S-500 Nga: Sát thủ vô song hay “hổ giấy”?

VietTimes -- Được đặt tên là Prometey, S-500 được cho là sẽ đạt độ cao tối đa từ 185 đến 200km, cho phép nó tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vệ tinh quỹ đạo thấp trong không gian. S-500 có tầm bắn tối đa 600 km, National Interest phân tích về hệ thống phòng không đáng sợ của Nga.
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga

Matxcơva từ lâu đã phải đối phó với các mối đe dọa từ không quân của NATO và nhiều năm qua, Nga đã triển khai một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa để đối phó với NATO, bao gồm cả hệ thống tầm cao S-300 (gồm SA-10 và SA-12) và S-400 (SA-21). Nhưng thiết kế mới nhất của Nga, hệ thống Almaz-Antey S-500 Triumfator, lại có nhiệm vụ chính không phải là để tấn công những máy bay tiêm kích trên tiền tuyến mà hệ thống tên lửa S-500 này đánh dấu nỗ lực của Nga trong việc phát triển lá chắn quốc phòng riêng chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Nga tuyên bố S-500 sẽ đi vào phục vụ năm 2016 và 2017 và thể hiện nhiều khả năng ấn tượng. Được đặt tên là Prometey, S-500 được cho là sẽ đạt độ cao tối đa từ 185 đến 200km, cho phép nó tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vệ tinh quỹ đạo thấp trong không gian. S-500 có tầm bắn tối đa là 600 km, thậm chí xa hơn cả tầm bắn 400km của hệ thống S-400. Tư lệnh không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev khẳng định S-500 có thể bắn đến 10 tên lửa cùng một lúc với tốc độ phản ứng chỉ trong 3 đến 4 giây, trong khi S-400 chỉ bắn được 6 tên lửa với thời gian phản ứng 9 giây.

Giống như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ, vũ khí chống tên lửa đạn đạo tầm xa khác là tên lửa đánh chặn 776N-N và 776N-N1 của hệ thống S-500 được cho là sử dụng công nghệ “va chạm để tiêu diệt”, đó là tên lửa này sẽ tiêu diệt mục tiêu thông qua tác động vật lý hơn là dựa vào đầu đạn phân mảnh. Tên lửa 776N bay ở tốc độ siêu thanh 5-7km mỗi giây, tốc độ này cho phép chúng đánh chặn các tên lửa hành trình siêu thanh.

Nghe có vẻ rất ấn tượng nhưng các quan chức quốc phòng của Nga đã không muốn tiết lộ thông số kỹ thuật về hoạt động thực tế của hệ thống. Cho dù đã tuyên bố là các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện nhưng kết quả của những cuộc thử nghiệm này vẫn không được công khai. Xem xét kinh nghiệm của Mỹ trong việc phát triển hệ thống THAAD chịu nhiều thất bại qua hơn một thập kỷ thử nghiệm, có lí do để tin rằng việc thiết kế hệ thống ABM có thể gặp trục trặc.

Theo National Interest, tất nhiên các kỹ sư của S-500 có thể đã thành công nhưng cho đến khi dữ liệu về các cuộc thử nghiệm được công bố, hầu như không có cách nào để biết được liệu S-500 có đạt được hiệu quả như mong đợi hay không.

Có một số chi tiết cụ thể về S-500 bao gồm sự thật rằng không giống như phiên bản cũ, tên lửa chống đạn đạo 53T6 triển khai ở vị trí cố định xung quanh Matxcơva, S-500 là một hệ thống nhỏ hơn và tự cơ động, có thể dễ dàng “bắn và di chuyển” để tránh các cuộc tấn công nhằm ngăn chặn hệ thống phòng không. Thực tế, S-500 được cho là phiên bản tiến hóa của S-400. Các mô hình do nhà sản xuất phương tiện BZKT tiết lộ rằng mỗi khẩu đội S-500 sẽ liên quan đến các phương tiện hỗ trợ bao gồm Transport-Erector-Launcher (TEL), bốn thiết bị radar khác nhau (một trong số đó được tối ưu hóa để chống lại tên lửa đạn đạo) và một hoặc hai phương tiện chỉ huy.

Lầu Năm Góc cũng đã có kinh nghiệm triệt phá mạng lưới phòng không nên các phương tiện truyền thông Nga đã nhấn mạnh vào việc S-500 khó phát hiện như thế nào. Ví dụ, Nga đã thể hiện những nỗ lực để sản xuất những container đặc biệt, chúng sẽ che chắn cho hệ thống S-400 và S-500 khỏi bị các vệ tinh phát hiện. Một bài viết khác nhấn mạnh vào cách hệ thống S-500 sẽ thực hiện các kết nối liên lạc an toàn trên các tần số đa dạng để chống tác chiến điện tử.

