Chuyên giakinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh đã bình luận như vậy trước sự việc Samsung xin ưu đãi "vượt khung" cho dự án Samsung CE Complex (SECC) tại khu công nghệ cao TP HCM sau những lần xin ưu đãi vượt khung tại các dự án ở Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Cụ thể, Samsung đề xuất 3 ưu đãi lớn, bao gồm miễn thuế nhập khẩu cho vật tư xây dựng mà SECC phải nhập khẩu, miễn thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện… sản xuất trong vòng 5 năm, ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan. Dự kiến, nếu đề xuất này được chấp thuận, Samsung sẽ hưởng ưu đãi 15,5 triệu USD tiền thuế.
Bình luận về đề xuất này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng dù thông cảm với hiện tượng “lên đồng Samsung” ở các địa phương nhưng không thể “nhắm mắt” dành ưu đã quá lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
“Khó có thể lý giải rằng chúng ta ứng xử theo đúng kinh tế thị trường nếu như chúng ta ưu đãi quá đáng một nhà đấu tư nào đấy, kể cả nhà đầu tư ấy là nhà đầu tư lớn như Samsung”, ông Doanh nhấn mạnh.
- Đầu tư dự án nào tại Việt Nam, Samsung cũng luôn có xin những ưu đãi vượt khung với những lý do được cho là “hết sức chính đáng”. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Trong kinh tế thị trường thì phải có sự bình đẳng và công bằng trong cạnh tranh. Nếu như chúng ta chấp nhận sự ưu đãi đối với một doanh nghiệp này thì chúng ta sẽ phải chấp nhận sự ưu đãi đối với những doanh nghiệp khác nữa.
Khó có thể lý giải rằng chúng ta ứng xử theo đúng kinh tế thị trường nếu như chúng ta ưu đãi quá đáng một nhà đầu tư nào đấy, kể cả nhà đầu tư ấy là nhà đầu tư lớn như Samsung.
Tôi cũng xin lưu ý gần đây Hàn Quốc cũng đã có công bố một cái bản báo cáo trong đó cho thấy Samsung đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã sản xuất những mẫu điện thoại di động có tính năng tương tự như Samsung nhưng giá rẻ hơn rất nhiều và sản lượng của họ đã hơn sản lượng của Samsung rồi. Đó là cái điều mà chúng ta cần phải hết sức chú ý.
Nếu như chúng ta đầu tư và ưu đãi quá nhiều cho Samsung thì đến một lúc nào đấy khi Samsung bị các đối thủ cạnh tranh khác vượt lên, lúc bấy giờ chúng ta sẽ ôm một Samsung với rất nhiều thiệt thòi chứ không phải là ôm một Samsung có sự ưu việt quá đáng như chúng ta vẫn nghĩ bây giờ.
Chúng ta thấy rằng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu của một Samsung có thể đem lại lợi ích trong năm qua, cũng có thể trong năm nay nhưng đó là một điểm bất lợi trong tương lai nếu như không muốn nói là một gánh nặng khi Samsung sẽ mất lợi thế cạnh tranh.
- Như vậy, theo ông Chính phủ cần phải có cái “lắc đầu” dứt khoát trước những đề nghị không hợp lý kiểu này?
Tôi cho rằng, chúng ta cần phải phân tích những đề nghị của Samsung để xem những đề nghị nào thì có thể chấp nhận được, phù hợp với các cam kết hội nhập trong thời gian tới đây. Ví dụ như chúng ta cam kết sẽ giảm thuế nhập khẩu, vậy đối với những mặt hàng mà Samsung nhập vào để xuất khẩu thì có thể xem xét.
Nhưng nếu như mà chúng ta chấp nhận giảm thuế cho cả những sản phẩm mà chúng ta vẫn đánh thuế đối với các nhà nhập khẩu khác, ví dụ đối với các vật liệu xây dựng, thì rất có thể đó là một lỗ hổng để Samsung có thể là tận dụng nguồn nhập khẩu ấy để tạo ra một lợi thế cạnh tranh.
Ở đây tôi chưa nói là họ có thể lợi dụng nguồn nhập khẩu ấy để nhập khẩu thêm nhiều hơn nhu cầu thực của họ để ăn chênh lệch giá. Đó cũng là điều cần phải xem xét.
Xin nói rằng, hiện nay, ở tất cả các địa phương đang có hiện tượng lên đồng Samsung, tức là cứ Samsung đi đến đâu thì mọi người đều lên đồng lên cả, đều háo hức là dốc hết tất cả ruột gan ra để rồi ưu đãi tất cả mọi thứ cho Samsung.
Bởi vậy, trong trường hợp này, tôi cho rằng, có thể chúng ta rất thông cảm với “cơn lên đồng Samsung” nhưng không thể ‘nhắm mắt’ để ưu đãi thái quá.
