Kết quả kinh doanh vẫn còn quá xa so với mục tiêu
Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu của Tập đoàn ThaiBev đạt 189,99 tỷ Baht (tương đương 129,4 nghìn tỷ VND), không tăng trưởng đột biến so với cùng khoảng thời gian năm 2016 (BCTC chưa kiểm toán). Công ty mẹ không phát sinh doanh thu do chỉ tham gia đầu tư và quản lý, các công ty con sẽ sản xuất trực tiếp.
Ở chiều hướng ngược lại, tổng các khoản chi phí hợp nhất đạt 163,45 tỷ Baht (111,3 nghìn tỷ VND - chiếm 85,72% doanh thu), bao gồm: Giá vốn hàng bán (131,89 tỷ Baht - 89,9 nghìn tỷ đồng); Chi phí bán hàng (18,5 tỷ Baht - 12,6 nghìn tỷ VND); Chi phí quản lý (12 tỷ Baht - 8,1 nghìn tỷ VND) và Chi phí tài chính (0,98 tỷ Baht - 667,5 tỷ VND).
Xét về cơ cấu doanh thu từ sản phẩm, Tập đoàn tập trung chủ lực vào 4 lĩnh vực chính là: Rượu, Bia, Đồ uống không cồn (nước đóng chai, cà phê lon, nước tăng lực, trà xanh, nước uống hoa quả) và Thực phẩm (gồm các khách sạn tại Nhật Bản và hệ thống phân phối Thực phẩm và Đồ uống).
Kết quả kinh doanh theo mặt hàng cũng đã phần nào thể hiện được thế mạnh của Tập đoàn ThaiBev trong lĩnh vực Rượu, Bia tại Thái Lan. Theo thông tin thêm từ hãng đánh giá tín nhiệm TRIS, trong phân khúc rượu nâu, ThaiBev đã chiếm lĩnh 95% thị phần về doanh số bán hàng thông qua hệ thống siêu thị (off-trade channel) tại Thái Lan. Còn trong lĩnh vực Bia, Tập đoàn cũng là một trong 2 nhà sản xuất bia lớn nhất Thái Lan, hiện đang duy trì thị phần ở ngưỡng 38%. Trong lĩnh vực Đồ uống không cồn, Tập đoàn cũng giữ vị trí dẫn đầu về các sản phẩm nước trà đóng chai, và cũng là ông lớn trong lĩnh vực nước giải khát có gas tại Thái Lan.
Một số hãng đánh giá tín nhiệm cũng nhận xét Tập đoàn có “mô hình kinh doanh mạnh mẽ”, bắt nguồn từ vị trí dẫn đầu trong từng phân khúc lĩnh vực kinh doanh ở Thái Lan với danh mục sản phẩm đa dạng.
Bên cạnh đó, ThaiBev còn ghi nhận khoản thu nhập từ “thay đổi lợi ích từ các khoản đầu tư của công ty liên kết” (Effect of change of interest in other investment of associate) là 8,49 tỷ Baht (5,9 nghìn tỷ VND). Phần thuyết minh BCTC của ThaiBev cho biết, khoản mục này xuất phát từ việc công ty liên kết Fraser and Neave đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk lên mức 18,74% và bầu thêm 1 thành viên tham gia HĐQT (trong quý III/2017), nên điều chỉnh từ khoản đầu tư tài chính thành công ty liên kết. Do đó, tuân theo chuẩn mực kế toán số 28 của Singapore, Fraser and Neave đã đánh giá lại khoản đầu tư tại Vinamilk và ThaiBev đã ghi nhận lại theo tỷ lệ nắm giữ tại Fraser and Neave.
Trong năm tài chính 2017, Tập đoàn ThaiBev đạt 34,68 tỷ Baht lợi nhuận hợp nhất (23,6 nghìn tỷ VND), dòng tiền ròng thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng lên tới 29,5 tỷ Baht (20 nghìn tỷ VND).
