để leo lên máy bay và máy bay đã bị rơi ở Onduhan”. Thủ tướng vừa ăn cơm vừa nói với tôi: “Nếu Lâm Lập Hằng không báo cáo, chúng ta đều không biết, không gọi cho họ thì họ có thể ung dung đào thoát và chuyện sẽ thành ra rất lớn”. (“Tạ Tĩnh Nghi, ghi lại những ngày công tác bên cạnh Mao Trạch Đông", trang 63-64, Nhà xuất bản Văn Hiến Trung ương xuất bản năm 2015).

Từ đoạn tư liệu lịch sử này, có thể thấy rằng Chu Ân Lai chịu ảnh hưởng rất lớn từ Trương Hồng. Uông Đông Hưng cũng đã đề cập trong hồi ký của mình rằng Chu Ân Lai, trong tình hình không có các nguồn khác, sau khi nghe Lâm Đậu Đậu báo cáo lần thứ hai, phản ứng đầu tiên của ông là: “Các đồng chí bộ đội nghĩ sao?”, có thể thấy Chu Ân Lai rất coi trọng ý kiến ​​của Trương Hồng vào thời điểm đó. Đây là điều then chốt. Và Trương Hồng trả lời Chu Ân Lai rằng ông không tin lắm vào những lời của Lâm Đậu Đậu: "Tôi nghĩ Lâm Lập Hằng bị bệnh và tâm thần không bình thường". Thái độ này của Trương Hồng quả thực đã ảnh hưởng đến Chu Ân Lai. Chu Ân Lai cũng thừa nhận điều này.

Có thể thấy vào thời điểm đó Chu Ân Lai không hoàn toàn tin tưởng vào “lời nói một chiều” của Lâm Đậu Đậu. Lâm Bưu là Phó chủ tịch đảng, Chu Ân Lai chỉ là Ủy viên Ban thường vụ. Nếu không có bằng chứng xác đáng, ông không thể lấy danh nghĩa Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ra lệnh cho máy bay của Phó chủ tịch đảng không được cất cánh. Khi Lâm Đậu Đậu lần thứ hai báo tin Lâm Bưu đang bị giữ làm con tin chạy trốn về phía Nam đến Quảng Châu, ông vẫn không tin rằng chuyện Lâm Đậu Đậu nói là sự thật. Trước đây Lâm Đậu Đậu từng mắc bệnh thần kinh, lời nói của cô không hoàn toàn đáng tin. Chu Ân Lai càng có xu hướng cho rằng gia đình họ Lâm có mâu thuẫn. Trong tình hình không có bằng chứng khác, ông để Lâm Đậu Đậu lên máy bay, cũng vì tính đến việc giảm bớt mâu thuẫn trong gia đình họ. Chu Ân Lai có ý này vì Lâm Đậu Đậu bị bệnh, cô nên ở cùng gia đình. Nhưng lời của Lâm Đậu Đậu cũng không hoàn toàn không đáng tin, nên ông yêu cầu đơn vị 8341 phải "bám sát, chú ý quan sát, nếu có tình huống xảy ra thì báo cáo kịp thời".

Chiếc Trident cùng kiểu loại với chiếc chuyên cơ 256 (Ảnh: VCG).

Chiếc Trident cùng kiểu loại với chiếc chuyên cơ 256 (Ảnh: VCG).

Trong cuộc nói chuyện của Chu Ân Lai với Tạ Tĩnh Nghi, ông thực sự ám chỉ rằng ông đã bị ảnh hưởng của Trương Hồng mới để cho Lâm Đậu Đậu lên máy bay. Như mọi người đã biết, Tạ Tĩnh Nghi là thư ký thân tín của Mao Trạch Đông. Chu Ân Lai đã vô tình tiết lộ điều này trong cuộc trò chuyện, có vẻ như ông ta cũng có thể muốn thông qua Tạ Tĩnh Nghi giải thích với Mao Trạch Đông tại sao ông ta lại đưa ra quyết định này.

Một số người cũng sẽ xem xét liệu có khả năng khác là Chu Ân Lai biết rõ Lâm Bưu sắp bị Mao lật đổ; vì cảm thông với Lâm Bưu, ông ta cố tình để Lâm Bưu trốn thoát và để ông ta trốn cùng gia đình và tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài? Để Lâm Đậu Đậu cùng lên máy bay, là ý tốt để họ đoàn tụ gia đình cùng nhau? Về logic mà nói, vì khi đó Chu Ân Lai không biết cuộc đảo chính của Lâm Lập Quả, nên ông không biết về "Biên bản dự án 571", cũng không biết máy bay sẽ rơi. Lưu Thiếu Kỳ đã bị chết thảm như vậy, việc để cho Lâm Bưu, một đồng chí cũ đi lánh nạn cũng là một cư xử có tình người.

Tác giả (Tiêu Công Tần-ND) cho rằng khả năng này không tồn tại. Chu Ân Lai là người cực kỳ cẩn trọng, ông tuyệt đối không bao giờ để những người chống lại Mao Trạch Đông trốn khỏi đất nước của ông đi tị nạn ở nước ngoài. Đánh giá từ thái độ của Chu Ân Lai đối với Lưu Thiếu Kỳ và Hạ Long trong Cách mạng Văn hóa, từ việc Chu thành khẩn kiểm điểm với Mao trong thời gian ông bị bệnh năm 1973, nguyên tắc chính trị của Chu không bao giờ cho phép ông đi một bước như vậy.

Thái độ này của Chu Ân Lai có ảnh hưởng quan trọng đến xu thế của các sự kiện trong tương lai. Vì Chu đã chỉ thị Lâm Đậu Đậu lên máy bay, Trương Hồng không có lý do gì để chủ động ngăn không cho Lâm Bưu đến sân bay. Là một người lính, Trương Hồng cũng là một Hồng quân cũ. Ông ta coi việc tuân theo mệnh lệnh là thiên chức của mình. Ông sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ thị đã được thiết lập là "bám sát, chú ý quan sát và báo cáo tình hình kịp thời". Kể từ đó về sau, ông không hề ra lệnh cho các cảnh vệ ngăn chặn.

(Kỳ tới: Chạy thoát khỏi Bắc Đới Hà)