Năm 2016, điểm số trung bình của cả nước về PCTN 2016 là 58,34/100 điểm, địa phương đạt điểm cao nhất là tỉnh Lào Cai với 77,67 điểm và địa phương có điểm thấp nhất là Vĩnh Long với 43,53 điểm, khoảng cách chênh lệch là 34,13 điểm, độ chênh lệch trung bình toàn quốc là 13,8 điểm. Có 31 địa phương có điểm số thấp hơn điểm số trung bình trên toàn quốc.
Như vậy, có thể thấy, công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 còn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng chống tham nhũng, chưa tương xứng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ: “Số điểm 58,34 điểm cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Đúng với nhận định của Đảng là tham nhũng vẫn còn phức tạp, chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Số điểm này sẽ được chuyển tới lãnh đạo các tỉnh, làm cơ sở để nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương thời gian qua, từ đó để đưa ra phương hướng hành động trong thời gian tới”.
Qua phân tích, PACA 2016 cũng chỉ ra rằng, sự quan tâm của một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động đánh giá công tác PCTN chưa đúng mức; vẫn còn "bệnh" thành tích. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả các bộ chỉ số khác có nội dung lên quan công tác PCTN nói chung như: Chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Dự án đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 theo phương pháp đánh giá của ACRC được Thanh tra Chính phủ tiến hành thí điểm thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2016 với sự hỗ trợ hợp tác của chính ACRC. Dự án có tổng kinh phí 120.000 USD. Tổ công tác triển khai dự án do Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng.
PACA 2016 tập trung đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của UBND cấp tỉnh. Hiệu quả của công tác này được tính bằng thang điểm 100, dựa trên 4 nội dung chính: Quản lý nhà nước về Phòng chống tham nhũng (20 điểm); Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Phát hiện hành vi tham nhũng (25 điểm) và Xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).
Để có được bộ chỉ số PACA 2016, phải qua 3 bước: Bước thứ nhất, UBND cấp tỉnh thiết lập hồ sơ đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá, hoàn thiện bảng tự chấm điểm gửi về Thanh tra Chính phủ.
Bước thứ hai, sau khi nhận được hồ sơ từ các tỉnh, Thanh tra Chính phủ căn cứ trên hồ sơ, tài liệu UBND cấp tỉnh cung cấp, đối chiếu với bảng tự chấm điểm, báo cáo và rà soát lại điểm tự chấm của địa phương để dự thảo báo cáo chung toàn quốc.
Bước thứ ba, đưa ra hội đồng đánh giá và kết luận.