|
Ảnh minh họa. |
Thông tin tại báo cáo số 1586/BKHĐT-ĐTNN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 09/03/2016 cho thấy, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đã đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung (Dự án Trung tâm R&D) tại ô đất ký hiệu 12-CCV, Khu chức năng đô thị Nam đường vành đai 3, đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Với mục tiêu của dự án là để tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao, SEV đề ra quy mô của dự án, bao gồm: Đầu tư xây dựng một tòa nhà cao 21 tầng và 02 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng là 116.490 m2; Diện tích sử dụng đất là 30.000 m2; Mật độ xây dựng 33%; dự kiến thu hút khoảng 2.000 nhân lực chất lượng cao trong năm 2015/2016, 4.000 nhân lực trong các năm tiếp theo tùy theo kết quả kinh doanh…
Đòi "cả tá" ưu đãi
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm rằng, tổng vốn đầu tư của dự án là 300 triệu USD, tương đương với khoảng 6.750 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 6.750 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD, chiếm 100% tổng vốn đầu tư.
Phương thức góp vốn là tiền mặt với tiến độ góp vốn được trải ra trong 4 năm, phân thành: 50 triệu USD trong giai đoạn 2016 – 2017; 150 triệu USD trong 2018 và 100 triệu USD trong 2019. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, để triển khai đầu tư Dự án Trung tâm R&D, SEV đã đề nghị "cả tá" ưu đãi từ Việt Nam. Cụ thể, đó là:
(1) Được miễn toàn bộ tiền thuê đất của Dự án trong vòng 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất;
(2) Được miễn toàn bộ các khoản đóng góp hay thanh toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến Khu đất Dự án;
(3) Được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật liệu xây dựng, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, văn phòng… tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, vật liệu,… phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Trung tâm R&D mà không cần đăng ký kế hoạch nhập khẩu;
Bên cạnh các loại hàng hóa đã được làm rõ về việc không chịu thuế XNK như nêu trên, SEV đề nghị được miễn thuế XNK đối với cả nguyên liệu, vật tư, đã sản xuất tại Việt Nam nhưng có chất lượng thấp hơn tiêu chuyển của SEV; Vật tư xây dựng mà trong nước chưa sản xuất được theo như Thông tư số 04/2012/TT-BKHDT ngày 13/8/2012 của bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được;
(4) Được miễn toàn bộ chi phí sử dụng hạ tầng, trong trường hợp Dự án có đấu nối với hệ thống điện, nước, giao thông tại Khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, Hà Nội;
(5) Được miễn mọi khoản phí và lệ phí hoặc các khoản thuế nào liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
(6) Trường hợp SEV sử dụng ít nhất 75% diện tích trong tòa nhà phục vụ họat động R&D, SEV được hưởng các ưu đãi R&D tương tự chung cho toàn bộ diện tích trong tòa nhà;
(7) Trong trường hợp có lý do hợp lý, SEV được phép chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quền sử dụng đất cho đơn vị khác mà không có bất cứ sự hạn chế nào;
(8) Nhân viên nghiên cứu và phát triển làm việc tại Trung tâm R&D sẽ được giảm 50% tiền thuế thu nhập cá nhân hàng năm;
(9) Tổ chức hoạt động chi nhánh theo hình thức chi nhánh hoạch toán phụ thuộc. Mọi hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài để tạo tài sản cố định và phục vụ hoạt động của Trung tâm R&D sẽ không phải chịu thuế GTGT;
(10) Được hưởng mức giá điện áp dụng đối với cơ quan nghiên cứu như quy định tại điểm i), khoản 2, Điều 9, Thông tư 16/2014/TT-BTC quy định về thực hiện giá bán điện;
(11) Hàng hóa luân chuyển từ SEV đến Trung tâm R&D Hà Nội và ngược lại không phải làm thủ tục hải quan mà chỉ cồng thông báo cho cơ quan hải quan quản lý trực tiếp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và/hoặc Tổng cục Hải quan tại từng thời điểm;
(12) Đề nghị được hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành đối với Dự án nghiên cứu và phát triển.
Được biết, đến thời điểm này, theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Sở kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản thẩm định của các cơ quan: Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở quy hoạch và kiến trúc; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Hoàng Mai.
Duy nhất chỉ còn Bộ Xây dựng chưa có ý kiến, dù Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có công văn số 3033/KH&ĐT-ĐTNN gửi xin ý kiến thẩm định, từ ngày 01/09/2015.