Cũng có một số tin đồn cho rằng S-500 sẽ hiệu quả hơn là máy bay tàng hình. Tuy nhiên, hầu hết các mô tả về hệ thống này đều không coi khả năng chống tàng hình là mục tiêu chính và cũng có ít dẫn chứng xác thực cho thấy S-500 sở hữu đặc tính độc đáo này so với S-400. Tất nhiên, S-500 sẽ có radar tầm thấp được sử dụng để phát hiện máy bay tàng hình. Điều này sẽ vẫn hỗ trợ cho mạng lưới phòng không trong nỗ lực ngăn chặn máy bay tàng hình ở cự ly gần. Nhìn chung, có vẻ như thiết kế của S-500 tập trung vào nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Tuy nhiên, hệ thống S-500 tầm xa là vũ khí lí tưởng để tấn công các mục tiêu lớn và tàng hình kém. Trong khi máy bay chiến đấu khó phát hiện hơn và khó tấn công ở khoảng cách xa hơn, các máy bay trinh sát và cảnh báo sớm (AWAC) hoặc máy bay tác chiến điện tử lại sẽ gặp nguy hiểm hơn và có thể sẽ bị buộc phải hoạt động ngoài bán kính của S-500.

Hiện tại, các hệ thống tên lửa S-300 và S-400 của Nga triển khai ở vùng lãnh thổ Kaliningrad có thể ngăn chặn không phận các nước biển Baltic cũng như một phần lớn diện tích Ba Lan. S-500 khi được triển khai có thể mở rộng hơn nữa vùng cấm bay. Rõ ràng, các máy bay tàng hình của NATO vẫn có thể tấn công tên lửa từ khoảng cách nhất định nhưng SAM tầm xa có thể đóng cửa không phận một cách hiệu quả, trừ khi có cách đối phó.

Hệ thống tên lửa S-400 đã được Nga triển khai tại chiến trường Syria khiến Mỹ và phương Tây không dám mạnh động
Hệ thống tên lửa S-400 đã được Nga triển khai tại chiến trường Syria khiến Mỹ và phương Tây không dám mạnh động

National Interest nhận định, khẩu đội S-500 đầu tiên sẽ được triển khai tại Matxcơva và khu vực miền trung nước Nga, điều này phản ảnh vai trò phòng thủ chiến lược của tên lửa. Phiên bản hải quân S-500F cho tàu khu trục lớp Leader sắp tới cũng được cho là sẽ được triển khai vào năm 2023 đến 2025.

Việc triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo S-500 là động thái đáp trả mạnh mẽ và phức tạp của tổng thống Nga Vladimir Putin trước việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD gần lãnh thổ Nga. Tuy nhiên Matxcơva chắc chắn sẽ vẫn nói rằng việc vận hành hệ thống S-500 trên lãnh thổ Nga không giống như việc Mỹ triển khai THAAD ở các nước đồng minh như Ba Lan hay Hàn Quốc.

S-500 dự kiến sẽ thay thế S-300 trong hệ thống phòng không đa tầng và bổ sung cho S-400. Hệ thống S-400 thường được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ chống máy bay và đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm thấp và tầm trung. Về cơ bản, 10 tiểu đoàn S-500 sẽ được triển khai. Tuy nhiên, sau đó Nga lại tuyên bố 5 khẩu đội sẽ đi vào vận hành năm 2020, điều này đã phản ảnh những khó khăn phải đối mặt trong việc sản xuất hệ thống vũ khí này.

Quả thực có những bằng chứng xác thực cho thấy chương trình chế tạo S-500 sẽ bị lùi lịch trình và sẽ không đi vào phục vụ sớm được. Trước tiên là khả năng đáng gờm nhất của S-500 phụ thuộc vào tên lửa N776, nhưng trong số hai nhà máy được xây dựng để sản xuất tên lửa này thì một nhà máy vẫn chưa đi vào hoạt động cho đến tận 2017 và một nhà máy vừa mới vận hành vào năm nay (2016). S-500 sẽ phải ưu tiên nhường bướ cho việc sản xuất tên lửa S-400 trước.

Ngày triển khai S-500 đã bị lùi lại và cho dù có những tuyên bố rằng nó sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016-2017, nhà phân tích Paul Schwartz từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) vẫn không tìm thấy dấu hiệu nào của việc triển khai này và vẫn nghi ngờ về việc đó liệu có diễn ra sớm. Theo một báo cáo của CSIS, hệ thống này sẽ không đi vào hoạt động cho đến tận năm 2020. Chuyên gia Alexander Khramchikhin từ Trung tâm phân tích chính trị và quân sự Nga cũng nhận định S-500 sẽ chỉ đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2020, không thể sớm hơn”.

Do sự chậm trễ trong việc sản xuất tên lửa siêu thanh, có thể hệ thống S-500 đầu tiên sẽ phải triển khai với các tên lửa 40N6M của hệ thống S-400. Tuy nhiên việc làm như vậy sẽ giúp chương trình diễn ra đúng kế hoạch.

Rõ ràng S-500 được dự kiến sẽ phục vụ như hệ thống chống tên lửa đạn đạo tầm cao phòng thủ đất nước và tầm xa của S-500 sẽ giúp thực hiện nhiệm vụ chống tiếp cận và chống vệ tinh. Và cũng rõ ràng là S-500 được thiết kế để có tính cơ động và khó bị phát hiện hoặc bị xâm nhập để chống lại các cuộc không kích vào hệ thống phòng không.

Nhưng vẫn không rõ liệu S-500 có được các khả năng đáng sợ mà Nga tuyên bố hay không. Hơn nữa, cho dù có các tuyên bố mơ hồ thì vẫn có lí do để tin rằng hệ thống này sẽ không đi vào vận hành sớm.