Năm 1998, việc triển khai xây dựng các BĐ-VHX của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của người dân trên cả nước. Đến nay cả nước có hơn 8.000 BĐ-VHX tại các thôn, bản và hải đảo xa xôi. Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2018, Bưu điện Việt Nam đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 5.200 điểm BĐ-VHX. Số điểm BĐ-VHX online (được trang bị máy tính, máy in kết nối internet) lên tới 5.400 điểm.
Từ chỗ chỉ đơn thuần cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí, đến nay Bưu điện văn hóa xã đã hoạt động theo hướng đi mới, cung cấp đa dịch vụ tại điểm như: huy động tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền, bảo hiểm bưu điện, phân phối hàng tiêu dùng về nông thôn, cung cấp sản phẩm sách, vở, lịch, các thiết bị viễn thông- truyền hình kỹ thuật số phục vụ bà con nông thôn, góp phần hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, để hiện thực hóa những mục tiêu trên, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, nhất là các dịch vụ bưu chính có chất lượng quốc gia, các dịch vụ tài chính , tín dụng, tư vấn, giáo dục từ xa, y tế từ xa, thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam cần luôn đảm bảo thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ bưu chính công ích và phát triển kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Bưu điện văn hóa xã.
|
"BĐ-VHX phải là điểm tựa để triển khai các Chương trình, dự án của Chính phủ, của các Bộ, ngành về nông thôn. Đặc biệt BĐ-VHX sẽ là cánh tay nối dài của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ hành chính công tại vùng nông thôn", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng lưu ý.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, BĐ-VHX còn là nơi kết nối các dịch vụ hành chính công giữa người dân và chính quyền các cấp. Hiện Bưu điện Việt Nam đã thử nghiệm thành công mô hình BĐ-VHX cung cấp các dịch vụ hành chính công với hơn 1.500 điểm.
Một số đơn vị đã triển khai dịch vụ hẹn giờ làm thủ tục cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân tại BĐ-VHX. Đáng chú ý, một số UBND xã đã đặt bộ phận “một cửa” tại BĐ-VHX, nhân viên BĐ-VHX tham gia hỗ trợ công chức tiếp nhận, kiểm đếm hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thí điểm mô hình hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại BĐ-VHX.
"Hiện 100% các BĐ-VHX đã thực hiện chuyển đổi năng lực phục vụ theo mô hình đa dịch vụ. Đa số nhân viên BĐ-VHX là người địa phương được tuyển chọn và đào tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, phục vụ tận tình, chu đáo, được chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu, yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với ngành".
Trong thời đại 4.0 bắt buộc BĐ-VHX phải được kết nối và quản trị phẳng hóa bằng công nghệ thông tin. BĐ-VHX sẽ dần được chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh, cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT để quản lý và tạo lập được một lượng khách hàng thân thiết đủ lớn và ổn định.
Do đó, hệ thống BĐ-VHX cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hiện thực hóa một số mục tiêu đến năm 2030. Cụ thể là tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu của BĐ-VHX trên tổng doanh thu toàn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam từ 14% lên 25 - 30%, từ đó tăng thu nhập thực tế cho nhân viên BĐ-VHX; 100% BĐ-VHX online, trang bị đầy đủ máy tính, máy in…;
Cùng với đó, 100% nhân viên BĐ-VHX được đào tạo, sử dụng nhuần nhuyễn các ứng dụng CNTT (báo cáo online, phần mềm, ứng dụng bán hàng). Bên cạnh đó, BĐ-VHX sẽ tham gia sâu và rộng hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời trở thành trung tâm hành chính công, đưa các dịch vụ công đến gần người dân hơn.