Tuy nhiên, xét trên góc độ địa lý, vấn đề của ThaiBev đang gặp phải chính là doanh thu chủ yếu đến từ trong nước (Thái Lan) đạt 184,46 tỷ Baht (125,64 nghìn tỷ VND), chiếm tới 96,74%, một tỷ lệ chưa đạt kỳ vọng so với tầm nhìn năm 2020 mà tập đoàn đã đề ra (tỷ lệ doanh thu đến từ nước ngoài chiếm tới hơn 50% doanh thu).
Nếu so với số tiền phải bỏ ra gần 110 nghìn tỷ VND để mua cổ phần Sabeco, gần như ThaiBev đã bỏ ra số tiền tương đương với doanh thu trong một năm của cả tập đoàn.
Cần phải xét đến chất lượng tài sản và nguồn vốn của tập đoàn này để đánh giá được “dư địa” cung cấp một nguồn tiền mặt lớn đến như vậy.
Tiềm lực tài chính hùng mạnh
Tổng tài sản tại ngày 30/09/2017, theo BCTC hợp nhất của Tập đoàn ThaiBev đạt 194,24 tỷ Baht (137,82 nghìn tỷ VND), chỉ nhỉnh hơn 25% khoản đầu tư vào Sabeco.
Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 55,92 tỷ Baht (38 nghìn tỷ VND), chiếm 28,8% tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Lượng tiền mặt đạt 9,9 tỷ Baht (6,7 nghìn tỷ VND - chủ yếu là đồng nội tệ), chiếm 5% tổng tài sản, phần lớn là các khoản tiền gửi tiết kiệm (chưa rõ kỳ hạn) tại ngân hàng đạt 8,9 tỷ Baht (khoảng 6,06 nghìn tỷ VND), tăng 2,34 lần so với đầu năm. Các khoản phải thu với 83 công ty có liên quan chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu tài sản.
Giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/09/2017 đạt 37,7 tỷ Baht (25,7 nghìn tỷ VND-không có nhiều biến động so với thời điểm đầu năm), bao gồm các thành phần chủ yếu như: Thành phẩm tồn kho đạt 14 tỷ Baht (9,5 nghìn tỷ VND); Đồ uống có cồn thành phẩm (Maturing Spirits) đạt 13,2 tỷ Baht (8,99 nghìn tỷ VND); Sản phẩm dở dang đạt 4,6 tỷ Baht (3,1 nghìn tỷ VND); Nguyên vật liệu đạt 2,6 tỷ Baht (1,77 nghìn tỷ VND).
Khoản mục Tài sản dài hạn ghi nhận 138,32 tỷ Baht (94,2 nghìn tỷ VND) tại ngày 30/09/2017, bao gồm chủ yếu: Khoản đầu tư vào công ty liên kết đạt 78,4 tỷ Baht (52 nghìn tỷ VND); Bất động sản, nhà xưởng và máy móc thiết bị (PPE) đạt 48,53 tỷ Baht (33 nghìn tỷ VND); Lợi thế thương mại ghi nhận 6,9 tỷ Baht (4,7 nghìn tỷ VND).
Nợ phải trả tại thời điểm 30/09/2017, đạt 61,7 tỷ Baht (42 nghìn tỷ VND) giảm nhẹ so với 2016, chiếm 31,76% tổng nguồn vốn. Trong đó, các khoản nợ phải trả ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 47,67 tỷ Baht (32,5 nghìn tỷ VND), chiếm 77,15% nợ phải trả. Các nghĩa vụ nợ có phát sinh lãi được Tập đoàn ThaiBev thuyết minh chi tiết.
Nghĩa vụ nợ có phát sinh lãi kỳ hạn ngắn tăng 1,6 lần, lên mức 30,6 tỷ Baht (20,8 nghìn tỷ VND), bao gồm chủ yếu là giá trị Hối phiếu và các khoản nợ dài hạn đến hạn trả các Tổ chức tín dụng (Current Portion of Bill of exchanges and long – term loans from financial institutions) loại hình “Unsecured” đạt 24,95 tỷ Baht (16,99 nghìn tỷ VND).
