Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành Đề án số hóa truyền hình, khi đó toàn bộ mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ chuyển sang công nghệ số DVB-T2. Nói về hiệu quả kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực truyền hình nếu tòa tháp truyền hình cao nhất thế giới sắp được VTV xây dựng, ông Phạm Đắc Bi phân tích, đối với phát hình số mặt đất DVB-T2 với tháp truyền hình cao 636m thì tại vị trí 350 - 360m cần có có chỗ để lắp anten.
Bởi vì, sang công nghệ phát hình số DVB-T2, dải mạng với các máy phát công suất không lớn, chỉ tầm 2-3 kW và phát từ các cột cao 125m, 150m, cá biệt mới có cột cao 350m (như cột của Đài PT-TH Hà Nội), cột phát sóng cách xa nhau 80-90km là đạt hiệu quả kinh tế cao, tối ưu nhất cho cả nhà phát sóng và các hộ dân thu sóng.
Tiến sỹ Phạm Đắc Bi phân tích, thực tế, ở Việt Nam, trước đây AVG chỉ thuê nóc tòa nhà Keangnam cao 72 tầng - tòa nhà cao nhất Hà Nội hiện nay, cùng với trạm phát trên đồi Thiên Văn (Phủ Liễn, Kiến An, Hải Phòng) và trạm phát tại Nam Định là đã giải quyết phủ sóng rất tốt cho khu vực rộng lớn của đồng bằng sông Hồng.
“Đối với phát hình số mặt đất DVB-T2, tháp cao 636m là không hữu ích.Xin nói thêm, ngay cả trạm phát ở độ cao hơn 1.000m của Tam Đảo, nếu phát công suất lớn, đối với mạng đơn tần, cũng gây ra phức tạp và bất lợi. Hiện nay VTV phát kênh 26 từ trạm phát Tam Đảo chỉ 2kW và chưa thiết lập mạng đơn tần, nên chưa thể hiện sự phức tạp về mạng máy phát hình”, ông Bi nói.
Trong những ngày qua, truyền thông đã liên tục phản ánh ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý về việc có cần thiết phải đầu tư Dự án xây dựng tháp truyền hình Việt Nam, với tổng dự toán lên tới hơn một tỷ USD hay không?
Vào tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. VTV lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Phần vốn góp của VTV trong công ty cổ phần là vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV; phần vốn góp của SCIC là vốn kinh doanh. Khi dự án có hiệu quả, VTV và SCIC được phép bán cổ phần để thu hồi vốn.
Dự kiến, tháp truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Việc tháp truyền hình này được xây dựng cũng được dự báo sẽ đem lại những ảnh hưởng to lớn với du lịch, đầu tư và xã hội của những khu vực lân cận cũng như điểm nhấn quan trọng về kiến trúc của Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam giữa VTV, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn BRG vào sáng 10/3/2015, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho hay: "Tháp truyền hình là mơ ước của Đài Truyền hình Việt Nam"
Ông Trần Bình Minh nói: “Tôi chỉ nói lại mong muốn của Chính phủ, của Thủ tướng. Khi tôi nói chuyện với Thủ tướng về việc xây dựng tháp truyền hình, Thủ tướng nói tháp truyền hình sẽ phải cao nhất khu vực. Tôi đã hỏi Thủ tướng là cao nhất khu vực Đông Nam Á hay châu Á? Đông Nam Á thì đương nhiên sẽ là cao nhất rồi. Thủ tướng nói: “Cao nhất châu Á”. Tôi nói cao nhất châu Á nghĩa là cao nhất thế giới. Bởi vì bây giờ có 2 cái tháp cao nhất thế giới, thứ nhất là của Nhật Bản, thứ 2 là của Trung Quốc thì cao nhất châu Á cũng có nghĩa là cao nhất thế giới”.
Hai tháp truyền hình cao nhất châu Á hiện nay, cao nhất là tháp Sky Tree (Tokyo - Nhật Bản) có độ cao 634m, hoàn thành năm 2012; thứ hai là tháp truyền hình Quảng Châu (Trung Quốc) với độ cao 600m, hoàn thành vào năm 2009. Theo ông Trần Bình Minh, độ cao của tháp truyền hình Việt Nam sẽ là 636m.
"Khi làm việc với đội tư vấn, chúng tôi đã thống nhất độ cao của tháp sẽ là 636m - một con số rất đẹp" - ông Trần Bình Minh xác nhận độ cao của tháp truyền hình Việt Nam.
Ông Trần Bình Minh nói: “Việt Nam và Chính phủ sẽ để lại cho thế hệ sau một công trình biểu tượng và đó chính là tháp truyền hình Việt Nam".
Theo ICT News