“Shin Coffee”: con đường gian nan của một thương hiệu cà phê Việt

VietTimes -- Trước khi lập ra Shin Coffee, chủ nhân của nó đã phải mất 5 năm thai nghén ý tưởng; sang tận Nhật để tu nghiệp; dồn hết vốn liếng để lập nghiệp và vài lần… phá sản, mất cả nhà cửa. Thế mới biết để có được thành công, khởi nghiệp là con đường đầy rẫy chông gai.
Pha cà phê là một nghệ thuật (Ảnh HB)
Pha cà phê là một nghệ thuật (Ảnh HB)

Máy pha cà phê bằng chiếc xe hơi

Những chiếc máy pha cà phê  được nhập khẩu về có giá trị ngang với những chiếc xe hơi phổ thông, chừng 10.000 USD đến 15.000 USD. Nhưng nghịch lý là máy móc dù hiện đại, đầu tư đắt tiền, cộng với yếu tố con người dù rất tâm huyết, chỉ được đánh giá là chiếm 30% thành công của ly cà phê, 70 % còn lại thuộc về chất lượng của nguyên liệu. 

Chiếc máy pha cà phê này ngang giá chiếc ô tô (Ảnh HB)

Chiếc máy pha cà phê  này ngang giá chiếc ô tô (Ảnh HB)

Nguyễn Hữu Long – người sáng lập Shin cà phê đã phải mất đến 5 năm thai nghén ý tưởng và dồn hết vốn liếng sau quãng thời gian học tập ở Nhật trở về. Trước đó, cũng vì đam mê với cà phê, ông Long đã thất bại sau vài lần khởi nghiệp, lần thì đi bỏ mối cà phê, lần thì mở quán cà phê có cây cảnh, đặt tên là Bonsai. Thất bại khi kinh doanh xuống dốc, Nguyễn Hữu Long đã mất cả căn nhà mà phải rất vất vả mới mua được.

“Năm 2010. Với vốn tiếng Nhật khá tốt và nhờ có sự động viên của cha nuôi người Nhật, tôi quyết định nộp đơn xin việc ở Nhật Bản rồi sang Nhật làm việc. Công việc thực sự chẳng có gì thú vị, tôi lao vào làm chỉ đơn thuần là để có thu nhập. Nhưng chính trong thời gian làm việc tại đất nước này, tôi được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là trong tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị” – ông Nguyễn Hữu Long nhớ lại.

“Hướng tới cà phê cao cấp bắt buộc phải kiểm soát được chất lượng nguyên liệu. Chúng tôi phải lặn lội đi tìm những vùng có chất đất, độ cao, hướng nắng phù hợp, lựa chọn giống, đặt hàng người nông dân trồng. Công đoạn thu hái cũng phải theo đúng yêu cầu và bao tiêu sản phẩm cho họ với giá cao hơn thị trường để bà con yên tâm canh tác” - Nguyễn Hữu Long kể.

“Khi cà phê chín, thường thì bà con sẽ hái quả ở tỷ lệ 70% chín và 30% còn lại là trái xanh. Nhưng độ chín của trái cà phê sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến độ đường của thịt quả ngấm vào hạt cà phê khi sơ chế. Mà nếu thu hái riêng thì chi phí sẽ tăng cao. Chính vì vậy, chúng tôi buộc phải bao tiêu cho bà con với giá cao hơn thị trường để bà con yên tâm thu hái theo đúng yêu cầu bắt buộc là chỉ thu hái trái chín” - ông Trương Thành Trung, điều hành hệ thống Shin cà phê giải thích thêm.

Một ly Americano (hot brew)

Một ly Americano (hot brew) 

Lan tỏa lối sống sạch

Ở Shin cà phê, khi người pha chế rót cà phê xuống ly, trên tay trái bao giờ cũng cầm theo chiếc nhiệt kế để đo nhiệt độ của cà phê, với yêu cầu đạt 90-92 độ C, đó là pha cà phê theo phương pháp hot brew. Còn với các thực khách đam mê món đồ uống pha theo phương pháp cold brew thì cà phê phải được pha chế để cà phê có thể lên men hoàn toàn ở nhiệt độ thường, từ 12 đến 24 tiếng trước khi uống, bảo quản lạnh; hương cà phê sẽ nồng hơn, có phảng phất một chút vị rất lạ, như rượu vang, với nguồn cà phê nhập từ Nicaragoa, Ethiopia… được các “tín đồ” cà phê rất hào hứng thưởng thức.

Dù biết rõ vùng nguyên liệu của Việt Nam chỉ có thế mạnh Robusta với chất lượng hạt cà phê tốt, có độ caffeine cao chứ không phải Arabica – với thế mạnh về mùi và vị để nâng tầm văn hóa của món đồ uống này nhưng Nguyễn Hữu Long và Trương Thành Trung vẫn quyết tâm đi theo đam mê, khởi nghiệp lần nữa với con đường hẹp góp phần xây dựng văn hóa cà phê.

Không gian Shin cà phê rất phù hợp để tiếp đối tác và bạn bè trong và nước ngoài (Ảnh HB)
Không gian Shin cà phê rất phù hợp để tiếp đối tác và bạn bè trong và nước ngoài (Ảnh HB)  

“Ba năm trước khách đến Shin hầu như chỉ toàn người nước ngoài. Bây giờ, khách Việt đã chiếm tới hơn 50%. Thời gian gần đây các trang trại trồng cà phê chất lượng cao cũng tăng lên nhiều hơn. Đó là những tín hiệu vui. Bằng chứng là để máy pha espresso có thể hoạt động tốt nhất thì hạt cà phê phải mộc. Nếu quá trình rang có tẩm bơ thì vô tình sẽ làm tăng độ dầu, bịt kín lối xuống của hơi, đẩy ngược áp suất trở lại vào trong máy, giảm tuổi thọ máy. Có thể thấy bà con nông dân đã tôn trọng cam kết” – ông Nguyễn Hữu Long khẳng định.

“Từ những cái mầm xuất phát nhu cầu uống cà phê sạch, chúng tôi hy vọng có thể trồng cả một khu rừng, lan tỏa lối sống tốt đẹp trong xã hội. Cố gắng hết sức và không sợ sai; cuối năm 2018 này, chúng tôi sẽ tiến lên một bước mới là gói ghém sản phẩm để người dùng có thể mua về nhà và vẫn thưởng thức được cà phê thật với đẳng cấp gần như khi khách tới quán. Với mong muốn nâng văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt lên thêm từng bậc, đạt yêu cầu nguyên chất, sạch và pha đúng phương pháp; tạo nên phong trào tốt, lối sống sạch” - ông Trương Thành Trung khẳng định.

Chuyên gia quản lý chất lượng cà phê tầm thế giới

Nguyễn Hữu Long được cấp chứng nhận quản lý chất lượng cà phê Q Crader của Mỹ - xác nhận chuyên gia quản lý chất lượng cà phê tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, ông Long còn là thành viên SCAJ, một tổ chức chuyên về cà phê ở Nhật Bản và được SCAJ cấp giấy chứng nhận “Coffee Meister” – người được đào tạo chuyên sâu kiến thức cà phê. Hệ thống Shin Coffee bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2015 tại TP HCM.

“Nếu có rủi ro xảy ra với công việc kinh doanh, tôi sẽ tiếp tục là chuyên gia tư vấn, quản lý chất lượng cà phê để chia sẻ kiến thức và hỗ trợ cho người khác. Tôi sẵn sàng đi làm thuê để có thể duy trì được đam mê và tâm nguyện lâu dài của mình” – ông Nguyễn Hữu Long nói.