“Cơn bão” tố vi phạm bản quyền tranh
Trên cả nước, đang phát hiện ra rất nhiều cơ sở vi phạm bản quyền tác phẩm mỹ thuật, gây bức xúc cho người sáng tạo.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư chỉ trong tháng 5/2019 đã phát hiện và xử lý đến 3 vụ xâm phạm bản quyền tranh của mình ở cả TP.HCM và Hà Nội, họa sĩ Lâm Đức Mạnh cũng phát hiện 3 vụ vi phạm bản quyền trong tháng 5, họa sĩ Ngụy Đình Hà phát hiện 2 vụ.
Rất nhiều họa sĩ khác như Nguyễn Quý Tâm, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh, Bùi Duy Khánh, Đặng Phương Việt, Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn… đã phát hiện các vi phạm bản quyền trong tháng 5/2019.
Mới đây nhất, trên địa bàn Hà Nội có thêm địa chỉ Tranh Décor (số 55 đường 12, La Phù, Hoài Đức) bị “tố” sao chép trái phép tác phẩm của họa sĩ – nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định. Họa sĩ Dương Quốc Định bức xúc và đang mời luật sư vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Tác phẩm gốc của Dương Quốc Định bị vi phạm tại Tranh Décor (số 55 đường 12, La Phù, Hoài Đức)
|
Họa sĩ Trần Vinh mới đây cũng lên tiếng “tố” phòng trưng bày Tranh sơn dầu Mai Anh (Long Biên, Hà Nội) đã sao chép trái phép tác phẩm của anh, khi fanpage của cửa hàng lại quảng bá là toàn bộ các tác phẩm ở đó được thực hiện bởi họa sĩ Trần Quân?
Là nạn nhân của tệ chép tranh trái phép và nạn tranh giả đã lâu, họa sĩ Trần Vinh cung cấp rất nhiều chứng cứ cho thấy tranh của anh bị chép bởi nhiều địa chỉ khác nhau, nhưng phát hiện mới nhất là Tranh sơn dầu Mai Anh.
VietTimes liên lạc tới người giữ hotline của Tranh sơn dầu Mai Anh, người nghe điện thoại không nhận là họa sĩ Trần Quân mà chỉ xưng danh là người có trách nhiệm tại cửa hàng, cho biết mấy hôm trước cửa hàng cũng đã nhận được phản ánh của họa sĩ Ngụy Đình Hà về bức tranh sơn dầu mà tác giả thực sự là Ngụy Đình Hà, nên cửa hàng đã hạ quảng cáo xuống khỏi fanpage và họa sĩ cũng đã cho qua chuyện này.
Về bức tranh của họa sĩ Trần Vinh, cửa hàng Tranh sơn dầu Mai Anh nhận lỗi vì thiếu kiến thức nên chưa nhận biết hết được tác phẩm của từng họa sĩ, vì thế có thể đã vô tình vi phạm bản quyền. Cửa hàng Tranh sơn dầu Mai Anh hứa sẽ kiểm tra cụ thể và sẽ liên lạc tới họa sĩ Trần Vinh để giải quyết.
Thanh tra Hà Nội vào cuộc
Tuy nhiên, cũng giống hệt như cách xử lý của Triệu Gia Art, Sato Art trước đó, đại diện phòng Tranh sơn dầu Mai Anh khẳng định chưa chép tác phẩm của các họa sĩ Ngụy Đình Hà hay Trần Vinh, mà mới chỉ lấy hình ảnh tác phẩm của các họa sĩ này để “quảng bá cho thương hiệu của cửa hàng”?
Chỉ đến khi nghe phân tích rằng việc lấy tác phẩm của người khác về để làm thương hiệu cho mình như thế là sai, thì các cửa hàng này mới nhận thức được vấn đề và hứa thay đổi.
Quảng bá trên trang của Tranh sơn dầu Mai Anh có tác phẩm của họa sĩ Trần Vinh
|
Lân Vũ Gallery sau khi bị phát hiện không chỉ chép tranh của họa sĩ Bùi Duy Khánh, mà còn sao chép cả tác phẩm của họa sĩ Đặng Phương Việt thì im lặng, không còn hứa hẹn "không sao chép tác phẩm của bất cứ một họa sĩ Việt Nam nào nữa".
Nhưng rất nhiều họa sĩ đặt câu hỏi: Cứ mỗi khi phát hiện ra sai phạm, lẽ nào chỉ xin lỗi là xong? Trong khi nạn chép tranh trái phép, nhái phong cách, “đạo” ý tưởng đã trở thành căn bệnh trầm kha từ rất nhiều năm nay?
Trả lời VietTimes, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội - khẳng định đã nắm được tình hình vi phạm bản quyền tranh của nhiều họa sĩ diễn ra tràn lan trên địa bàn Hà Nội.
“Sai phạm mỹ thuật rất nhức nhối, diễn biến rất phức tạp. Cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ phải thực hiện các quy định về bản quyền. Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo và các bằng chứng, Thanh tra Sở sẽ vào cuộc kiểm tra từng vụ việc cụ thể” – Ông Tô Văn Động nói.