Không có nhiệm vụ tư vấn trong biên soạn sách giáo khoa.
Năm 2015, NXB GD đã mời Sở GD&ĐT TP.HCM tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn để thực hiện bộ sách giáo khoa miền Nam và chi trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Sở.
Tại Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 về việc chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM của NXB GD đã nêu rõ chức danh của từng người và mức thù lao tương ứng.
Cụ thể, danh sách nhận thù lao gồm ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (Trưởng Ban), ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc (Phó Trưởng ban) và các phó, chánh văn phòng, trưởng phó phòng chuyên môn là ủy viên. Mức thù lao mỗi tháng cho Trưởng Ban là 6 triệu đồng, Phó Trưởng ban là 5 triệu, ủy viên thường trực 4 triệu và ủy viên 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT TP.HCM lại cho rằng họ tham gia với tư cách chuyên gia tư vấn chuyên môn, nên nhận thù lao là hợp lý. Song, trên thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý ngành giáo dục của TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM có được thực hiện hành vi này hay không?
Quyết định số 778/QĐ-NXBGDVN ngày 29/9/2015 về việc chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM của NXB GD
|
Trao đổi với VietTimes, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam - cho biết, theo quy định về Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở GD&ĐT tại Điều 2 Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 29/05/2015 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng GD&ĐT thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Sở GD&ĐT không có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia với tư cách chuyên gia tư vấn chuyên môn trong biên soạn sách giáo khoa.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết, theo Điều 9 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa quy định về Quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thì quy trình biên soạn sách giáo khoa chỉ có sự tham gia, phối hợp của Bộ GD&ĐT với chức năng tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.
Do đó, việc tham gia biên soạn sách giáo khoa của Sở GD&ĐT TP.HCM là không có cơ sở pháp luật cũng như không có căn cứ để nhận tiền từ doanh nghiệp (NXB GD).
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM
|
Đề nghị không được tham gia vào quy trình thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Lưu Đức Quang - Giảng viên Luật Hiến pháp - Trường Đại học Kinh tế - Luật, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, cho rằng hành vi tham gia biên soạn sách giáo khoa và nhận thù lao của Sở GD&ĐT TP.HCM có dấu hiệu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và xâm hại đến uy tín của UBND TP.HCM và Sở GD&ĐT TP.HCM.
Theo ông Lưu Đức Quang, cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét có hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này hay không. Nếu có hành vi vi phạm, phải xử lý kịp thời và thích đáng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, ông Quang đề xuất các thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam không được tham gia vào quy trình, hay làm thành viên Hội đồng thẩm định, tư vấn của Sở GD&ĐT TP.HCM hoặc UBND TP.HCM về việc lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh trên địa bàn TP.HCM.