Tính đến thời điểm 30/09/2017, dư nợ và Hối phiếu kỳ hạn ngắn của tập đoàn này lần lượt là 1,74 và 3,95 tỷ Baht (tương đương 1.185 và 2.960 tỷ VND) , bao gồm Chứng từ ghi nhận nợ của Tập đoàn và Công ty mẹ với một số tổ chức tài chính trong nước và Hối phiếu do công ty mẹ phát hành với lãi suất được quyết định bởi các tổ chức tài chính.
Các nghĩa vụ nợ có phát sinh lãi kỳ hạn dài chủ yếu là khoản 33 tỷ Baht (22,4 nghìn tỷ VND), liên quan đến 3 tổ chức tài chính được trả từ 12/2017 đến 3/2019 mức lãi suất từ 1,88 – 3,1%/năm.
Tập đoàn ThaiBev cũng đang tích lũy tiềm lực lớn tại nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng vốn chủ sở hữu của Tập đoàn ThaiBev đạt 132,51 tỷ Baht (90,2 nghìn tỷ VND). Trong đó nguồn vốn điều lệ (Authorised shares) ghi nhận giá trị 25,1 tỷ Baht (17 nghìn tỷ VND). Nguồn lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đạt 106,01 tỷ Baht (72,2 nghìn tỷ VND), tăng 19,29 tỷ Baht (13,1 nghìn tỷ VND) so với đầu năm.
Ba cổ đông lớn nhất chiếm 94,27% vốn chủ sở hữu của Tập đoàn ThaiBev là Siriwana Company Limited; The Central Depository (Pte) Limited và Maxtop Management Corporation. Đây đều là các công ty có liên quan trực tiếp tới vị tỷ phú Charoen.
Theo các chuyên gia phân tích tại các CTCK thị trường Singapore, Tập đoàn ThaiBev hoàn toàn có thể xử lý vấn đề nguồn vốn (lượng tiền mặt dồi dào đủ bù đắp chi phí lãi vay) để đầu tư không chỉ vào thương vụ Sabeco. Với mức lãi vay tại Thái Lan đang ở mức thấp, chỉ khoảng 1,5%, ThaiBev vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A tại các thị trường tiềm năng như Việt Nam và Myanmar. Nhưng để huy động lượng lớn tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn cũng sẽ là thách thức mà vị tỷ phú Charoen chắc hẳn đã có tính toán từ trước.
Được biết trước thời điểm bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua cổ phần của Bộ Công thương tại Sabeco, Tập đoàn này cũng đã gia nhập thị trường Myanmar thông qua thâu tóm (nắm giữ 75% vốn) Myanmar Supply Chain and Marketing Services (MSC) và Myanmar Distillery (MDC) – các doanh nghiệp được đánh giá là những nhà sản xuất và phân phối Rượu lớn nhất tại Myanmar, với chi phí đầu tư 742 triệu USD.
Do năm tài chính mới được chuyển đổi từ năm 2016, bắt đầu từ ngày 01/10/2016 đến 30/09/2017, nhiều chỉ tiêu trong báo cáo kết quả kinh doanh của Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) đã tỏ ra vượt trội so với 9T/2016. Bên cạnh việc trình bày Báo cáo tài chính (BCTC) theo đúng quy định, Tập đoàn ThaiBev cũng đã trình bày lại một số phần trong BCTC năm 2016 (chưa kiểm toán) cùng khoảng thời gian với năm tài chính mới, nhằm giúp người sử dụng BCTC có thể so sánh và tiến hành phân tích, trong đó có thể kể đến như: Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo dòng tiền…
Tỷ giá THB/VND = 681,14 theo tỷ giá Vietcombank ngày 19/12/2017.