Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Dù còn phải đối mặt không ít rào cản, kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sản xuất, dịch vụ và công nghệ. Để khu vực này thực sự trở thành động lực phát triển, cần cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
VietTimes có cuộc trò chuyện với TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng về các định hướng phát triển kinh tế tư nhân.

- Ông cảm nhận thế nào về quyết tâm của lãnh đạo cấp cao, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?
- Tôi được biết, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế tư nhân thời gian qua và trong kỷ nguyên mới. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm, cam kết thúc đẩy khu vực này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều này thể hiện qua các chủ trương, chính sách và hành động rất cụ thể.
Trong các văn kiện quan trọng đã khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế" và cần được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ, bền vững. Các văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh việc "khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Cùng với đó, chúng ta có những bước cải thiện môi trường kinh doanh để “cởi trói” cho kinh tế tư nhân. Chính phủ đã liên tục cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tiếp cận thị trường. Điều đó được thể hiện qua chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện những năm qua.
Liên quan đến pháp lý, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được sửa đổi nhằm giảm rào cản, khuyến khích khởi nghiệp và sáng tạo. Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường cho doanh nghiệp tư nhân.
Chính phủ đã có nhiều hành động để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đó là việc hỗ trợ startup, thúc đẩy sáng tạo và chuyển đổi số.
Một điểm vô cùng quan trọng, sự công bằng giữa các thành phần kinh tế đã được thực thi một cách quyết liệt. Đảng, Nhà nước đã cam kết và thực hiện không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Thực tế cho thấy, các chính sách như đấu thầu công khai, giảm ưu đãi độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước giúp doanh nghiệp tư nhân có cơ hội phát triển.
- Nhìn lại chặng đường vừa qua, quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân được đảm bảo như thế nào, thưa ông?
- Nhìn nhận một cách tổng, quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân trong những năm qua có nhiều cải thiện. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng minh bạch, thông thoáng hơn. Cải cách hành chính được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương đã gỡ vướng rất nhiều cho kinh tế tư nhân. Việc này cũng giảm gánh nặng pháp lý cũng như tài chính cho doanh nghiệp. Nước ta ngày càng được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, tiềm năng hơn.
Thực tế cho thấy, các chính sách gần đây hướng tới việc giảm ưu đãi độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực trước đây bị hạn chế như năng lượng, hạ tầng, logistics… Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào nền kinh tế.

Trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế như giai đoạn Covid-19, hay suy thoái kinh tế thế giới, khu vực kinh tế tư nhân đã được hỗ trợ về tài chính và công nghệ. Các gói hỗ trợ tài chính (đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh) đã giúp nhiều doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn. Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến. Nhà nước đã giao, đặt hàng cho kinh tế tư nhân thực hiện các công việc lớn, dự án lớn. Điều này cho thấy sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với khu vực này.
Tuy nhiên tôi cho rằng, mặc dù quyền lợi của khối kinh tế tư nhân đã được cải thiện theo hướng tích cực hơn, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn thách thức.
Thứ nhất là chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính vẫn là rào cản. Một số thủ tục cấp phép, thuế, hải quan vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và chi phí cao cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ do quy trình thủ tục rườm rà.
Thứ hai, việc tiếp cận vốn còn hạn chế. Dù có chính sách ưu đãi tín dụng, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn do yêu cầu thế chấp cao và thủ tục vay phức tạp. Các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp gặp nhiều thách thức khi huy động vốn từ ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Thứ ba, việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Thực tế cho thấy vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp bị gây khó dễ bởi một số cơ quan quản lý địa phương, dẫn đến chi phí không chính thức. Cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế đôi khi chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân.
- Theo ông, để khối kinh tế tư nhân phát triển hơn, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, chúng ta cần những giải pháp gì?
- Việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam thời điểm này và giai đoạn tới, đòi hỏi một chiến lược toàn diện, đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến hỗ trợ vi mô. Với những suy nghĩ của mình, tôi đưa ra những giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh. Cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nhà nước cần đảm bảo quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, nhiều người nói rằng, nguồn vốn là “máu” của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng cần cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng. Đó có thể là tín dụng ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Chính phủ cần có chủ trương khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay dựa trên phương án kinh doanh thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp. Đặc biệt là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba là vấn đề nhân lực. Khi đã có chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đã có nguồn tín dụng thì cần phải phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ cần định hướng nguồn nhân lực cho tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tự thân hợp tác với các cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng lao động.
Thứ tư, một vấn đề sống còn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0 - thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số để thích ứng với xu hướng thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và tham gia vào nền kinh tế số, xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Vấn đề thứ 5 là một tầm nhìn dài hạn hơn. Đó là có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Tôi cho rằng chỉ khi các doanh nghiệp bỏ được tâm lý “ăn xổi”, có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững thì mới có thể vươn ra biển lớn được.
- Cơ chế đặt hàng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư dự án lớn đang rất được quan tâm. Ông có thể phân tích cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội trưởng thành thế nào?
- Chúng ta có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thời gian qua đã tham gia vào các dự án lớn hoặc khẳng định được tên tuổi, thương hiệu của mình trên trường quốc tế. Vì thế, khối kinh tế tư nhân luôn sẵn sàng nhận sự “đặt hàng” của Chính phủ ở bất cứ lĩnh vực nào để giúp nền kinh tế phát triển.
Tôi cho rằng, cơ chế đặt hàng cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Việc “đặt hàng” ở các dự án lớn sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Họ sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các dự án lớn, thay vì bị giới hạn trong các thị trường nhỏ lẻ. Ngoài ra, khi đã thực hiện được các dự án lớn đó, chắc chắn sẽ giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc này cũng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp tư nhân với nhau và với các doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Và một điều vô cùng quan trọng nữa là việc đặt hàng sẽ tối ưu hóa nguồn lực của nền kinh tế. Trước đây, doanh nghiệp nhà nước hầu như thực hiện tất cả các nhiệm vụ mà Nhà nước giao. Tuy nhiên, nếu việc đặt hàng được diễn ra, Nhà nước có thể khai thác hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân, tận dụng được vốn, công nghệ, nhân lực và ý tưởng sáng tạo. Nó còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước khi doanh nghiệp tư nhân có thể huy động vốn từ xã hội thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách.
Tóm lại, theo quan điểm cá nhân của tôi, cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân là một hướng đi đúng đắn, giúp tận dụng nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu thực hiện minh bạch, công bằng và hiệu quả, cơ chế này sẽ giúp kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đồng thời đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.
- Theo ông, kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giúp đất nước vươn mình ra sao trong thời gian tới?
- Nhìn vào thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước. Khối này tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Có thể nói, hiện nay, cả tỉnh thành, lĩnh vực đang “sôi sục”, lên kế hoạch tăng trưởng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam. Và khối kinh tế tư nhân cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Tôi cho rằng, khối kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Kinh tế Việt Nam phát triển với thế “tam mã song hành” là khu vực doanh nghiệp Nhà nước – Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – Kinh tế tư nhân. Trong đó, "con ngựa" năng động nhất chính là khối kinh tế tư nhân. Thực tế đã chứng minh điều đó khi hộ kinh doanh cá thể và khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định: “Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân cần khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân, phải tạo ra một động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Cần xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường”.
Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện tầm nhìn vô cùng sâu rộng. Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn, bởi nếu không lấy kinh tế tư nhân làm động lực thì Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số và rất khó để thực hiện mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-Trân trọng cảm ơn ông!