Tôi nghĩ chúng ta cần xử lý vấn đề một cách hết sức bình tĩnh, một cách công bằng và tỉnh táo để tránh tạo ra những bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Đấy là cái điều chúng ta cần phải hành động vì lợi ích của cả đất nước chứ không phải vì lợi ích của một tỉnh nào đấy, địa phương nào đấy.
Hiện nay, ở các địa phương đang có hiện tượng lên đồng Samsung, cứ Samsung đi đến đâu thì mọi người đều "lên đồng" lên cả, đều háo hức và dốc hết tất cả ruột gan ra để rồi ưu đãi tất cả mọi thứ cho Samsung. |
-Từ câu chuyện Samsung, ông đánh giá như thế nào về chính sách thu hút FDI của chúng ta trong thời gian qua?
Tôi thấy rằng, không một nước nào công nghiệp hóa được mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài, không có doanh nghiệp dân tộc, không có thương hiệu dân tộc. Bởi vì, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là thương hiệu của người ta, và người ta đầu tư, người ta kinh doanh ở mình, đến lúc nào mà người ta không thấy có lợi thế nữa thì họ sẽ đi chỗ khác.
Không nên nhầm lẫn rằng Samsung sẽ ăn đời ở kiếp với mình, đó là điều rất ảo tưởng, rất ngây thơ. Một điểm nữa là doanh nghiệp FDI đầu tư vào chúng ta và chúng ta ưu đãi nhưng cho đến nay, cái chúng ta thu được rất ít. Ngoài việc thu được một ít thuế VAT, tạo được một ít công ăn việc làm với lao động giá rẻ, các doanh nghiệp FDI chẳng mang lại lợi nhuận gì cho ta...
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta chỉ có thể công nghiệp hóa, khi chúng ta phát triển các doanh nghiệp dân tộc, các thương hiệu dân tộc, và chúng ta phải có thương hiệu của chúng ta.
Doanh nghiệp của chúng ta ở đây là doanh nghiệp dân doanh của người dân Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam một cách tạm thời. Chúng ta vẫn đối xử với các doanh nghiệp FDI hết sức trân trọng, nhưng nên nhớ họ có thể bỏ chúng ta đi bất cứ lúc nào.
- Cùng trong một môi trường đầu tư nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn phát triển được, trong khi doanh nghiệp trong nước thua lỗ triền miên, đóng cửa hàng loạt. Theo ông đó có phải là hệ quả của việc chúng ta quá ưu ái cho doanh nghiệp nước ngoài, mà bỏ quên doanh nghiệp trong nước?
Trong những năm qua, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp thực sự họ còn hoạt động được có hiệu quả là vì họ không chịu sự tác động của tình hình lạm phát của lãi suất ngân hàng quá cao, rồi thì ít phải chịu nhiều hơn những sách nhiễu và sự chi phối nhiều của luật pháp, bộ máy hành chính của Việt Nam.
Rõ ràng, sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính Việt Nam đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thấp hơn rất nhiều so với mức độ nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp trong nước. Đây là điều khiến các doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn. Điều đó chúng ta cần phải xem xét.
Tôi thấy gần đây doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam đã bị sụt giảm rất nhiều so với giai đoạn sau khi chúng ta có Luật doanh nghiệp năm 1999 và dẫn đến sự khởi sắc của những năm 2001, 2002. Đó là điều rất đáng tiếc.
Bây giờ chúng ta phải chấn hưng, phải đầu tư, đẩy mạnh để tạo ra được các thương hiệu có thể cạnh tranh trong mối trường hội nhập sắp tới đây.
- Ông vừa đề cập đến việc cần phải có những “doanh nghiệp dân tộc”, “thương hiệu dân tộc”. Theo đánh giá ông hiện ở Việt Nam doanh nghiệp nào, thương hiệu nào có thể đầu tư trở thành doanh nghiệp “cốt lõi”?
Tôi lấy ví dụ như Vinamik có thể là một thương hiệu đầu tư được. Hoặc như Viette, chúng ta cần xem xét xem có thể là một thương hiệu xây dựng được không…
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần xem xét đề có những thương hiệu thực chất, chứ không phải có những thương hiệu “võ mồm”. Tôi thấy hiện nay có một số doanh nghiệp tự nhận mình là doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng thực sự là họ đi bán điện thoại di động, bán máy tính cho người ta nhiều chứ có phải là công nghệ cao gì đâu.
Cho nên chúng ta cần phải đánh giá bằng những tiêu chí khách quan, công bằng, chứ không phải nghe theo những lời đường mật của ông này, bà kia, đánh bóng lên rồi coi đó là cái tốt rồi, điều đó là không nên.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC