Bức xúc với phí công đoàn
Thuê nhà trọ trong một con hẻm ở phường La Khê, ngoại thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị A (37 tuổi), là nhân viên bán hàng của một công ty sản xuất dược phẩm có trụ sở gần đó, cho biết chị đã làm việc hơn chục năm và cũng từng ấy năm tham gia công đoàn. Tuy nhiên, theo chị A, công đoàn chỉ làm những việc lặt vặt như thăm hỏi khi công đoàn viên có hiếu hỉ, sinh nhật... chứ không còn chức năng nào khác.
“Điều quan trọng là công đoàn phải bảo vệ quyền lợi của người lao động, của công đoàn viên đã đóng 1% lương vào phí công đoàn nhưng chủ tịch công đoàn lại là một vị có chức vụ trong công ty nên mọi tiếng nói đều đứng về phía chủ doanh nghiệp”, chị A nói.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho biết công ty ông hiện có hơn 10.000 lao động. Theo quy định, mỗi tháng công ty phải trích 2% quỹ lương cho công đoàn, tương đương 700 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả 1% công đoàn phí của người lao động thì mỗi tháng, toàn thể công ty đóng khoảng gần 1 tỉ đồng cho công đoàn. Trong số đó, gần một nửa sẽ phải trích lên công đoàn cấp trên. “Như vậy, mỗi năm, công đoàn Công ty May Hưng Yên phải nộp lên công đoàn cấp trên tương đương 6 tỉ đồng. So với một doanh nghiệp gia công thì con số này là quá lớn”, ông Dương nói.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, việc công đoàn cơ sở phải trích phần lớn tiền cho công đoàn cấp trên là bất hợp lý vì đời sống công nhân rất khó khăn, thậm chí người lao động và doanh nghiệp phải đóng thêm tiền để đi tham quan, nghỉ mát hoặc tiền sinh nhật... trong khi công đoàn cấp trên thì thừa tiền không biết làm gì.
Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, thủy sản và da giày cũng đã phản ánh những bức xúc tương tự. Trong khi doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về vốn để hoạt động thì mức 2% quỹ lương nộp công đoàn là hoàn toàn vô lý. Hơn nữa, trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là đang áp dụng hình thức doanh nghiệp phải đóng tiền để nuôi hệ thống công đoàn, không phục vụ lợi ích gì cho doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, vai trò của hệ thống công đoàn đang bị “lung lay” khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong buổi hội thảo liên quan tới TPP diễn ra hồi đầu tháng 1 vừa qua chia sẻ: sau khi gia nhập TPP, người lao động có thể tự liên kết để thành lập tổ chức công đoàn cấp cơ sở và có lộ trình để liên kết với nhau mà không cần trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động.
“Tôi cho rằng, đây là thời gian để chúng ta chuẩn bị về mặt pháp lý, quy định hướng dẫn giúp người lao động hiểu. Trên cơ sở đó, từ nhu cầu nội tại, họ có quyền thành lập ra tổ chức để bảo vệ quyền lợi của chính họ”, bà Dung nói.
Không phân biệt đối xử
Theo bản kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động (phụ lục được ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan tới chương lao động trong TPP), từ nay tới khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực hiện cải cách thể chế và pháp lý về quyền tự do liên kết. Sau đó, khi TPP có hiệu lực, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thể được thành lập ngay.
Trong năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực thi đầy đủ các cam kết về quyền tự do liên kết, bao gồm cả liên kết ở cấp cao hơn (upper-level labour union) là liên kết theo ngành và theo vùng.
Cũng theo bản kế hoạch này, các tổ chức của người lao động cấp cơ sở phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (có thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) và có thể lựa chọn trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động hoặc hoạt động độc lập.
Điểm đặc biệt, tổ chức của người lao động (nếu không trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động) sẽ có người đại diện, cơ chế hoạt động riêng, được quyền thay mặt cho lao động mà họ đại diện, tổ chức đình công, thương lượng tập thể và nhiều hoạt động khác liên quan tới quyền của người lao động tại doanh nghiệp và ở cấp cao hơn.
Theo một thành viên tham gia đoàn đàm phán về TPP, sau năm năm kể từ khi TPP có hiệu lực, Hoa Kỳ sẽ có cơ chế kiểm tra việc thực hiện quy định về quyền tự do liên kết. Nếu trong hai năm sau đó, tức bảy năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, phía Hoa Kỳ thấy rằng Việt Nam vẫn không thực hiện được những cam kết về quyền tự do liên kết thì họ có thể đơn phương dừng thực hiện các cam kết về thuế quan (tức cam kết giảm thuế từ năm thứ 7 trở đi sẽ không được thực hiện).
Nếu trong thời hạn hai năm này mà Hoa Kỳ không phát hiện được gì thì sau đó không có quyền “rà soát” thêm lần nữa. Còn nếu Việt Nam thấy kết luận của Hoa Kỳ không thỏa đáng thì có thể khởi kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp cấp nhà nước trong TPP. Nếu kết quả cho thấy Việt Nam thực hiện đúng, đủ cam kết TPP về tự do liên kết, Hoa Kỳ sẽ phải tiếp tục thực hiện cam kết về thuế quan.
Về 2% phí công đoàn, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở vẫn có quyền thu phí của hội viên (1%) và một phần trong số 2% tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải nộp.
Theo vị đại diện tham gia đoàn đàm phán TPP, nguyên tắc đưa ra là các tổ chức của người lao động sẽ được hưởng 2% quỹ lương của doanh nghiệp trên cơ sở “không phân biệt đối xử”. Tức là tổ chức cơ sở thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động được hưởng thế nào thì tổ chức ngoài hệ thống cũng được hưởng như vậy.