Rau quả, thủy sản sẽ được hưởng lợi từ TPP

Mặc dù nông nghiệp được đánh giá sẽ là một trong những ngành bị tổn thương nhiều nhất khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng tiểu ngành rau quả và thủy sản lại được cho là sẽ nhận được tác động “tích cực cao” nếu biết tận dụng cơ hội.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào các nước TPP - Nguồn: Tổng cục Hải quan
Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào các nước TPP - Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu rau quả sang TPP chỉ chiếm 10%

Theo đánh giá của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), trong những năm gần đây, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường các nước TPP tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, thanh long đã được xuất khẩu đi New Zealand và Australia; vải, nhãn và xoài đã được xuất vào thị trường Hoa Kỳ... Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào các nước tham gia TPP chỉ khoảng 200 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Đánh giá của IPSARD cho thấy, lợi ích từ việc giảm thuế xuất nhập khẩu cuả các nước TPP đối rau quả Việt Nam được kỳ vọng là khá lớn. Dư địa thuế quan đối với cả sản phẩm rau quả thô và chế biến của Việt Nam còn nhiều, trong đó, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Mexico là ba thị trường tiềm năng nhất cho sản phẩm rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Trong công bố cam kết chi tiết TPP của Nhật Bản, thuế quan nhập khẩu với hoa quả và nước trái cây về 0% ngay lập tức. Đáng chú ý là một số mặt hàng mà hiện tại Nhật Bản nhập chủ yếu từ Việt Nam sẽ có lộ trình cắt giảm dần thuế quan.

Thứ nhất là khoai tây. Thuế hiện tại đối với khoai tây đang là 40% trong hạn ngạch và 2.796 yen Nhật/kg ngoài hạn ngạch. Thuế sẽ giữ nguyên cho phần trong hạn ngạch và thuế ngoài hạn ngạch được giảm 15% sau 6 năm. Theo số liệu thống kê, trung bình ba năm gần đây Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam 200 tấn khoai tây mỗi năm.

Mặt hàng thứ hai là trà. Thuế hiện tại mà Nhật Bản áp dụng với mặt hàng này là 17% và không có hạn ngạch. Thuế sẽ được đưa về 0% trong 6 năm. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Nhật trung bình 300 tấn trà mỗi năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu khá nhiều nước dứa sang Nhật. Thuế ngoài hạn ngạch là 33 yen/kg, thuế ngoài hạn ngạch sẽ giảm 15% trong 6 năm. Xuất khẩu nước dứa của Việt Nam sang Nhật trung bình là 40 tấn/năm.

“Như vậy, có thể thấy rằng Nhật Bản sẽ là một thị trường tiềm năng cho sản phẩm rau quả của Việt Nam trong khối TPP”, theo báo cáo của IPSARD.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của IPSARD, Việt Nam dường như vẫn chưa sẵn sàng tận dụng cơ hội này. Nhiều sản phẩm rau quả tươi sống của Việt Nam vẫn còn bị cấm nhập khẩu vào các thị trường lớn của TPP như Nhật Bản và Hoa Kỳ vì các nguy cơ an ninh sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, tỷ lệ các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Ví dụ như năm 2013, tỉ lệ rau quả chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng hơn 20%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 100 triệu đô la Mỹ rau quả từ các nước TPP, bằng một nửa kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang TPP, chủ yếu từ Hoa Kỳ và Australia. Khi TPP đi vào thực thi, sản phẩm rau quả của hai nước này sẽ có cơ hội lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam do vẫn còn nhiều dư địa để giảm thuế suất nhập khẩu (thuế nhập khẩu là 40%).

Hiện nay phần lớn các sản phẩm rau quả nhập khẩu từ TPP đang cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm Việt Nam trên phân khúc thị trường cao cấp. Trong tương lai, giá các sản phẩm rau quả nhập khẩu giảm xuống do Việt Nam phải hạ thuế suất theo cam kết TPP. Điều này có thể sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt giữa sản phẩm nhập khẩu và của Việt Nam trên các thị trường cấp thấp hơn.

“Vì vậy, nhu cầu nâng cao chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất các sản phẩm rau quả Việt Nam là hết sức cấp thiết để tăng tính cạnh tranh của ngành”, báo cáo viết.

Thủy sản qua chế biến sẽ có nhiều dư địa

Cá tra vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô - Nguồn: VASEP
Cá tra vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô - Nguồn: VASEP

Hiện nay, phần lớn mức thuế suất nhập khẩu của các nước TPP, trừ Mexico, đối với các sản phẩm thủy sản ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế (có mã số thuế HS 03) đã ở mức khá thấp (0-5%). Vì vậy, việc giảm thuế từ các cam kết TPP không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dư địa đối với các các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (mã số thuế HS 16) tại các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada. Song, vấn đề chính là hiện nay khâu chế biến thủy sản của Việt Nam còn rất yếu. Phần lớn các sản phẩm thủy sản vẫn ở dạng tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô, thiếu các công nghệ tạo giá trị gia tăng cao như hun khói hay làm các chế phẩm sinh học. Do đó, để tận dụng được các dự địa thuế quan, Việt Nam cần phải đẩy mạnh công đoạn chế biến trong chuỗi giá trị thủy sản.  

Theo báo cáo của IPSARD, một trong những thách thức lớn đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam là các nước tham gia TPP có thể giảm thuế suất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn.

Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như thủy sản cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, việc hiện nay Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn tôm từ các nước ngoài TPP về chế biến và xuất đi thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có thể vi phạm quy tắc về nguồn gốc xuất xứ của TPP.

Theo TBKTSG