Theo báo cáo của Cục Quản lý đường bộ 3 (Tổng cục Đường bộ VN), hiện trên địa bàn quản lý hiện có 17 dự án BOT với 18 trạm thu phí. Trong đó, 16 trạm thu phí đã tổ chức kinh doanh thu phí hoàn vốn, còn 1 dự án nâng cấp tuyến QL26 qua tỉnh Khánh Hòa và đoạn tuyến qua tỉnh Đắk Lắk với 2 trạm thu phí đang trong giai đoạn đầu tư.
Bên cạnh việc đưa vào khai thác, thu hoàn vốn đầu tư thì việc quản lý, bảo trì cho các dự án BOT, việc thống nhất các nội dung liên quan đến công tác bảo trì đường bộ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các nhà đầu tư BOT cũng được các đại biểu đưa ra đánh giá.
Liên quan đến công tác sửa chữa các hư hỏng phát sinh, ông Bùi Tô Hoài, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, theo quy định Bộ GTVT, các dự án BOT có thời hạn bảo hành 4 năm, nên tất cả các hư hỏng phát sinh trong thời gian này, nhà đầu tư, nhà thầu phải tự bỏ kinh phí để sửa chữa. Và vấn đề thanh quyết toán cần được xem xét, kiểm tra và giám sát.
Đặc biệt, vấn đề xử lý xe quá khổ, quá tải góp phần làm hư hỏng đường được các đại biểu quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Huy Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang soạn thảo quy chế phối hợp xử phạt xe quá tải qua hệ thống kiểm tra tải trọng được tích hợp tại các trạm thu phí BOT. Khi quy chế đi vào thực tiễn, lực lượng thanh tra giao thông các Cục Quản lý đường bộ sẽ chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính đối với xe quá tải từ thông số cân tải trọng xe của các trạm thu phí.