Hà Nội và các Bộ đều cơ bản nhất trí
Tại Báo cáo số 1586, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ quan điểm của mình. Đó là: Nội dung hồ sơ đầu tư Dự án Trung tâm R&D của SEV được lập phù hợp với quy định tại khoản 1 – Điều 34, Luật đầu tư năm 2014, áp dụng đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Hoạt động R&D của Dự án phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Công nghệ cao, mục tiêu của dự án thuộc diện được nhà nước khuyến khích triển khai và được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật….
Theo ý kiến của UBND Thành phố Hà Nội, việc SEV đầu tư xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội sẽ mang lại một số tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô như Thành phố có 1 Trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghệ cao của hãng sản xuất điện tử có thương hiệu và uy tín hàng đầu tại khu vực và thế giới; Tác động và gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử, viễn thông và công nghiệp phụ trợ; Thu hút thêm được 300 triệu FDI vào Thành phố; Thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao tại Thủ đô, tạo việc là cho khoảng 4000 lao động; Góp phần vào ngân sách nhà nước thông qua nguồn thu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập của chuyên gia, người lao động trong dự án và các dự án thứ phát.
“Các dự án SEV, SEVT thuộc Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên nằm trong số không nhiều dự án có vốn FDI được hưởng cơ chế và mức độ ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có những ưu đãi mang tính đặc thù. Để được hưởng mức ưu đãi này, Tập đoàn Samsung phải đáp ứng các tiêu chí của doanh nghiệp công nghệ cao theo pháp luật về công nghệ cao, trong đó có các điều kiện về chi phí và nguồn nhân lực dành cho hoạt động R&D. Do vậy, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của SEV là nghĩa vụ mà SEV phải thực hiện để được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong Báo cáo gửi Thủ tướng, đồng thời nêu ý kiến của Bộ theo từng đề xuất ưu đãi mà SEV đã đưa ra.
Về kiến nghị được miễn toàn bộ tiền thuê đất của Dự án trong vòng 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi này khi SEV đáp ứng đầy đủ các điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và đất đai.
Còn về đề nghị được miễn toàn bộ các khoản đóng góp hay hạch toán chi phí bổi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đế Khu đất Dự án, căn cứ Điều 6 Thông tư số 77/2014/TT-BTC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính đồng quan điểm rằng nội dung kiến nghị ưu đãi này không phù hợp theo quy định. Nhưng vì UBND Tp. Hà Nội lại có ý kiến rằng do tính chất dự án là công nghệ cao, mang lại nhiều tác động tích cực cho sự phát triển KT-XH của Thủ đô,… nên UBND Hà Nội thống nhất chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố đối với phần chi phí hạ tầng kĩ thuật phân bổ cho diễn tích khu đất 3ha của dự án, cho nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kiến nghị của UBND Tp. Hà Nội là có thể xem xét. Vì vậy, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kiến nghị của UBND Tp. Hà Nội.
Tương tự, về kiến nghị được miễn thuế với toàn bộ chi phí sử dụng hạ tầng trong trường hợp Dự án có đấu nối với hệ thống điện nước, giao thông tại Khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3, đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai, Bộ KH&ĐT cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định đối với ưu đãi này. Tuy nhiên, UBND Tp. Hà Nội nhất trí chủ trương cho phép dự án được hưởng các ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật và với cơ chế, mức độ tương tự áp dụng cho các dự án đầu tư khác của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam.
Các đề nghị còn lại trong tổng số 12 đề xuất ưu đãi mà SEV đã đưa ra, theo nội dung văn bản 1586, về tổng thể, cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ liên quan và UBND Tp. Hà Nội cơ bản nhất trí, thống nhất trình Thủ tướng chấp thuận.
Duy chỉ có đề nghị được miễn thuế XNK đối với cả nguyên vật liệu đã sản xuất tại Việt Nam nhưng có chất lượng thấp hơp tiêu chuẩn của SEV…, ý kiến của Bộ Tài chính nói đề nghị ưu đãi này là chưa phù hợp với quy định hiện hành; còn Bộ Khoa học và Công nghệ thì lại nói cần xem xét miễn thuế XNK đối với từng trường hợp cụ thể sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan; trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đề xuất của SEV là không phù hợp và không rõ ràng, đề nghị Thủ tướng không đồng ý./.