Thông tin được các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực xuất bản chia sẻ tại buổi hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội sáng 20/6.
Sách giả có mặt ở khắp nơi
Theo thống kê của NXB GDVN, trong nhiều năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện sách giáo khoa giả ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Năm 2017, Đội quản lý thị trường số 14 và Phòng PA87 Công an Hà Nội phát hiện Công ty TNHH&TM Hải Anh (ở Bạch Mai, Hà Nội) đang in lậu sách tiếng Anh; Đoàn thanh tra thông tin truyền thông Đắk Lắk phát hiện hàng chục cuốn sách lậu tại cửa hàng sách tự chọn tại đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Công Trứ ở TP Buôn Mê Thuột.
Năm 2018, tỉnh Lâm Đồng phát hiện sách lậu tại một nhà sách ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà; tỉnh Đồng Nai phát hiện 4 cơ sở phát hành sách giả không rõ nguồn gốc.
Năm 2019, Đội quản lý thị trường số 23 ở Hà Nội phát hiện một kho chứa hàng nghìn cuốn sách, đĩa CD lậu tại xã Dương Liễu, Hoài Đức vào ngày 25/5; ngày 12/6, tại Bình Định cơ quan chức năng thu giữ hơn 72.000 cuốn sách in lậu, trong đó có sách tiếng Anh, Tin học, các loại sách Tiểu học, THCS, THPT.
Sách giáo dục giả, sách lậu được bày bán tràn lan, rất dễ tiếp cận
|
Từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu trên toàn quốc.
Ông Lê Thành Anh – Phó Tổng Giám đốc NXB GDVN - nhận định, sách lậu, sách giả, đặc biệt là sách giáo dục giả đã trở thành vấn nạn, tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Tình trạng làm giả và tàng trữ, tiêu thụ sách giả vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.
Sách giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là sách tiếng Anh, sách bổ trợ, sách khai thác bản quyền từ nước ngoài, bản đồ giáo dục, át lát địa lý, đĩa CD nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các phiên bản sách điện tử của sách giáo dục cũng bị phát tán tràn lan dưới nhiều định dạng, nguồn gốc khác nhau.
Những cuốn sách này còn được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ, nhiều hội sách cũ, lọt vào trong các cơ sở giáo dục, nhà trường trên toàn quốc.
Mối nguy từ những cuốn sách giả
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị, ông Lê Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc NXB GDVN cho biết thêm, đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những cuốn sách giáo khoa giả là các em học sinh. Do sách in lậu sử dụng chất liệu giấy và chất lượng mực in kém nên học sinh sẽ phải học từ sách có chất lượng không đảm bảo, gây ảnh hưởng tới thị lực, sức khỏe thể chất của các học sinh.
Thông điệp của các nhà xuất bản trong cuộc chiến chống sách giả
|
Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất đó là lỗi về mặt nội dung. Sách giả không được kiểm tra, soi xét, đánh giá nội dung, nên có lỗi rất lớn, ví dụ như trong cuốn vở bài tập toán 5 của NXB GDVN, có phép tính ở sách thật in là dấu cộng, thì sang sách giả in thành dấu bằng; hoặc trong những cuốn sách có vẽ bản đồ, khi các đối tượng in lậu tái tạo theo cuốn sách thật, nhiều chi tiết bị sai lệch như thay vì sử dụng ký hiệu đường gạch đứt và có dấu chặn hai đầu để mô tả đường biên giới quốc gia, sách giả sử dụng đường gạch chấm thường dùng để biểu thị đường ranh giới giữa các tỉnh, khiến các em học sinh bị nhầm; in thiếu hình, sai màu sắc trong ví dụ bài tập khiến các em học sinh gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình học tập…
Bên cạnh đó, sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không truy cập và sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ; sách giả khiến các em tiếp cận với hành vi vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường, để lại hậu quả lâu dài trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của thế hệ này.
Làm sao để hạn chế sách giáo dục giả?
Theo các chuyên gia, hiện nay các cơ quan chức năng đã có những hành động để hạn chế tình trạng in và tiêu thụ sách giáo khoa giả.
Song, các giải pháp này thực sự chưa có hiệu quả, các cơ quan cũng chưa hoạt động tích cực, lực lượng thanh tra văn hóa – thông tin còn nể nang, né tránh khi xử lý, làm giả tính nghiêm minh của pháp luật; hệ thống văn bản, chế tài xử lý dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn chưa thật đầy đủ, bao quát hết thực tiễn; khung hình phạt dành cho hành vi in ấn, mua bán, phát hành sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn còn rất thấp, chưa đủ nghiêm khắc, tối đa chỉ 30 triệu đồng trong khi lợi nhuận từ in và kinh doanh sách giáo dục giả thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Các khách mời xem sách được trưng bày tại hội thảo.
|
Để kìm hãm tiến tới ngăn chặn sách lậu, sách giả, đặc biệt là sách giáo dục giả, theo ông Lê Hoàng Hải, cơ quan chức năng phải có những chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cần chung tay góp sức để nói không với nạn sách lậu. Riêng NXB GDVN, vừa qua đã có những giải pháp tạm thời như tích cực phối hợp với các Sở GD&ĐT để khuyến cáo các bậc phụ huynh, học sinh không mua sách từ các nguồn trôi nổi, tìm mua sách thật tại hệ thống cửa hàng có uy tín hoặc cửa hàng của NXB.
Ông Lê Thành Anh cũng cho rằng, biện pháp quan trọng nhất đó là đẩy mạnh và nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; nâng cao tính chủ động của các NXB trong công tác phòng, chống sách giả, sách lậu, phối hợp với các đơn vị xuất bản, cơ quan quản lý để ngăn chặn vấn nạn sách giả đang nhức nhối hiện nay.