SHB chuyển nhượng vốn tại SHBS cho 3 cá nhân, SHBS và SHS bao giờ sáp nhập?

VietTimes - Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) đã công bố thông tin bất thường về việc Chuyển nhượng cổ phiếu của SHB tại CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBS). Đối tác nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần có thể là 3 cá nhân.
Ảnh minh họa (Nguồn: SHB)
Ảnh minh họa (Nguồn: SHB)

Theo đó, HĐQT của SHB đã Quyết định số 368/QĐ-HĐQT ngày 18/12/2017 về việc thoái vốn toàn bộ tại Công ty con là SHBS. Cụ thể, SHB sẽ chuyển nhượng 14,7 triệu cổ phần tại SHBS với giá dưới mệnh giá là 7.850 đồng/cổ phần. Tổng giá trị chuyển nhượng đạt 115,9 tỷ đồng.

Thông tin mà SHBS công bố cho biết, ngày 23/10/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước(UBCKNN) đã có Quyết định số 982/QĐ-UBCK về việc Chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của công ty chứng khoán. Theo đó, UBCKNN đã chấp thuận việc giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu phần vốn góp từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của SHBS cho các cá nhân và tổ chức có tên trong danh sách kèm theo (quyết định có hiệu lực trong vòng 90 ngày kể từ ngày Quyết định có hiệu lực).

SHB chuyển nhượng vốn tại SHBS cho 3 cá nhân, SHBS và SHS bao giờ sáp nhập? ảnh 1 Phụ lục kèm theo Quyết định số 982/QĐ-UBCK (Nguồn: SHBS)
Dựa trên danh sách chuyển nhượng, có thể thấy đã có 3 cá nhân nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn của SHB là Trần Tuấn Dương, Bùi Anh Tuấn, Trần Đình Khánh. 

Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, SHBS đã Thông qua việc sáp nhập CTCP Chứng khoán SHB (UPCOM: SHS) vào SHBS theo nội dung tờ trình số 03/2017/TTr-HĐQT với số phiếu tán thành đạt 100%.  ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của SHS diễn ra ngày 26/4/2017 cũng thông qua việc hợp nhất, sáp nhập giữa 2 công ty. Đáng chú ý là hai công ty chứng khoán này đều có chung cổ đông là SHB.

Lý do được ban lãnh đạo SHS đưa ra là thương hiệu SHBS và thương hiệu SHS đang tạo ra sự nhầm lẫn trên thị trường, đồng thời thực chất hai Công ty đang có cổ đông và gắn thương hiệu với cùng một ngân hàng (SHB). Việc sáp nhập sẽ giúp cho việc thống nhất lại một Công ty mới có quy mô lớn hơn, năng lực cạnh trnah lớn hơn và tiềm năng tăng trưởng hơn trong tương lai. Đồng thời tạo ra một công ty chứng khoán mạnh mẽ và hiệu quả hơn trên nền tảng của SHS, kế thừa toàn bộ các điểm mạnh về nhân sự, hệ thống công nghệ, mạng lưới chi nhánh, hệ thống khách hàng, thương hiệu sản phẩm mà SHBS đang có.

Số lượng cổ phiếu phát hành để hoán đổi sẽ bằng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của SHBS x Tỷ lệ hoán đổi. Đối tượng phát hành là cổ đông của công ty mục tiêu theo Hợp đồng sáp nhập. HĐQT quản trị sẽ quyết định tỷ lệ hoán đổi dựa trên tương quan giá trị cổ phiếu, các lợi thế của các bên tham gia sáp nhập. Thời gian thực hiện trong năm 2017.

Chưa rõ sau khi chuyển nhượng toàn bộ vốn cho 3 cá nhân kể trên, SHS và SHBS sẽ tiến hành sáp nhập theo phương thức nào. 

SHBS và SHS cùng chung thương hiệu do đâu?

SHBS tiền thân là CTCP CK Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) và trở thành công ty con của Ngân hàng THMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) từ năm 2012 sau khi Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội sáp nhập vào SHB. Trong khi đó, SHS là công ty chứng khoán được thành lập năm 2007 và có cổ đông sáng lập là SHB. Như vậy, hiện nay, SHS và SHBS là hai công ty chứng khoán hiện đang cùng mang thương hiệu với cùng một ngân hàng, có chung cổ đông.

Qua thời gian dài gần 10 năm hoạt động với quá trình xây dựng không mệt mỏi, cả SHS và SHBS đều đang duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp với nhiều nét tương đồng dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Do vậy, Ban lãnh đạo của SHS kỳ vọng, với sự tương thích và hòa hợp về văn hóa của hai doanh nghiệp sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh vô cùng quý giá, qua đó góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau sáp nhập.