Số người làm nông nghiệp ở VN cao hơn 11 nước TPP cộng lại

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp. Trong khi đó cộng 11 nước đối tác TPP của Việt Nam chỉ có 20,5 triệu người.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh Minh Quang.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh Minh Quang.

- Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam có nói tại Đại hội, bây giờ không ai muốn làm nông dân. Nhiều kiến nghị chính sách cho nông dân chưa được xem xét… Nông thôn và nông dân bị lợi dụng, biến nông thôn và nông dân thành sân sau của công nghiệp, của doanh nghiệp, không được hưởng lợi?

Trên thực tế, thu nhập và cuộc sống của nông dân liên tục được cải thiện. Tuy nhiên sự cải thiện đó không đồng đều giữa các vùng miền. Sự cải thiện ở nông thôn chậm hơn. Vùng núi cao, đồng bào dân tộc được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, có nơi 30% hoặc hơn.

Khoảng cách về thu nhập và mức sống của nông dân so với mức chung bình quân của cả nước, nhất là vùng đô thị phát triển giãn ra. Tôi hiểu Chủ tịch hội nông dân Việt Nam chủ yếu nói ý này.

Vì thế, cần nỗ lực to lớn hơn, để thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, để cải thiện đời sống bà con nhanh hơn, để không bị tụt hậu, khoảng cách phát triển giữa các vùng không bị lớn hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận như vậy.

Văn kiện Đại hội nói rõ trong nhiệm kỳ tới xây dựng cơ chế để thị trường quyền sử dụng đất vận hành có hiệu quả, thông qua đó thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Vận hành thị trường quyền sử dụng đất hiệu quả

- Cụ thể làm thế nào, thưa Bộ trưởng?

Để đạt mục tiêu ấy, cần rất nhiều nỗ lực. Thực tế, Bộ Chính trị. Trung ương Đảng, và Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, trong đó có tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hai chương trình song hành và đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống người dân nông thôn. Tái cơ cấu giúp nền nông nghiệp phát triển nhanh hơn, tốt hơn. Nông thôn mới hướng tới cải thiện toàn diện hơn điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Cách đây 30 năm đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, bắt đầu từ trong nông nghiệp. Giờ đây, cần tiếp tục đổi mới để cơ chế thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Báo cáo văn kiện Đại hội XII đã nêu rõ: tiếp tục xác lập các thị trường đồng bộ: các loại vật tư, sản phẩm phải lưu thông hiệu quả hơn. Những loại chưa rõ lắm như thị trường về quyền sử dụng đất, văn kiện Đại hội nói rõ trong nhiệm kỳ tới xây dựng cơ chế để thị trường quyền sử dụng đất vận hành có hiệu quả, thông qua đó thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp, thì không có ruộng.  Chúng ta sẽ thực hiện qua cơ chế thị trường, cụ thể là thị trường quyền sử dụng đất.

Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn.

Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do tôi tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp  & phát triển nông thôn Cao Đức Phát

- Dù nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi nhưng người nông dân bỏ quê ra tỉnh rất nhiều. Suy nghĩ của Bộ trưởng và tham mưu cho Đảng, Nhà nước để giải quyết tình trạng này?

Có 2 vấn đề. Thứ nhất, việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ cũng chỉ khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do tôi tự tính toán, chỉ có 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico 13,5 triệu. Nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu.

Việt Nam đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hoá, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro. Tuy nhiên, họ có thu nhập cao hơn.

Vấn đề là tại sao họ không có cuộc sống tốt hơn ở ngay quê hương mình, không phải đi vào khu vực nhiều rủi ro? Đó cũng là vấn đề chúng tôi rất trăn trở.

Việt Nam phải tiếp tục Đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn. Tiếp tục phát triển ở ngay khu vực nông thôn nhanh và mạnh hơn, để người dân có việc làm và đời sống tốt hơn. Đồng thời phải đẩy mạnh nông thôn mới, để cải thiện điều kiện sống của người dân.

Tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn giảm tương đối, ví dụ như từ khối doanh nghiệp. Chỉ 1% các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp FDI cũng chỉ 3%. Chúng ta cố gắng huy động nguồn lực từ ngân sách, quan trọng hơn, tiếp tục đổi mới chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn để doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn, nhất là doanh nghiệp trong nước.

Đây là điểm mới then chốt trong nỗ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cùng với hỗ trợ cho nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn.

Không gây khó cho nông dân

- Thực tế để triển khai nông thôn mới, người nông dân, đối tượng đáng ra cần được hỗ trợ, tiếp sức thì lại phải góp sức, góp của cùng nhà nước phát triển hạ tầng. Trong khi đó, người dân đô thị không phải chia gánh nặng với nhà nước. Bình luận của ông?

Đúng là chúng ta mong đợi điều kiện sống ở nông thôn cải thiện nhanh hơn, trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng đòi nguồn lực to lớn.

Thực hiện nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng cam kết cứ 5 năm, ngân sách tăng gấp đôi. Thực tế 5 năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì nguồn lực vẫn hạn chế, thấp so với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, ở nhiều địa phương, đáp ứng mong đợi của bà con, chính quyền và các cấp ủy đứng ra tổ chức người dân, bàn bạc và thống nhất sự đóng góp của bà con để thực hiện nhanh hơn, đáp ứng mong đợi.

Trong xây dựng nông thôn mới, bà con góp đất, công sức và cả tiền bạc để xây dựng cơ sở hạ tầng mà bà con cho rằng thiết yếu nhất. Tinh thần chỉ đạo của chính phủ là đóng góp của nhân dân là dân chủ, do dân bàn và quyết định, không được gượng ép, gây khó cho nông dân.

Đúng là thực tế, ở đô thị, nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, gần từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho nông dân. Nhưng trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ.

Theo Zing